Chuyện ở một mái ấm tình thương

18/10/2005 20:51 GMT+7

Làm việc không ngơi tay: chốc chốc bế đứa này lên cho uống sữa, quay sang tranh thủ thay tã lót cho đứa kia; hoặc chạy vội vàng rút quần áo đang phơi ngoài sân vì trời sắp đổ mưa... Đó là hình ảnh tất tả chăm lo cho đàn con bằng những đôi bàn tay nhỏ nhắn của các mẹ trong Mái ấm Diệu Giác, P.Bình An, Q.2, TP.HCM. Họ đang làm hết mình cho đàn con nhỏ được vui chơi, chạy nhảy.

Gia đình cũng chính là nơi làm việc

“Hầu hết các mẹ làm việc ở mái ấm đều có gia cảnh bất hạnh. Những ngày mới thành lập mái ấm, có rất nhiều người đến chơi rồi không chịu về. Họ nói: "Con không về đâu sơ ạ, thậm chí ngủ bằng chiếu rách con cũng nhất định xin ở lại để chăm sóc cho trẻ, dù sơ có cho con là kẻ ăn vạ cũng được!". Trong hoàn cảnh khó khăn đó, cả hai bên đều cần có nhau. Họ thì cần có nơi ăn chốn ở còn mình thì cần có người chăm sóc trẻ con, nên cả hai đã cùng giúp đỡ lẫn nhau sống qua ngày", sơ Như Trí xúc động kể lại.

Ví như các mẹ Hạnh, Hải, Thủy, Huy... hơn 16 năm gắn bó với mái ấm đã đem lại cho họ nhiều niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Gia đình các mẹ đều sinh sống tại Huế, do hoàn cảnh riêng nên di cư vào Nam, được mọi người giới thiệu vào làm bảo mẫu cho trẻ em ở mái ấm. Trong chính hoàn cảnh sóng gió, thiếu thốn tình cảm, thì tình yêu thương giữa họ và bọn trẻ càng thắm thiết hơn, gắn kết lại với nhau. Và nơi đây cũng chính là gia đình, là nguồn an ủi duy nhất, mang lại niềm vui cho các mẹ. Bằng giọng Huế dịu dàng, mẹ Hạnh kể lại câu chuyện khiến mẹ day dứt mãi: "Một mẹ có đến hơn 10 con, từ sơ sinh cho đến 18 tuổi. Mẹ vẫn nhớ mãi cái ngày bé Thọ chơi nghịch bị ngã gãy tay, phải đưa vào nhà thương băng bột. Tội nghiệp, nó mới có mấy tuổi đầu mà phải chịu băng bột vừa nóng, vừa ngứa, khóc suốt ngày đêm. Thấy thương, xót con, mẹ mới tháo băng trước ngày bệnh viện quy định. Thế là nó bị sái tay, bị "cán vá", trẹo sang một bên. Cứ mỗi lần nhìn thấy nó là mẹ lại khóc vì ân hận...".

Không chỉ riêng mẹ Hạnh xót xa khi mắc một sai lầm với con, dù không phải đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau, mà mỗi người mẹ trong mái ấm đều dồn hết mọi bất hạnh trong cuộc đời mình đem hun đúc thành tình yêu thương cho những đứa trẻ thơ bất hạnh. "Mọi người làm ở đây là vì cái tâm, cái tình. Bởi công việc của các mẹ là không cố định, hết việc này đến việc kia. Đang cho con ăn mà nghe nói có nhà hảo tâm gọi điện đến lấy cơm, rau, thịt thì mình cũng phải chạy thật nhanh. Không ai có công việc gì riêng hết, vì đã là gia đình, đã là người mẹ thì việc nào tốt cho con thì bản thân làm mẹ, mình cũng phải làm cho tốt. Nhiều người đến hỏi họ có bằng cấp chuyên môn bảo mẫu hay sư phạm gì không, nhưng đối với tôi cái bằng cấp duy nhất, quý giá nhất mà tôi nhận được từ họ là cái "tâm". Bởi công việc của những người mẹ ở đây đều không được nhận lương bổng, thậm chí cũng không có gia đình riêng", sơ Như Trí bộc bạch.

Mẹ Hải bế em bé sơ sinh mà mái ấm vừa nhận về

Một ngày không chỉ có 24 tiếng

Mười bảy bà mẹ ngày đêm túc trực chăm lo cho hơn 120 đứa con nhỏ. Trẻ con hiếu động, hết khóc lại ăn, ngủ. Thậm chí khi chúng trêu chọc đánh nhau, người gỡ rối vẫn là các mẹ. Ôm đồm mọi công việc không tên: đi chợ, tắm gội, thay tã, dọn dẹp nhà cửa như một tạp vụ, bán thức ăn chay giúp chùa, bận rộn như một nhà... doanh nghiệp! Doanh nhân thì có phúc lợi, lương bổng; còn các mẹ thì niềm vui duy nhất là được nhìn thấy con cái khôn lớn, đứa lên đại học, đứa học nghề lập nghiệp, xây dựng gia đình. Hiện nay, mái ấm có ba em đã đi làm ở nhà in và chuẩn bị trở về để dạy nghề cho các em nhỏ ở nhà; hai em đang học ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và một em tháng sau sẽ lập gia đình.

"Một người đau thì cả nhà đều đau, nhà mình mới nhận nuôi thêm một cháu chỉ mới có 4 ngày tuổi. Một tay mình phải chăm lo cho 10 đứa con trong suốt 3 năm qua. Đứa bé mới nhận về còn quá nhỏ, lại không được nuôi bằng sữa mẹ, dễ bệnh và hay khóc nữa. Trong khi đó căn phòng có cả thảy 60 đứa, nửa đêm tụi nó bị đánh thức bởi tiếng khóc của em nhỏ nên cả phòng... khóc theo... Như con bé Bích Trân này, tuy đã 6 tuổi rồi mà vẫn cứ đòi ngủ với mẹ. Chiếc giường mình đã nhỏ nay càng hẹp hơn khi cả ba mẹ con cùng thu gọn đầu - đuôi để được ngủ chung", mẹ Hải - năm nay chỉ mới 21 tuổi - mắt long lanh niềm vui kể lại.

Dường như một ngày 24 tiếng với những bà mẹ này là quá ít ỏi để chăm lo cho hết từng hành động, suy nghĩ của trẻ. Họ phải tranh thủ từng chút thời gian để làm thêm những công việc khác như vá áo, giặt giũ... "Tội nghiệp lắm cô ạ! Bây giờ tôi tuy chuyển sang bên chỗ bán đồ ăn chay của chùa, nhưng bọn trẻ quen hơi cứ hay chạy ra gọi mẹ. Mình lại cố gắng tranh thủ giờ nào hay giờ đó để vui chơi với chúng. Được cái, đứa nào cũng ngoan ngoãn, biết vâng lời. Ngoài sự chăm sóc của những bảo mẫu như chúng tôi thì các cháu còn được các sơ dạy lễ nghĩa của một con người"...

Lúc chia tay, tôi tình cờ được gặp một nhóm nhà hảo tâm người Úc đến thăm mái ấm. Họ xúc động cho biết: "Chúng tôi biết mái ấm này qua một người bạn đang công tác tại Trung tâm ngôn ngữ quốc tế ở Sài Gòn. Nhân chuyến du lịch sang Việt Nam, chúng tôi muốn góp một phần nhỏ để giúp đỡ cho các em. Thú thật, tôi thật sự ngưỡng mộ những người phụ nữ - người mẹ Việt Nam ở đây. Bọn trẻ tuy không do họ sinh ra nhưng họ lại yêu thương chúng như chính khúc ruột, cơ thể của mình...".

Hai thành viên trong nhóm hảo tâm người Úc chơi đùa với các em

Kim Phụng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.