Chuyện ở thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn

05/11/2016 12:15 GMT+7

Năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng đã cùng với các họ tộc Lê, Nguyễn, Trịnh, Hoàng, Đặng, Bùi... vào Thuận Hóa để dựng cơ đồ và chọn Ái Tử làm dinh trấn.

Núi Vọng Phu ở VN có nhiều nhưng địa danh Ái Tử, hiện chỉ có một - là thị trấn Ái Tử thuộc H.Triệu Phong (Quảng Trị). Ở Quảng Trị lưu truyền câu ca: “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu!”. Núi Vọng Phu được “dựng xây” từ câu chuyện cổ tích về tình vợ chồng oái ăm của một cặp anh em. Rằng khi còn bé, người anh lỡ tay dùng dao chém vào đầu em chảy máu nên bỏ đi biệt xứ. Sau này, người anh kết hôn, có con với một người phụ nữ. Nhưng anh ta đã phải một lần nữa chạy trốn khi biết được vợ mình cũng chính là đứa em ruột năm nao với bằng chứng là vết sẹo lớn trên đỉnh đầu. Khi chồng bỏ đi không thưa gởi câu nào, người vợ cũng là cô em liền bồng con đứng trên mõm núi trông ngóng, ngày này qua tháng khác rồi hóa đá và thành hòn vọng phu. Hiện trên cả nước có khá nhiều... hòn vọng phu. Có thể kể ra đây các hòn vọng phu ở xã Đông Hưng (H.Đông Sơn, Thanh Hóa), ở Quế Phong (Nghệ An), ở Lạng Sơn như trong câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, ở H.Phù Cát (Bình Định) gắn với câu ca “Bình Định có núi Vọng Phu/Có đầm Thị Nại, có cù Lao Xanh”...
Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, trước kia Ái Tử thuộc tổng An Đôn (H.Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa). Còn trong Ô Châu cận lục, không rõ vì sao mà Dương Văn An lại nhắc đến địa danh Ái Tử với 1 câu rất lạ, rằng: “Đường làng Cổ Kinh đi thuyền rất tiện, dân xã Ôn Tuyền phong tục rất hay. Tên làng Ái Tử sao nỡ bán con cho người”. Còn theo nhiều tư liệu về lịch sử, thế kỷ 16, 17, nạn cát cứ và tranh chấp giữa hai thế lực Trịnh - Nguyễn dẫn đến nội chiến, đất nước bị chia cắt, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Ái Tử đã trở thành thủ phủ đầu tiên của chúa Nguyễn. Cụ thể, được sự gợi ý của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng đã cùng với các họ tộc Lê, Nguyễn, Trịnh, Hoàng, Đặng, Bùi... vào Thuận Hóa để dựng lại cơ đồ và chọn Ái Tử làm dinh trấn, gắn bó với vùng đất này cho đến lúc chúa qua đời vào năm 1613. Đến năm, 1744 chúa Nguyễn Phúc Khoát mới đưa chính dinh vào Phú Xuân (Huế), nên Ái Tử mới thành... cựu dinh. Với vị thế đó, Ái Tử đã từng rất hưng thịnh. Ái Tử cũng đã từng được chúa Nguyễn dựng chùa Tịnh Quang, sau đó được phong là sắc tứ Tịnh Quang (ngày nay gọi là chùa Sắc Tứ), từng được vua ban sắc dụ làm Quốc tự.
Nhưng có điều rằng, ngày nay nhiều địa danh, câu chuyện về chúa Nguyễn ở Ái Tử chỉ còn truyền miệng. Mới đây, năm 2013, tại hội thảo “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” do UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học lịch sử VN đồng tổ chức, nhiều sử gia, nhà nghiên cứu đã đắng đót nhìn nhận rằng, hơn 400 năm đi qua, những di tích liên quan đến thời chúa Nguyễn Hoàng ở Ái Tử nếu không bị chôn vùi dưới lòng sông thì cũng đã biến mất.
Chơi chữ hay gắn với điển tích?


Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, GS Phan Huy Lê đề nghị cần nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và một lễ hội để ghi nhận và tôn vinh công lao của chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại vùng đất Ái Tử.

Là một sản phẩm của văn học dân gian nên chẳng ai biết câu ca: “Mẹ thương con ra cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu” ra đời từ lúc nào, tác giả là ai. Và câu hỏi địa danh “Ái Tử” có trong câu ca chỉ là vì chơi chữ (thương con - Ái Tử và trông chồng - Vọng Phu) hay có gắn với điển tích nào cũng chưa có người giải đáp. Để tìm câu trả lời, người viết cũng có chuyến điền dã về vùng đất vốn chỉ cách TP.Đông Hà chưa đầy chục cây số. Ái Tử nay là thị trấn trung tâm huyện lỵ của Triệu Phong, đã có nhiều bước phát triển khởi sắc trong thời gian gần đây. Cũng có một ngôi làng ở xã Triệu Ái (H.Triệu Phong) cách không xa TT.Ái Tử cũng có tên là Ái Tử. Riêng về cầu Ái Tử, chỉ có duy nhất một chiếc và nằm ngay trên QL 1, đoạn cực bắc của thị trấn này.
Tiếc rằng, không như tưởng tượng ban đầu, cầu Ái Tử chỉ là một cây cầu bê tông cốt thép như hết thảy các cây cầu khác trên đất nước VN này. Nó bình thường, đơn giản, được xây dựng tại km 674 +71 QL 1, có lan can hai bên bằng sắt. Chính vì thế, cây cầu đã không mang trong mình một thứ trầm tích cổ xưa nào cả. Cũng không có một tư liệu nào nói rằng cầu Ái Tử (cũ) là một cây cầu có điểm gì đặc biệt. Trong một nỗ lực khác, người viết cũng đã cố tìm hiểu về cơ duyên địa danh Ái Tử vào trong câu ca trên tại một số cơ quan chức năng và một số người được cho là am hiểu về vùng đất Triệu Phong nhưng hầu hết cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Có chăng là nhà báo Phạm Xuân Dũng (Ban Văn nghệ chuyên đề, Đài PTTH Quảng Trị) bày tỏ quan điểm riêng cho rằng cơ sự đó chỉ do thú chơi chữ của người xưa mà thôi... Chính vì thế nên theo những ghi chép trong cuốn Văn học dân gian tỉnh Quảng Trị do Sở VH-TT tỉnh Quảng Trị (cũ) và Thư viện tỉnh này ấn hành từ thập niên 1990, hai câu cuối của bài ca này là: “...Biết răng chừ bóng xế trăng lu/Con ve kêu mùa hạ, biết mấy xuân thu gặp chàng”.
Nhưng, lại nói, dẫu có là chơi chữ hay gắn với một điển tích nào thì câu ca dao đẫm chất trữ tình này vẫn đã đi vào hồn người một cách hết sức dung dị và được lưu giữa bền lâu từ lời ru của bà của mẹ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.