Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (kỳ 2)

09/10/2005 22:36 GMT+7

Người vẽ chân dung bác sĩ Thùy Trâm giữa chiến trường Hiếu Nguyễn là dân miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long). Anh em trong đơn vị gọi Hiếu là "dân chơi vùng 4 chiến thuật". Hiếu rất tự hào về nơi xuất thân.

Hiếu tính nóng nảy nhưng biết nhường nhịn anh em. Đối với lính Mỹ, kể cả sĩ quan, nói chuyện với Hiếu ngang ngang là Hiếu cự lại liền. Hiếu có tinh thần dân tộc rất cao. Một sĩ quan Mỹ kể lại có lần Hiếu rút súng Colt 45 định ăn thua đủ với mấy tay Yankee (từ chỉ lính liên bang thời nội chiến ở Mỹ) trong Zippo Squad (nhóm lính Mỹ chuyên sử dụng hộp quẹt hiệu Zippo).

Đại đội Hiếu tăng phái ngày đó có một tiểu đội Mỹ chuyên đốt nhà dân trong vùng oanh kích tự do (Free Fire Zone), đốt bằng hộp quẹt Zippo. Buổi trưa cả đại đội vào làng. Như thường lệ, Zippo Squad mò đến mấy ngôi nhà giữa làng để đốt. Trong lúc cả chục con người mắt xanh vui sướng chuẩn bị phóng hỏa thì Hiếu đến ngăn cản. Tay trung sĩ tiểu đội trưởng vung súng gạt Hiếu qua một bên. Hiếu tay móc súng Colt 45 tay cầm lựu đạn M.67 sẵn sàng ăn thua đủ. Đại đội trưởng trờ đến giải hòa. Hiếu chỉ tay vào mặt tên tiểu đội trưởng, chửi thề như hét: "Đ.M mày đốt nhà dân bốc khói, vi-xi thấy mục tiêu pháo kích làm sao tao ăn cơm. Đồ ngu!". Vừa nghe có lý lại vừa sợ chết, từ đó màn đốt nhà dân làm vui của Mỹ chấm hết.

Nhưng trong con người Hiếu Nguyễn ngang tàng đó có một trái tim dễ rung động. Hiếu hay nói chuyện miền Tây, về dân tình, về thức ăn, về lòng hiếu khách của người dân ở quê Hiếu. Hiếu muốn cho chúng tôi biết rằng, dân Sài Gòn, dân Mỹ Tho cũng là người Việt với đầy lòng tự hào bình đẳng. Tôi nhớ Hiếu Nguyễn nhắc về bác sĩ Thùy Trâm rất nhiều lần. Anh tưởng tượng người nữ bác sĩ quân giải phóng có dáng người tầm thước, mặt trái xoan, da trắng và tóc dài. Tóc dài có kẹp ngang bằng chiếc kẹp làm bằng inox. Hiếu say mê vẽ chân dung Thùy Trâm qua bức ảnh một nữ dân quân du kích Minh Long. Ảnh chụp một người con gái quàng súng đứng trên bậc đá, dưới chân là dòng suối đang chảy. Và qua nét vẽ xuất thần của Hiếu, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã nhập hồn vào nhân dáng nữ du kích ấy, thanh thoát, dịu hiền. Hiếu đi hành quân nhiều nên có nhiều vật kỷ niệm cho riêng mình: cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, ảnh chụp các du kích, lưỡi lê Ba Lan, nón đi rừng, thư của cán binh gửi về Bắc...

Giữa năm 1968, Hiếu Nguyễn chuyển lên phía bắc cùng với Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4, tiền thân của Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 bộ binh Hoa Kỳ. Từ Hawaii, Lữ đoàn 11 đến trám vào chỗ trống chiến thuật do Lữ đoàn 3, Sư đoàn 4 để lại tại căn cứ núi Dàng. Chia tay Hiếu Nguyễn nhưng những gì Hiếu nói, Hiếu làm đối với đồng bào trong vùng chiến sự, đặc biệt là thái độ trân trọng của anh đối với bác sĩ Thùy Trâm mãi không rời trong suy nghĩ của chúng tôi. Thế nhưng trong bao điều nghiệt ngã của chiến tranh, chúng tôi không có nhiều thời gian để suy tư, chiêm nghiệm. Cái chết luôn rình rập, cái chết ập vào trong những cơn mê. Nghĩ về bác sĩ Thùy Trâm nhưng chúng tôi cũng phải hoàn thành nhiệm vụ và không thể làm gì khác khi các toán viễn thám Mỹ luôn xem chị là mục tiêu săn tìm. Trong các toán, có toán của Danny L.Jacks. Trước đó do trung sĩ Bob Pruden làm toán trưởng, Jacks là toán phó. Sau khi Bob Pruden tử trận tại Quảng Ngãi ngày 20/11/1969 trong một cuộc thám sát trạm phẫu thuật của bác sĩ Thùy Trâm, Jacks được đề bạt toán trưởng. Sau nhiều chuyến nhảy công tác, toán viễn thám Oregon của Jacks đã chụp hụt đội phẫu thuật của bác sĩ Đặng Thùy Trâm tất cả là 3 lần. Lúc ấy, tôi đang là thông dịch viên cơ hữu của Trung đội 1, Đại đội 29 dân sự vụ.

Sau khi Thanh Niên khởi đăng loạt bài Chuyện Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ, ông Anthony Nguyễn, Việt kiều Úc, bạn đọc thân thiết đã đóng góp cả trăm triệu đồng trong công tác từ thiện của báo Thanh Niên, Giám đốc Công ty T.T. Draftting Services (Australia) P/L - có trụ sở tại Úc và chi nhánh cùng tên tại TP.HCM - đã e-mail cho biết: Khoảng giữa tháng 10/2005, ông sẽ đến Đức Phổ, Quảng Ngãi, trước mắt tuyển dụng 12 thanh niên, ưu tiên là con em liệt sĩ tại vùng chị Đặng Thùy Trâm từng công tác, vào làm việc tại công ty với các tiêu chuẩn: từ 18 - 40 tuổi, trình độ từ lớp 9 trở lên. Sau khi được tiếp nhận, các học viên sẽ được huấn luyện thiết kế đồ họa 3D về kết cấu thép hiện đại để phục vụ cho các công trình tại khu kinh tế Dung Quất. Ông Anthony Nguyễn cho biết sẽ xin phép mở ngay chi nhánh Công ty T.T Draftting Services tại TP Quảng Ngãi, đặc biệt trong thời gian huấn luyện, học viên vẫn được nhận lương 3 triệu đồng/tháng và sẽ tăng cao hơn sau 12 tháng làm việc, tùy khả năng của mỗi người. Hồ sơ đăng ký xin gửi trực tiếp vào địa chỉ e-mail ttdrafting@iprimus.com.au của ông Anthony Nguyễn. Ông Anthony Nguyễn nói với Thanh Niên: "Đây là điều tôi ấp ủ từ lâu, nay muốn nó trở thành hiện thực tại nơi chị Thùy Trâm đã công tác và hy sinh". (Đặng Ngọc Khoa)

Xem tiếp kỳ 3: Chuyện của nhóm lính Mỹ đột kích vào trạm phẫu thuật của Đặng Thùy Trâm

Lê Thành Giai
(California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.