Chuyện tình nghệ sĩ Mộc Lan - Bài 6: Hậu Châu Kỳ - Mộc Lan

23/02/2010 23:01 GMT+7

Họ đã từng có một thời gian chung sống rồi chia tay... Dòng đời cuốn mỗi người về một phía, ở đó họ lại gặp ý trung nhân của riêng mình sau những trải nghiệm về hạnh phúc lẫn khổ đau.

Khoảng năm 1954, đôi uyên ương Châu Kỳ - Mộc Lan từ Huế vào Sài Gòn thì chia tay nhau. Mộc Lan trở về với nếp sống độc thân. Lúc này Mộc Lan đã rất thăng tiến trong lĩnh vực ca hát, tên tuổi của cô nổi như cồn. Cô thuê một căn phòng ở khách sạn Viễn Đông trên đường Phạm Hồng Thái mà hầu như lúc nào cũng nườm nượp khách ra vô. Khách của Mộc Lan phần đông là người trong giới nghệ thuật: nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, họa sĩ, kịch tác gia... Hầu hết họ đến là để liên hệ công việc nghề nghiệp nhưng cũng có những người tự nguyện đến “trồng cây si” trước người phụ nữ “ngọt ngào như một thỏi sô-cô-la” (chữ dùng của Trần Áng Sơn).

Trong số những người ái mộ này có một “ông vua”. Đó chính là nhạc sĩ Hoàng Trọng - Trưởng ban nhạc Tiếng Tơ Đồng mà Mộc Lan đang là ca sĩ chính. Kể cũng lạ, số phận đưa đẩy để Mộc Lan luôn là đối tượng say mê của những ông vua, ông hoàng... không ngai. Hết nhạc sĩ Đoàn Chuẩn “ông hoàng slow” lại đến nhạc sĩ Hoàng Trọng “vua tango” (chưa kể nhạc sĩ Châu Kỳ cũng xứng đáng được gọi là “vua nhạc trữ tình”). Họ được giới mộ điệu xưng tụng và thừa nhận là “vua” của một thể loại âm nhạc nào đó, rồi nghiễm nhiên “lên ngôi” mà không một ai tranh chấp. Hoàng Trọng có nhiều ca khúc nổi tiếng như Gió mùa xuân tới, Dừng bước giang hồ, Ngàn thu áo tím..., nhưng những bài hát viết theo điệu tango mới được coi là “thương hiệu” của ông (Mộng lành, Mộng ban đầu...). Nhà văn Trần Áng Sơn nói về Hoàng Trọng như sau: “Trong con mắt tôi, anh không phải là mẫu người phụ nữ thích. Người tầm thước nhưng hơi nặng nề, nước da ngăm bì bì, gương mặt không có cá tính. Tuy nhiên, tính anh lại rất hiền, củ mỉ cù mì, ít nói, thuộc loại tán gái bằng cách ngồi lì, chẳng nói và có lẽ cũng chẳng liếc mắt đưa tình. Anh rất thường đến thăm chị tôi, mỗi lần anh đến, anh ngồi một đống. Đến âm thầm khi về cũng lặng lẽ. Lối tán này hình như làm chị tôi... hết chịu nổi! Có vẻ như anh không phải là kẻ đi chinh phục, lại không biết gì về tâm lý phụ nữ và thế là anh bị “knock-out” ngay ngưỡng cửa nhà tôi” (Những trang sách khép mở).

Điều đáng nói là Châu Kỳ và Hoàng Trọng có một tình bạn thâm giao. Họ từng đứng tên chung trong vài tác phẩm (nhạc Hoàng Trọng, lời Châu Kỳ) như: Nhắn người giang hồ, Tiếng nhạc trong sương, Hững hờ (bài Hững hờ chính là món quà tỏ tình của Châu Kỳ với người vợ sau của ông).


Nhạc sĩ Hoàng Trọng - Ảnh tư liệu

Riêng về Châu Kỳ, sau khi chia tay Mộc Lan, ông sống u uất một thời gian dài. Rồi số phận run rủi cho ông gặp cô nữ sinh Kha Thị Đàng ở nhà một người bạn. 18 tuổi, cô hoa khôi của trường Nữ trung học Gia Long đẹp e ấp như một đóa hoa hàm tiếu (liệt sĩ Kha Vạng Cân là con ông bác ruột, nhưng do cha mất sớm nên được thân phụ Kha Thị Đàng đem về nuôi, sau tham gia cách mạng). Trong hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên, bà Kha Thị Đàng (nay đã 73 tuổi) nhớ lại: “Có vài lần tôi gặp anh Châu Kỳ tại nhà Hương (bạn cùng lớp), anh được ba má và anh Triệu (anh của Hương) rất quý trọng. Riêng tôi cũng chào hỏi dăm ba câu chuyện nhỏ, dửng dưng và vô tư. Rồi một ngày định mệnh đã đến, anh tìm gặp riêng tôi và tặng tôi bài nhạc Hững hờ do anh mới sáng tác (thực ra là sáng tác chung của Hoàng Trọng và Châu Kỳ), với lời tặng “Trách ai khéo hững hờ...”. Sự xúc cảm đột ngột của đứa con gái mười tám tuổi đời như một sức mạnh an bài số phận cho tôi sau này. Tôi biết gia đình, tía má, anh chị đều không vui với tình duyên của chúng tôi nhưng với tình thương con, thương em, dù rất miễn cưỡng cũng có một tiệc cưới nhỏ trong gia đình và giúp chúng tôi tổ chức một tiệc cưới khá linh đình với hơn một trăm khách tại nhà hàng lớn ở đường Tản Đà. Bạn bè, khách yêu nhạc cùng tất cả nghệ sĩ tân nhạc và cả nghệ sĩ cải lương của thành phố đều có mặt. Đây là một đám cưới nghệ sĩ được tổ chức trong tình thương mến thương...”.

Là con gái một gia đình vọng tộc họ Kha, tổ tiên gắn bó với vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời khai hoang mở cõi, truyền thống gia đình thấm nhuần đạo lý Khổng Mạnh cho nên việc cô nữ sinh 18 tuổi yêu và quyết định lấy một anh chàng nghệ sĩ lớn tuổi, dở dang một đời vợ quả là một quyết định quá khó khăn với cô. Sau khi cưới, cô Đàng phải thích nghi với kiểu sống “lang bạt kỳ hồ” của đời nghệ sĩ: ăn cơm quán, ngủ nhà mướn. Sáng ngủ, trưa ăn sáng, chiều ăn trưa, tối đi hát, khuya ăn chiều. Thời gian này, Châu Kỳ vừa viết nhạc, vừa làm ca sĩ, rồi viết kịch kiêm luôn diễn viên. Rất nhiều nơi mời ông đến hát, nhất là các rạp chiếu bóng (dạo đó, trước khi chiếu phim, người ta thường tổ chức chương trình phụ diễn văn nghệ: hát vài bài tân nhạc hoặc diễn một vở kịch ngắn). Rồi Châu Kỳ thành lập đoàn Cổ kim hòa điệu Tiếng Thùy Dương. Có thể nói trên sân khấu Sài Gòn, Châu Kỳ là người đầu tiên đem các nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn nguyệt hòa tấu cùng guitar, piano, violon... Người giới thiệu chương trình (bây giờ gọi là MC) cho Tiếng Thùy Dương chính là Kha Thị Đàng, cô luôn xuất hiện trong trang phục toàn trắng: bộ áo dài lụa trắng, tay mang găng trắng, đi giày trắng... hết sức duyên dáng.

Khi Châu Kỳ bước vào thời kỳ đỉnh cao cũng là lúc ông lao vào những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng với bạn bè và những người đẹp. Lúc đó, bà Kha Thị Đàng như sống ẩn mình, không thường xuất hiện bên ông nữa, cũng “không thèm” ghen với những bóng hồng luôn vây quanh ông. Để không bị mang tiếng là sống nhờ vào danh tiếng, tiền bạc của chồng, bà xin vào làm kế toán trong nhà máy giấy Tân Mai (Cogivina - Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai)... Nhạc sĩ Châu Kỳ tuy đang “hư” như vậy nhưng vẫn có những điểm dễ thương: mỗi đêm dù về khuya đến mấy ông cũng vẫn mang về một món ngon cho vợ con. 6 giờ sáng ông chở vợ ra trạm đợi xe đến rước bà đi làm, 4 giờ rưỡi chiều lại có mặt tại trạm đón bà về hoặc chở vợ ra xa lộ hóng mát...

Những xa hoa, phù phiếm cũng tan sau ngày 30.4.1975, bà Kha Thị Đàng lại phải vừa nuôi 4 đứa con (3 trai, 1 gái) vừa “chăm sóc” chồng. Khi những khó khăn của cuộc sống qua đi thì ông bà cũng đã ở vào ngưỡng xế chiều, người viết vui mừng khi thấy họ luôn tay trong tay một cách hạnh phúc. Ông vẫn minh mẫn sáng tác cho đến cuối đời... Ông nằm liệt giường gần 2 tháng, khi người viết cùng ông Nguyễn Tiến Toàn (chủ doanh nghiệp xe lăn tay Kiến Tường) đến thăm, ông còn bảo bà mua bia về đãi khách... 6 giờ sáng ngày 6.1.2008, người viết đang leo đến lưng chừng núi Bà Rá (khi đi ghi nhận giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá) thì nhận được điện thoại của bà Kha Thị Đàng: “Nguyên ơi, anh Kỳ đã ra đi lúc 4 giờ sáng nay rồi!”. Tôi ngồi sụp xuống, không thể leo núi được nữa...  

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.