Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ (kỳ 8)

15/10/2005 19:23 GMT+7

>> Bác sĩ quân y quân giải phóng Việt Nam Đặng Thùy Trâm trong tâm tưởng của cựu chiến binh Mỹ Danny L.Jacks >> Em gái chị Đặng Thùy Trâm trả lời phóng viên Thanh Niên: "Chúng tôi vừa gặp anh Nguyễn Trung Hiếu" "Như một chuỗi giọt nước rơi xuống mặt hồ yên lặng, tạo các vòng tròn bung ra liên tục vào bờ, chẳng bao lâu nữa chuyện về bác sĩ Thùy Trâm sẽ được truyền đi khắp Rison và nhiều nơi khác...".

"Chiến trường hồi ấy bao gồm đường ray xe lửa chạy song song quốc lộ 1 cắt rừng núi và đồng bằng quận Đức Phổ thành hai lãnh thổ. Từ Ga Phổ Bình trở xuống biển thuộc quyền kiểm soát của Mỹ và chi khu Đức Phổ. Căn cứ Bronco của Lữ đoàn 11 chỉ cách Ga Phổ Bình khoảng 1,5km. Từ đường ray trở lên là lãnh thổ của quân giải phóng. Trên ấy là ruộng rẫy và rừng xanh núi biếc. Nhìn lên bản đồ, các khu vực quân sự và dân cư phía dưới đường ray dường như bị phía trên ép dần xuống biển".

"Mặc dù với quân số khoảng 4.000 - cộng với 40 thiết giáp các loại, một tiểu đoàn pháo binh 105mm và 155mm, 35 trực thăng, và một đơn vị trinh sát kỹ thuật - chỉ có thể hoạt động được ban ngày. Từ chiều đến sáng, quân du kích, quân chính quy Bắc Việt làm chủ tình hình tuy quân số chỉ bằng 1/4. Đối đầu với một lực lượng ít hơn, nhưng Lữ đoàn 11 bị tổn thất về nhân mạng nhiều lúc cao hơn các đơn vị khác của Sư đoàn Americal. Có một vài tháng, số thương vong đứng đầu trong lực lượng viễn chinh tại chiến trường miền Nam, hơn 300 lính tử trận/tháng".

"Vấn đề là do phải đối đầu với một đối thủ dường như là vô hình, nên các thông tin về bác sĩ Trâm - thu được và mua được - đương nhiên trở nên sự thách thức thực tế. Thế nhưng, cuộc đuổi bắt một con người có thật trở nên một điều không thể thực hiện được. Thiếu tá Perkin, Trưởng phòng 2 lữ đoàn, từng vuốt mặt nuốt giận bao nhiêu lần vì các toán săn người đều trở về tay không".

"Bác sĩ là một huyền thoại. Mọi cuộc chiến tranh đều giống nhau, những người lính bị đẩy đến đều bị đặt vào một mục đích giết chóc. Nhưng bác sĩ đã tình nguyên đặt chân đến nơi giao tranh bằng một trái tim đầy tình yêu và sự hy sinh. Tôi ước ao được gặp mặt bác sĩ, một người nữ anh hùng. Tôi có thể nói, tên Thùy Trâm đã bay bổng trên không gian chiến trận và sống mãi trong lòng tôi, người chỉ biết tên bác sĩ".

"Những cựu chiến binh của G.75 Airborne Ranger ở Texas, ở Fort Benning, Georgia, ở North Carolina, ở California, ở Alaska đều bày tỏ sự ngạc nhiên thú vị sau khi nhận điện thoại báo tin về sự kiện Thùy Trâm. Sau 35 năm, các bạn bè đều biết họ có liên quan đến một sự kiện mang tính chất lịch sử như thế. Họ muốn cùng tôi phải làm một điều gì đó có ý nghĩa lâu dài".

Mẹ con bà Doãn Ngọc Trâm trò chuyện trong vườn nhà Fred. Ảnh: Robert Whitehurst

"Những người hàng xóm, những trại chủ cùng nghề chăn nuôi ở Rison Arkansas, những bạn học trung học, đại học, tỏ vẻ quan tâm về những gì tôi đã báo với họ. Tôi là một trong những nhân vật chính của câu chuyện khó tin trong đời thường. "Thật là may mắn cho anh, vì anh không phải là người gây ra sự hy sinh của bác sĩ Thùy Trâm", mọi người đều nói như vậy. Ai cũng bắt tay chúc mừng sự may mắn của tôi. Giờ đây, ước gì tôi được gặp mặt bác sĩ".

"Thanhniennews.com đã đến với Rison, Arkansas. Người miền Nam ở đây ít đọc báo viết nhưng computer được mọi người sử dụng. Tin tức thế giới, tin tức trong nước, các sự kiện xảy ra trong tiểu bang và địa phương đều lần lượt là đề tài trao đổi trên bàn cà phê sáng. Đây là một nét văn hóa truyền thống của Rison. Thanhniennews.com được các ngón tay của người đọc báo điện tử ở Rison cho lên net, thật sự, là một điều hiếm thấy. Họ đọc về bác sĩ Thùy Trâm trên màn hình. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Rison. Tôi cũng là người mang danh dự về cho nơi tôi trưởng thành. Mọi người hãnh diện vì tên tôi đang hiển hiện trên màn hình computer. Người dân nơi tôi sống nói rằng hãy cùng nhau làm một cuốn phim về Thùy Trâm".

"Không một ai ở Rison giữ được sự bình tĩnh khi hay tin một tấm ảnh chụp về sự hy sinh của bác sĩ. Họ nghe lại rằng có hai người lính Mỹ đang đứng cạnh một xác người phụ nữ, và một cành cây gần đó có treo một bộ quần áo bà ba đen. Người Rison cho rằng đó là những tên lính viễn chinh học đòi những hành động bỉ ổi. Mọi người đã nổi giận với quá khứ. "Các anh đã làm nhục dân Mỹ", họ nói. Woman-killer, lính Mỹ giết phụ nữ, sự lên án của người dân Mỹ hoàn toàn chính xác. Ngược lại, Ranger chúng tôi chẳng bao giờ hành động ngu xuẩn như thế".

Em gái chị Đặng Thùy Trâm trả lời phóng viên Thanh Niên từ New York: “Chúng tôi vừa gặp anh Nguyễn Trung Hiếu”

Sau khi nhận được các e-mail của phóng viên Thanh Niên từ Việt Nam, chị Đặng Kim Trâm, em ruột bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã trả lời từ New York.

* Bạn đọc rất băn khoăn vì sao anh Nguyễn Trung Hiếu im lặng quá lâu? Chị có thể cho biết một vài nội dung...

- Đến hôm qua (14/10), tôi vẫn chưa được gặp anh Nguyễn Trung Hiếu. Rất cảm ơn anh đã cho biết địa chỉ của anh Lê Thành Giai. Và hôm nay (15/10) xin báo tin, hai chị gái của tôi là Hiền Trâm và Phương Trâm vừa ở chỗ anh Nguyễn Trung Hiếu về, vậy là hai chị tôi đã gặp được anh Hiếu và thay mẹ tôi cảm ơn anh ấy. Câu chuyện kết thúc đã có hậu. Anh Hiếu rất nhớ quê, nói chuyện nhiều về quê hương, nhưng tôi không gặp trực tiếp nên không hỏi được anh ấy có ý định về dự cuộc hội ngộ ở Việt Nam do một công ty tổ chức - như anh thông báo - hay không. Tôi nghĩ, chắc cũng cần có thêm thời gian để anh ấy suy nghĩ.

* Thưa, chị có theo dõi loạt bài Chuyện về Đặng Thùy Trâm viết từ Mỹ? Nó có mang đến chị cảm xúc mới về một câu chuyện cũ, cách đây đã 35 năm?

- Mãi đến hôm qua tôi mới có dịp check mail, còn trước đó hai hôm, tôi mới được đọc loạt bài của anh Giai trên báo Thanh Niên. Cả đoàn hầu như lúc nào cũng ngồi trên xe, thỉnh thoảng mới gặp một cái computer để check mail nhờ. Cả nhà rất xúc động và ngạc nhiên. Câu chuyện mỗi ngày mỗi mới, càng lúc càng kéo mọi người lại gần nhau hơn. Quả đúng như lời của Robert Whitehurst đã nói, những tâm tình của chị Thùy (tức chị Đặng Thùy Trâm) giống như một nhịp cầu bắc qua vực thẳm đã ngăn cách chúng ta quá lâu. Chúng tôi cũng được hiểu thêm về những người lính xưa kia ở bên kia chiến tuyến. Qua những lời tâm tình của anh Giai trong loạt bài, tôi càng tin rằng chúng ta có thể quên đi quá khứ, mà hãy gạn lọc lấy những gì tốt đẹp nhất của mỗi con người để đến với nhau.

* Ông Danny L.Jacks đề nghị nên có một cuốn sách hoặc một bộ phim về chị Thùy Trâm dưới hình thức hợp tác Việt- Mỹ, ý kiến chị về việc này? Chị định sẽ nói gì nếu gặp ông Jacks?

- Một bộ phim hay một cuốn sách, tôi nghĩ điều đó rất hay. Câu chuyện về những người bên kia chiến tuyến biết và nhớ đến một người nữ bác sĩ miền Bắc là một cái gì đó thật cảm động. Cả hai phía đều là một phần của lịch sử. Nếu gặp được ông Jacks, tôi sẽ rất muốn được nghe ông ấy kể lại những điều ông ấy biết về chị Thùy Trâm và những năm tháng ấy. Tôi cũng muốn biết vì sao ông ấy lại biết và nhớ đến chị Thùy Trâm mặc dù đã bao nhiêu chục năm trôi qua. Hẳn đó cũng là một người Mỹ đầy tình người.

* Nếu có viết nhật ký như chị Thùy Trâm năm xưa, mấy ngày qua chị đã viết những gì?

- Thời gian eo hẹp, tôi chỉ ghi lại những cảm xúc ngắn. Mọi người rất quan tâm và chăm sóc mẹ tôi. Từ mẹ của Fred đến Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến. Qua chuyến đi, chúng tôi được biết thêm nhiều về những người bạn Mỹ. Đến đâu cũng có người nhận ra. Nhiều người đến bắt tay mẹ tôi và nói rằng câu chuyện làm họ xúc động. Tôi hiểu họ không chỉ xúc động vì câu chuyện của chị Thùy mà phần rất lớn còn bắt nguồn từ tình người quý hóa trong toàn bộ câu chuyện - mà những người như anh Giai, Jacks... cũng đóng góp một phần trong đó.

Anh Lê Thành Giai với Danny L.Jacks và gia đình

Đặng Ngọc Khoa
(thực hiện)

Lê Thành Giai (California, Mỹ)
(Ghi lại từ các cuộc trao đổi với Jacks)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.