Chuyện tác nghiệp 'ly kỳ' sau những tấm ảnh báo chí trong triển lãm Dấu Ấn

Lưu Quang Phổ
Lưu Quang Phổ
19/06/2019 19:15 GMT+7

Một triển lãm ảnh báo chí mang tên Dấu Ấn với hình ảnh các nguyên thủ Donand Trump, Kim Jong-un... đang được trưng bày ở 29 Hàng Bài, Hà Nội và thu hút sự quan tâm của công chúng, bởi góc nhìn ấn tượng và chân thực.

“Đồng nghiệp của tôi đã ngồi 24 giờ trên những chiếc thang để chờ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, và chỉ 3 phút sau khi ông Kim xuất hiện thì hình ảnh Chủ tịch Triều Tiên đã tràn ngập khắp thế giới
Đó là lời kể đầy tự hào của Nguyễn Huy Khâm, phóng viên ảnh của hãng tin Anh Reuters tại Hà Nội, khi nói về những đồng nghiệp ảnh báo chí của mình ở Hà Nội. “Chủ tịch Kim là một trong những người bí ẩn nhất thế giới, vì thế, chụp được ảnh ông ấy cũng là những việc khó khăn bậc nhất đối với công việc của một phóng viên ảnh”, chia sẻ này của Nguyễn Huy Khâm cũng là lời giải thích tại sao có đến 4 bức ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong-un trong triển lãm ảnh báo chí mang tên Dấu Ấn của Câu lạc bộ phóng viên ảnh báo chí, đang trưng bày ở 29 Hàng Bài, Hà Nội.
Người hâm mộ đón đội U.23 Việt Nam Ảnh Như Ý
Tại triển lãm, hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang tuyên thệ nhậm chức, ảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một lần chào cờ ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) và ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xuất hiện trang trọng nơi tiền sảnh. Tổng thống Mỹ Donand Trump có mặt trong 3 bức ảnh.
“Đó là những hình ảnh mà người dân mong chờ để được xem nhất”, phóng viên Nguyễn Huy Khâm nói. Nhận xét này của Nguyễn Huy Khâm là có căn cứ. Đến Trung tâm triển lãm 29 Hàng Bài lúc 8 giờ sáng 19.6, chúng tôi thấy đã có nhiều người đợi đến giờ mở cửa để xem triển lãm ảnh báo chí mang tên Dấu Ấn của Câu lạc bộ phóng viên ảnh tại Hà Nội. Đó là một sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền cùng một cụ ông đã 90 tuổi. Một họa sĩ là ông Nguyên Nguyên thì từ trước đó đã chở vợ đến với mong muốn được xem triển lãm lần thứ 2. Hàng trăm người vẫn đến xem ảnh trong ngày triển lãm thứ 3 có thể là một thành công của triển lãm này.
Cựu học sinh Việt Nam Phạm Ngọc Cảnh và người vợ Triều Tiên Ri Yong Hui trước ngôi nhà của họ ở Hà Nội Ảnh Nguyễn Huy Khâm
“Câu lạc bộ chúng tôi tự hào đã sản xuất ra khoảng 70% hình ảnh mà các báo đăng tải hàng ngày. Những bức ảnh ở triển lãm có thể nói là đã phản ánh cơ bản những sự kiện lớn nhất của đất nước, từ các nguyên thủ quốc gia, trong sự kiện chính trị có tầm cỡ thế giới như cuộc gặp Mỹ - Triều, hay sự khởi sắc của bóng đá Việt Nam, vụ án đánh bạc qua mạng, hoặc các vụ thiên tai lớn, cũng như những sinh hoạt hàng ngày”, Nguyễn Huy Khâm nói.
Quả thực, những bức ảnh như biển người đón đội bóng U.23 Việt Nam trở về (tác giả Như Ý, Báo Tiền Phong), 2 cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa khi ra tòa ở Phú Thọ (tác giả Việt Linh, Báo Dân Việt)... là rất ấn tượng.
Theo phóng viên Nguyễn Huy Khâm, có nhiều câu chuyện còn tiềm ẩn sau các bức ảnh trong triển lãm, đó là đối lập với một thủ đô Bình Nhưỡng đẹp lộng lẫy là bức ảnh người nông dân Triều Tiên đi cày bằng bò (ảnh Hoàng Hải Thịnh, phóng viên ảnh tự do). Ngay cả những bức ảnh chụp cảnh cứu hộ thiên tai tưởng chừng đơn giản, như của tác giả Chu Ngọc Thắng (Báo Thanh Niên) cũng ẩn chứa đằng sau những câu chuyện rất đáng kể về tác nghiệp.
Chia sẻ với Thanh Niên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chính, Trưởng phòng Sáng tác - Triển lãm, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời cũng là thành viên ban tổ chức triển lãm Dấu Ấn, cho biết đa số trong 95 bức ảnh được công bố lần này là những khoảnh khắc đặc biệt. “Ảnh nghệ thuật có thể dàn dựng để thể hiện ý tưởng, nhưng những bức ảnh báo chí như thế này thì đúng là không thể, nó nói lên lao động cực nhọc của người phóng viên, khi sự kiện chỉ diễn ra trong nháy mắt và không bao giờ có thể lặp lại”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Chính bày tỏ khi chia sẻ về độ khó của ảnh báo chí mà từng bức ảnh trong triển lãm đã thể hiện.
Cũng giống như việc phải chờ Chủ tịch Triều Tiên 24 giờ trên những chiếc thang nhôm để tác nghiệp chỉ vài giây, phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Báo Tri Thức Trẻ) phải mất cả tuần lang thang khắp thành phố Đà Nẵng chỉ để tìm vị trí chụp chiếc máy bay Boeing của Tổng thống Mỹ Donand Trump sau khi ông kết thúc Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017. Cuối cùng Tuấn tìm được một nghĩa trang bên sườn núi, cạnh một doanh trại quân đội, chờ vài giờ và chỉ có vài giây để bấm máy từ khoảng cách 2 km, mới có được tấm ảnh chiếc Không lực 1 bay qua tòa nhà hình bắp ngô biểu tượng của thành phố Đà Nẵng.
Máy bay của Tổng thống Mỹ rời Đà Nẵng sau Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 Ảnh Nguyễn Tiến Anh Tuấn
Tương tự, phóng viên Phạm Ngọc Thành (Báo điện tử Vnexpess), đi Lai Châu để đưa tin về đợt mưa lũ xảy ra vào tháng 6.2017. Sau 2 ngày di chuyển, cả đi bộ lẫn công nông, Phạm Ngọc Thành mới vào hiện trường, nơi 2 quả đồi đã sạt lở, vùi lấp 5 người.
Tại hiện trường lúc này đang có hàng trăm chiến sĩ quân đội đang tìm kiếm các nạn nhân. Vào giờ nghỉ, các chiến sĩ ngồi ăn cơm trên các mỏm đá, xung quanh nước lũ vẫn chảy ào ào. “Tôi rất xúc động trước cảnh này khi bấm máy. Ở đây không có hàng quán, bộ đội mời cơm nhưng chúng tôi không ăn, để nhường cho anh em, vì họ là những người vất vả nhất, lao động của chúng tôi chưa là gì”, Phạm Ngọc Thành nói.
Bữa trưa bên rốn lũ Lai Châu, tháng 6.2018 Ảnh Phạm Ngọc Thành 
Xem triển lãm, người viết bài ấn tượng trước bức ảnh cặp vợ chồng Việt - Triều đã nổi tiếng toàn thế giới với mối tình hơn 30 năm, cùng lời chú: “Cựu học sinh Việt Nam Phạm Ngọc Cảnh, người đã học ở Triều Tiên và vợ của ông - Ri Yong Hui trước ngôi nhà của họ. Cưới nhau năm 2002 sau 31 năm chờ đợi, bà Ri là người Triều Tiên đầu tiên được lấy chồng ngoại quốc”.
Tuy nhiên, tác giả bức ảnh, phóng viên Phạm Huy Khâm kể trên cho biết, đó cũng chỉ là một bức ảnh dễ chụp. Anh thích một “đứa con” khác của mình hơn, đó ảnh một phụ nữ ở Hội An đang bơi trong nước lũ năm 2017.
“Trong chương trình APEC, có việc các nguyên thủ thăm Hội An, nhưng trước đó vài ngày thì Hội An lũ lớn. Tôi đã đi thuyền trên sông Hoài, rồi chụp được ảnh này và gửi đến triển lãm để nói rằng đằng sau những hào nhoáng thì ảnh báo chí là những mảnh đời, những thân phận”.
Các cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hầu tòa Ảnh Hồng Việt Linh
Nếu cần phải “chê” Dấu Ấn, Thanh Niên xin dẫn lời góp ý của phóng viên ảnh kỳ cựu Hoàng Đình Nam (nguyên phóng viên hãng tin Pháp AFP): “Tôi thấy hơi thiếu hình ảnh về đời sống người dân Việt Nam còn lam lũ, về thiên nhiên, môi trường đang bị tàn phá, cũng như các vấn đề của đời sống hiện đại như giao thông, kiến trúc - quy hoạch đô thị đang bị phá vỡ. Những câu chuyện này nên được kể trong triển lãm lần sau”.
Triển lãm Dấu Ấn gồm 95 bức ảnh, được chọn từ khoảng 1.000 bức ảnh của 35 tác giả là các phóng viên ảnh đang làm việc tại Hà Nội.
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 22.6 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Câu lạc bộ phóng viên ảnh Hà Nội gồm 70 thành viên, đây là lần thứ 2 tổ chức này trưng bày triển lãm ảnh báo chí.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.