Chuyện tiêm chủng ở vùng cao

31/10/2017 10:12 GMT+7

“Chúng tôi lĩnh vắc xin trên huyện cách khoảng 35 - 40 cây số. Đã gắn bó với công việc của mình, nên dù có ngày mưa, nắng chúng tôi luôn cố gắng hoàn thành để có vắc xin tiêm cho các cháu được đầy đủ, đúng lịch”.

Đó là lời chia sẻ của y sĩ Đào Thị Thúy Hằng, trạm trưởng Trạm y tế xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Y sĩ vùng cao
Xã Lâm Giang có 18 thôn với hơn 8.300 dân sinh sống. Theo danh sách, tại đây có khoảng 150 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng. Ngoài công tác tiêm chủng cho các trẻ, các cán bộ của trạm y tế xã còn theo dõi thai sản cho các phụ nữ mang thai.
“Theo dõi sức khỏe bà mẹ chúng tôi kết hợp tư về vấn tiêm chủng cho các chị em và cho các con của họ. Các bà mẹ mang thai đều tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin phòng uốn ván. Mũi tiêm này rất quan trọng bởi vùng núi vẫn còn tập quán sinh tại nhà, thậm chí có khi họ đẻ rơi, không kịp đến trạm y tế. Bởi vậy tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai bảo vệ mẹ và giúp bé có miễn dịch phòng uốn ván ngay trong những ngày đầu đời”, y sĩ Thúy Hằng - người trạm trưởng có 20 năm gắn bó với trạm y tế xã và công tác tiêm chủng cho biết.
-	Cán bộ làm tiêm chủng vùng cao được người dân tin tưởng
Cán bộ làm tiêm chủng vùng cao được người dân tin tưởng Nguyễn Đoàn


Xóa vùng “trắng” về tiêm chủng
Chúng ta vẫn còn vùng lõm về tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế. Do đó, với các dịch bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, ngành y tế các địa phương cần luôn chú trọng, rà soát, tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, tránh để vùng lõm, vùng trắng về tiêm chủng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Nhờ sự tư vấn cặn kẽ của các cán bộ y tế xã Lâm Giang, các bà mẹ, ông bố vùng cao đã hiểu, tiêm chủng đầy đủ giúp các con của họ phòng các bệnh viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi... “Nhiều năm qua, các gia đình trong xã cho các con đi tiêm chủng đầy đủ. Có khi cách xa điểm tiêm cả chục cây số các ông bố, bà mẹ người Dao cũng địu con đến tiêm, vì thế cán bộ làm tiêm chủng càng cố gắng”, y sĩ Thúy Hằng bộc bạch.
Vì sức khỏe cộng đồng
Với sự nỗ lực của các cán bộ y tế, tại tỉnh Yên Bái tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ tại địa phương luôn đạt mức cao. Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Yên Bái, từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của Yên Bái luôn đạt >98%. 9 tháng đầu năm 2017 tỷ lệ này đã đạt trên 70%.
Trong các năm vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Yên Bái không có biến động lớn; một số bệnh có vắc xin chỉ ghi nhận rải rác như: ho gà (năm 2016: 7 ca; 7 tháng đầu năm 2017: 3 ca); viêm não Nhật Bản B (năm 2016: 6 ca); sởi/nghi ngờ sởi (năm 2016: 20 ca, 7 thángđầu năm 2017: 4 ca)…
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, phụ trách tiêm chủng mở rộng chia sẻ: công tác tiêm chủng tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa do điều kiện đi lại không thuận lợi, nhiều bà con có thói quen đi làm nương xa, họ gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tiêm chủng. Vì vậy, tại các tỉnh miền núi, cán bộ làm công tác tiêm chủng đã nỗ lực giúp cho trẻ em và phụ nữ có thêm nhiều cơ hội được tiêm chủng thông qua thực hiện tiêm chủng ngoại trạm y tế.
Đó là những điểm tiêm chủng do cán bộ ở trạm y tế xã thực hiện, họ phải đi tới các điểm tiêm ở trường học, hay nhà y tế thôn, nhà của trưởng thôn/bản… cách xa trạm hơn 5 cây số trên những đoạn đường khó đi để tiêm chủng cho các trẻ em và phụ nữ. “Các cán bộ y tế đã rất cố gắng, bền bỉ để đạt được tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng.
Ngăn chặn dịch bệnh cho trẻ nhỏ và cộng đồng bằng sử dụng vắc xin phòng bệnh luôn là mối quan tâm lớn của những người làm công tác tiêm chủng mở rộng”, TS Hồng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.