Chuyện tình miền sơn cước - Kỳ 2: Đôi vợ chồng có 3 tay, 3 chân

23/09/2014 03:00 GMT+7

Anh Lê Văn Phi (30 tuổi, trú thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp, H.Đarkông) bị cụt một tay còn chị Hồ Thị Lành (27 tuổi, trú xã Thuận, H.Hướng Hóa, Quảng Trị) bị liệt một chân, cộng lại cặp đôi này chỉ có 3 tay và 3 chân nhưng đã xây dựng một mái ấm hạnh phúc đáng ngưỡng mộ ở vùng cao gian khó.

>> Chuyện tình miền sơn cước: “Anh mù lòa, em có thương anh không ?”

 Chuyện tình miền sơn cước - Kỳ 2: Đôi vợ chồng có 3 tay, 3 chân 1
Chắt chiu từng bó củi, đôi vợ chồng khuyết tật này đã nuôi dưỡng tình yêu lâu bền - Ảnh: Nguyễn Phúc

Yêu nhau nhờ thể thao

Dùng cùi tay khéo léo châm điếu thuốc lá, anh Phi bắt đầu kể về “tuổi thơ dữ dội” của mình. Đó là vào một mùa hè lúc 13 tuổi, trên đường đi rà phế liệu, anh phát hiện 1 quả đạn nhỏ. Anh dại dột cầm một cục đá gõ lên quả đạn. Rồi bùm... Khi tỉnh dậy Phi đã thấy bàn tay phải của mình nát bươm. “Nhà nghèo, bố mẹ lại không hiểu biết nên họ đã đưa tôi đến thầy lang trong bản để... thổi (một cách chữa bệnh khá kỳ quặc ở vùng cao - PV). Hậu quả là sau nhiều ngày đau buốt, tôi chỉ còn lại cái cùi tay”, anh Phi nhớ lại.

Chị Lành thì lại khác. Có bố từng làm bộ đội, chị là nạn nhân của chất độc màu da cam, khi sinh ra chân trái đã teo nhỏ dị thường so với chân phải. Dù vậy, suốt 9 năm trời chị đã được những người thân trong gia đình đèo, cõng đến trường và phải đến năm lên cấp 3 mới nghỉ học do trường ở TT.Khe Sanh (H.Hướng Hóa) cách nhà tận 20 km.

Có lẽ, nếu không có thể thao thì đến tận bây giờ anh Phi vẫn tiếp tục đi rà sắt và chị Lành vẫn phải quanh quẩn trong xó bếp. Nhà cách nhau đến 60 km, sẽ không ngoa nếu như nói thể thao chính là “ông tơ bà nguyệt” của họ.

“Ông trời khi lấy cái gì của người này sẽ bù lại cho họ cái khác. Tôi tin vậy, bởi dù khuyết tật nhưng vợ chồng tôi đều có sức khỏe và rất dẻo dai. Từ năm 2005, chúng tôi đã lọt vào mắt các tuyển trạch viên cho đi ôn luyện, thi đấu các giải thể thao người khuyết tật cấp tỉnh ở các môn điền kinh”, chị Lành cho biết.

Và họ gặp nhau vào năm 2007, khi cùng về dự giải thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị. Cũng trong năm này, cả hai có mặt trong đội tuyển của tỉnh Quảng Trị tham dự giải thể thao khuyết tật toàn quốc diễn ra tại Huế. Sau phút đầu ngại ngần, họ đã đến với nhau một cách rất hồn nhiên như thể sinh ra đã là của nhau.

Dù vẫn còn dăm ba tiếng vào ra ác ý về việc “thằng cụt lấy con què” thì “lấy cái gì mà ăn”, nhưng anh chị vẫn tổ chức lễ cưới vào năm 2009. Kỳ lạ thay, từ dạo về ở với nhau, thành tích thể thao của anh chị không những không bị “sứt mẻ” mà lại càng lên như diều gặp gió... “Chỉ tính riêng từ năm 2009 đến nay, vợ chồng tôi đã có 17 huy chương cấp quốc gia. Còn cấp tỉnh thì nhiều lắm, tính không hết. Các môn chủ lực mà chúng tôi chơi là nhảy xa, đẩy tạ, ném lao, ném đĩa và xe lăn”, anh Phi không giấu được niềm tự hào.

Còn chị Lành cho rằng, chị và anh Phi có lợi thế khi về với nhau bởi: “Là vợ chồng lại cùng chơi thể thao nên chúng tôi đã tự chăm sóc nhau, tránh chấn thương và cố gắng nâng cao thành tích”. Cũng nhờ thể thao, gia đình anh chị có cơ hội đi đây đi đó hơn dân bản. Ví như tháng 7 vừa rồi, cả gia đình vừa có chuyến “du lịch” dài ngày ở Cần Thơ, khi cả 2 vợ chồng tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. 

 Chuyện tình miền sơn cước - Kỳ 2: Đôi vợ chồng có 3 tay, 3 chân 2
Đối với họ bây giờ, con cái chính là điều quan trọng nhất - Ảnh: Nguyễn Phúc

Dồn hết mơ ước cho con

Đến năm 2010, chị Lành mang thai. Giờ đây, khi kể lại chị vẫn nói rằng đó là giai đoạn anh chị thực sự hoang mang cứ sợ con sinh ra bị tật nguyền như cha mẹ. Nhưng quả ông trời có mắt, sau lần vượt cạn gian khổ hơn những người đàn bà bình thường khác, cháu Lê Thị Kim Cúc chào đời tròn trịa. “Lúc chưa sinh thì sợ cháu có tật mà lúc sinh ra rồi thì lo không đủ tiền nuôi cháu ăn học. Nhớ lúc vừa mới ra riêng, nhiều lúc không có gạo ăn nữa”, chị Lành tâm sự.

Giờ đây, ngoài thời gian đi thi đấu, gia đình anh chị chuyên làm củi để kiếm cơm. Ngày ngày anh Phi đi bộ vào rừng (cách nhà chừng 5 km) vác những thanh củi mục, củi khô về nhà rồi 2 vợ chồng hì hục chẻ ra bó lại thành từng bó, mang ra chợ bán. Anh Phi cho hay: “Mỗi ngày giỏi lắm vợ chồng tôi làm được 25 bó củi. Giá mỗi bó 3.000 đồng nên cũng chẳng đâu vào đâu”. Có lúc anh Phi cũng muốn kiếm thêm chút đỉnh bằng các công việc nặng nhọc hơn nhưng đã nhận ra sự thật chua chát rằng: “Trả tiền như nhau, người ta chẳng dại gì thuê một người cụt tay trong khi có thể thuê một người lành lặn”.

Nhưng dường như đối với cặp đôi đã từng chịu quá nhiều bi kịch trong cuộc sống này thì việc thêm những khó khăn đó cũng không làm họ gục ngã. Họ vẫn sống bình yên từng ngày, trong gian nhà nhỏ của mình với ước mơ cống hiến tiếp cho thể thao và dành nốt những niềm hy vọng cuối cùng cho con cái. “Chúng tôi mong mình có đủ sức khỏe để nuôi dạy bé Cúc thành người. Nếu có cơ hội, chúng tôi muốn có thêm một cháu nữa. Đơn giản vậy thôi”, chị Lành cười hiền hậu.

Nguyễn Phúc 

>> Chuyện tình miền sơn cước: “Anh mù lòa, em có thương anh không ?”
>> Mỹ nhân sơn cước
>> Chợ miền sơn cước
>> Đầu năm, "phượt" miền sơn cước
>> Võ sư miền sơn cước 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.