Chuyện tình cụ Vương Hồng Sển - Kỳ 2: Vĩnh biệt "em Tuyết" ở Sài Gòn

13/12/2006 22:22 GMT+7

Vượt qua cơn bệnh nặng, "em Tuyết" của cụ Vương hồi phục. Sắc đẹp mặn mà của người phụ nữ ở độ tuổi 30 - độ tuổi của quả ngọt đang hồi chín tới - đã làm xiêu lòng một "người thứ ba" nhỏ hơn cụ Vương đến mười mấy tuổi.

Đó là Hồ Văn Th. được cụ nhắc tới trong hồi ức như một người quen biết với cụ cũng như với "em Tuyết" từ trước và là một tay chơi bài "khôn" đáo để. Cụ viết như nói với "em Tuyết" rằng: "Anh không lanh lợi như Th., mỗi dịp Tết hội nhau chơi bài, Th. ăn gian mà anh lù khù vẫn chung tiền...". Con người "lanh lợi" ấy, tuổi lại trẻ hơn cụ Vương nhiều, đã cùng "em Tuyết" hẹn hò, lao vào cơn lốc đầy ma lực của tình yêu mới. Ở lãnh địa nhiều sức hút này, Th. và "em Tuyết" ngày càng đi đến chỗ gắn bó không còn muốn xa nhau nữa. Hai người ngày càng biểu lộ rõ hơn tình cảm của họ trước mọi người. Để rồi đến một bữa nọ "em Tuyết" công khai ngỏ lời muốn chia tay với "chàng Vương" sau 19 năm chung sống (không có con).

Cụ Vương lúc đầu tìm lời khuyên nhủ, nhắc nhớ những ngày hai người đầu ấp tay gối, đùm bọc chia sẻ ấm lạnh từ đất Sài Gòn, Sa Đéc đến Cần Thơ và Sóc Trăng với Tuyết. Nhưng dường như những kỷ niệm xưa do cụ Vương khơi dậy đã không mạnh bằng tiếng nói mới thầm thì nhưng mãnh liệt từ mối giao tình với Th. nên cuối cùng, như cụ Vương viết: "Em (Tuyết) vẫn bỏ anh, mấy lần cậy anh em thương thuyết, nài nỉ cách mấy, em cũng không ở lại. Thế rồi em lấy Hồ Văn Th., nhỏ hơn anh trên mười mấy có dư, em vui duyên mới, anh tê tái, nát ruột như tương". Thế là cụ Vương đành chia tay với người vợ thứ hai này sau gần hai thập niên ăn ở với nhau. Lúc ấy cụ Vương đã 46 tuổi và "em Tuyết" 36 tuổi (1947), khi chia của cải "em biếu anh mớ sách cũ và bao nhiêu thứ đồ cổ mà em không tha thiết, em chỉ xin và anh ưng lòng để em ôm hộp sắt Fichet ra đi, hộp chứa đựng vàng vòng của phụ thân anh tự tay làm ra, và bao nhiêu của báu mà anh không màng, anh chỉ màng mối tình 19 năm âu yếm mà em đành đứt đoạn, của báu ấy xiết bao người mê thích, chỉ một anh không thích mê chút nào, thật vậy, anh chỉ mê chén xưa tuy nứt nẻ và mê ấm sứt vòi".


Dưới mái ngói của "vuông nhà cổ tích" này, cụ Vương đã viết những dòng khóc lóc "cuộc tình tàn" với Tuyết - ảnh: Diệp Đức Minh

Đúng thế thật, lúc bấy giờ cụ Vương đã say mê sưu tầm đồ cổ và sách báo. Trong những năm cuối sống với "em Tuyết" cụ đã biên soạn công trình nghiên cứu đầu tiên công bố trong kỷ yếu của Hội Khuyến học Nam Việt vào đầu năm 1943 và xuất bản Les Bleus de Hue à decor Mai Hạc par Vương Hồng Sển vào năm kế đó, 1944. Có thể tình yêu đồ cổ và nghiên cứu những giá trị quá khứ của cụ đã không hợp mấy với tâm hồn đang đòi hỏi một "hiện tại" ngọt ngào hơn của Tuyết. Song theo cụ sở dĩ "em Tuyết" khăng khăng theo mối duyên mới là vì "mấy hột kim cương tai hại... ai kia nói có xoàn là sang là quý, xin cho tôi cãi lại, tại tôi quá dễ dãi, bắt chước lối ăn ở theo Tây, để vợ quá tự do" lấy cớ mang xoàn lên Sài Gòn bán để rồi giao du rộng rãi. Một lý do nữa do cụ Vương nêu lên và viết lại về nguyên do dẫn đến thái độ chia tay quyết liệt của Tuyết là: "Một phần cũng tại Cảnh (em khác mẹ của cụ). Cảnh nhẫn tâm đổ lư hương nhạc mẫu (mẹ của em Tuyết) để em nước mắt dầm dề, rồi xảy ra chia uyên rẽ thúy từ đây, ôi nhắc lại làm chi, mọi sự đã trễ rồi. Quan (anh của Cảnh) lạy em xin tội, anh riêng nhờ chị Emille Penne giải hòa nhưng mối hòa nan giải".

Sau ngày xa "em Tuyết", cụ Vương rời Sóc Trăng trở lại Sài Gòn vào mùa thu năm 1947. Còn Tuyết lập tổ ấm mới với Th. cùng chung sống trong hơn 30 năm rồi Th. qua đời trước, hai bên cũng không có đứa con nào. Từ đó bà Dương Thị Tuyết sống đơn chiếc ở Sài Gòn cho đến ngày qua đời tại cư xá Thanh Đa. Ngày bà mất, cụ Vương được tin trễ sau khi liệm. Cụ đã vội đến viếng ngay khi hay tin và viết những dòng thắm thiết sau đây: "Em Tư (Tuyết) ôi, anh khóc em đây, thôi thôi, em Tư của anh đã không còn rồi! Chiều 6 Juillet (6.7.1992), thằng Thông đến vội vàng, cho hay tin em đã nhắm mắt từ hôm 4 và đã liệm xong rồi, trễ quá rồi và ngày mai 7.7, sẽ đưa đi hỏa táng ở Cây Quéo và tro cốt sẽ gởi nơi nhà thờ. Tin như sét đánh, chẳng kịp bưng tai. Còn gì nữa đâu !".  Đọc những dòng tiếp theo của một người chồng 91 tuổi rất mực yêu vợ cũ chúng ta sẽ hiểu rõ thêm tấm tình của cụ Vương dành cho bà Dương Thị Tuyết vẫn nồng nàn như thuở nào, và biết thêm những giờ phút cô đơn cuối đời khi mãn phần của một hoa khôi Sóc Trăng ngày nọ: "Em hai lần lấy chồng mà "hoa không kết quả", em sạch sành sanh, nhắn anh một lời cụt ngủn: "Gởi lời thăm nhé!", Tư Tuyết em ôi, lòng anh đau như cắt, nhứt là hay tin cốt tro của em sẽ gởi vào thánh đường, nhưng nhà thờ gần đây mới bày ra tro cốt gởi nhà lưu trữ, còn anh đây, nửa theo Thánh Giá, nửa theo đạo Khổng, anh đang điều đình với Phụng là dưỡng tử của em, hãy cho anh rước tro em đưa về an táng nơi đất chùa ở Quang Mỹ tự (Phước Thiền), Biên Hòa, may ra được gần phần mộ của bà và của anh Ba Thoại, bào huynh của em. Nay em ra đi, anh sống lại làm chi với tuổi 91 để chứng kiến cảnh thương tâm này? Hồn em có linh, xin chứng chiếu...".

H.H

Kỳ 3: Gặp nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.