Chuyện về những nông dân cầm cố đất ở ĐBSCL (Kỳ cuối)

23/08/2007 09:27 GMT+7

Bài toán khó của các cấp chính quyền Ở nông thôn ĐBSCL hiện nay, hầu hết số người đem hết đất đai đi cầm cố để đổi nghề nhưng thất bại, trở về quê, chủ yếu sống bằng nghề làm thuê làm mướn, vì vậy cuộc sống của họ rất khó khăn.

Theo tiêu chí hộ nghèo mới thì ở nông thôn hiện nay tỷ lệ người nghèo chiếm khá cao. Vì vậy, việc xây dựng nhà tình thương, trợ cấp hộ nghèo  không thể thực hiện mãi, mà cũng không phải là cách giải quyết thỏa đáng. Phải làm gì để nông dân thoát nghèo, vươn lên bằng chính sức lao động của mình là vấn đề lớn đặt ra cho toàn xã hội.

Cầm cố đất - có phải là giao dịch hợp pháp?

Ông Nguyễn Huy Hùng - Cán bộ Tổng hợp Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho biết : “Công bằng mà nói, những người có diện tích đất nhiều, nhờ có nhiều vốn để đầu tư vào nông nghiệp nhằm khai thác triệt để tiềm năng đất nên chắc chắn lợi nhuận nhiều hơn . Thêm vào đó, loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp để tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh và hướng đến thị trường xuất khẩu đang được khuyến khích phát triển. Vì vậy, những người làm ăn trên quy mô lớn có nhiều thuận lợi”.

Hiện tại, có thể nói mô hình trang trại vừa và nhỏ đã và đang góp phần tạo ra khối lượng  sản phẩm cho xã hội, tăng sức cạnh tranh. Hơn nữa, thông qua các mô hình trang trại còn giải quyết được  công ăn việc làm cho số lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Thế nhưng, vấn đề dư luận quan tâm là  việc cầm cố rồi mua đứt đất đai của một số nông dân để thành lập trang trại là một hình thức giao dịch bất hợp pháp ( vì người cầm và người nhận cầm không thông qua chính quyền địa phương, chỉ cần một tờ giấy viết tay là xong). Chính vì lẽ đó, hiện chưa có cơ quan chức năng nào thống kê được con số nông dân bị đói nghèo do phải cầm cố ruộng đất.Thực tế, những cuộc giao dịch bất hợp pháp như thế đã tồn tại rất lâu ở nông thôn mà vẫn chưa có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Theo đó, những người nghèo đem đất đi cầm cố thì càng nghèo thêm, vì khả năng chuộc đất của họ rất ít. Tình trạng này càng kéo dài sẽ làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn. 

Nẻo về nào cho những nông dân cố đất?!

Giải pháp chuộc đất (đối với những người đã cấm cố ruộng đất) được nhiều người đề nghị, nhưng xem ra không hợp lý. Hay giải pháp mà hầu hết các trưởng ấp như ông Lê Văn Ẩn (Trưởng ấp 3a, Vị Tân,  Vị Thanh, Hậu Giang) đưa ra là đề nghị các chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giải ngân nhiều hơn cho các hộ nghèo, cũng rất khó thực hiện vì nguồn vốn của đơn vị này có hạn.


Trưởng ấp Lê Văn Ẩn mong Ngân hàng CSXH giải ngân hộ nghèo nhiều hơn - Ảnh: Đ.T

Cuối cùng, một trong những giải pháp được xem là khả thi nhất từ trước đến nay, được đa số các cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đưa ra và đang thực hiện là chuyển nghề, tạo việc làm cho những người không còn đất sản xuất, đưa họ vào các nhà máy, xí nghiệp và phục vụ trực tiếp  trong các làng nghề truyền thống ở nông thôn, như: đan lát, thủ công mỹ nghệ…

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của chúng tôi, để làm được chuyện này không đơn giản, bởi vấn đề mấu chốt ở đây là những làng nghề truyền thống của hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang hoạt động ì ạch trước nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. 

Bên cạnh đó Việc chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp trong một thời gian ngắn là một giải pháp chưa khả thi. Vì, đa số các khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở những tỉnh có số đông hộ nông dân cầm cố đất (như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang,...) hầu như mới đang được đầu tư xây dựng hoặc đã có nhưng còn rất ít. Thêm vào đó,  không phải nhà máy, xí nghiệp nào cũng có thể tiếp nhận lao động ở nông thôn, vì có những ngành nghề đòi hỏi lao động phải có kiến thức, tay nghề, tác phong công nghiệp… Và như thế, để giải quyết tốt bài toán lao động không đất sản xuất, lao động nông nhàn ở nông thôn càng khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông Quách Hoàng Há, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Trạch Đông – một xã có phong trào giúp nông dân không đất sản xuất ổn định cuộc sống tương đối mạnh của tỉnh Bạc Liêu,  cho biết: ”Làm thế nào để người nghèo không đất sản xuất ổn định cuộc sống là cả một vấn đề cần được xã hội quan tâm. Theo tiêu chí hộ nghèo mới thì ở nông thôn hiện nay người nghèo còn chiếm 1 số lượng lớn. Vấn đề ở đây là chúng ta không thể cứ xây dựng nhà tình thương mãi mà phải làm gì để nông dân thoát nghèo vươn lên khá giả bằng chính sức lao động của mình…”.


UBND xã Vĩnh Trạch Đông phối hợp cùng Công an thị xã Bạc Liêu đỡ đầu hộ nghèo không đất sản xuất - Ảnh: Đ.T

Đồng tình với quan điểm của ông Há, nhưng ông Nguyễn Văn Đen, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh thêm: “Riêng ở Hậu Giang, dù trước đây, Trung ương Hội nông dân đã ký liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NHNN&PTNT) về việc uỷ thác cho Hội nông dân, để Hội cho nông dân vay vốn tín chấp thông qua các dự án nông nghiệp, nhưng đến thời điểm này gần như giữa ngân hàng và hội nông dân vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" (trong khi các tỉnh phía bắc đã triển khai tinh thần liên tịch trên từ lâu - NV)... Theo đó, tôi rất mong Ngân hàng NN&PTNT thực hiện đúng tin thần trên... Nếu có thêm nguồn vốn này chắc chắn sẽ có nhiều người thoát nghèo...Cuối cùng, vấn đề giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống nhất thiết  phải được thực hiện  thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và hơn hết là cần một kế hoạch lâu dài”.

Đỗ Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.