CIA và gia đình họ Ngô - Bài 2: Ông Diệm suýt bị hạ bệ năm 1955

28/10/2009 23:11 GMT+7

Một trong những khó khăn lớn nhất của ông Diệm lúc mới lên cầm quyền là đối phó với các lực lượng giáo phái. Đó là lực lượng Cao Đài và Hòa Hảo, vốn có đến hàng chục ngàn tay súng. Nghe đọc bài

Lãnh đạo hai lực lượng này trước đây đều được chu cấp của người Pháp để chống lại Việt Minh. Nay, một khi người Pháp "cúp" viện trợ, nếu ông Diệm có thể tiếp tục hỗ trợ thì sẽ giành được sự ủng hộ của họ.

Thế nhưng, lúc đó ông Diệm không có tiền. Cố vấn Ngô Đình Nhu đã than phiền với Trưởng nhánh CIA Saigon là Harwood rằng vị tiền nhiệm của bào huynh ông là Hoàng thân Bửu Lộc đã ra đi cùng với "quỹ đen" của văn phòng thủ tướng khi ông rời nhiệm sở. Tài liệu của CIA không ghi nhận khoản tiền là bao nhiêu, nhưng có nói là trong mấy tuần lễ đầu tiên, Harwood có gửi tiền đến cho ông Diệm chi xài. Khoản tiền đó đã cạn khi ông Diệm gặp Lansdale vào tháng 9.1954, nên ông đã yêu cầu cung cấp thêm.

Mua chuộc tướng Trịnh Minh Thế

Một vị tướng của lực lượng Cao Đài là ông Trịnh Minh Thế, vốn từ lâu đã có mối liên lạc với ông Ngô Đình Nhu, là nhân vật mà ông Diệm muốn tranh thủ được sự hậu thuẫn, vì ông Diệm xem tướng Thế là một đồng minh tiềm tàng chống lại các sĩ quan trong hàng ngũ quân đội quốc gia, vốn vẫn tỏ ra ủng hộ Pháp. Sau khi ông Nhu điều đình được với tướng Thế, ông Diệm yêu cầu Lansdale cung cấp đô la để ông mua chuộc vị tướng Cao Đài. Lansdale chấp thuận cấp tiền cho ông Diệm để chuyển cho tướng Thế.

Vào ngày 15.9.1954, Lansdale được tướng Trịnh Minh Thế mời lên tổng hành dinh ở núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, tướng Thế xác nhận việc ủng hộ tân chính quyền của ông Diệm. Nhưng trong báo cáo chính thức của đại tá Lansdale thì ông "bỏ sót" vai trò của ông là bảo đảm những cam kết của tướng Thế với ông Diệm. Lansdale chỉ nói là "do yêu cầu của Đại sứ Mỹ Heath, nên Washington đã bí mật chuyển qua Diệm khoản tiền để cung cấp cho tướng Thế thông qua Cơ quan SMM (Saigon Military Mission - Phái bộ Quân sự tại Sài Gòn, một Cơ quan của CIA - ND)". Sự việc đã làm ông Nhu tức giận. Trong cuộc gặp gỡ với Harwood sau đó, ông Nhu đã chỉ trích việc đại tá Lansdale hành xử trong việc cung cấp tiền cho tướng Thế cho thấy là ông Diệm như "trong túi người Mỹ". Ông Nhu đe dọa không làm việc với Lansdale.

Về phần mình, đại tá Lansdale cũng trả đũa. Khi Đại sứ Heath được đại tướng Collins thay thế vào tháng 11.1954, Lansdale chỉ thị cho Joe Redick đi gặp vị tân đại sứ và yêu cầu cách chức ông Nhu. Tuy nhiên, Redick nhắc cho Lansdale nhớ là vai trò của ông Nhu quan trọng như thế nào trong chính quyền của ông Diệm, và là "kênh" liên lạc chính thức với chính quyền, nên ông Lansdale đã bỏ qua vụ việc.

Lời đe của Harwood

Nội các của ông Diệm bao gồm toàn bộ nhân sự là những người trung thành với họ Ngô, nên người Pháp đã thúc giục Ngoại trưởng Mỹ Dulles là nên gây áp lực ông Diệm mở rộng thành phần chính phủ cho đại diện các giáo phái tham gia. Thế nhưng, ông Diệm chống lại nỗ lực kết hợp ngoại giao Pháp - Mỹ này. Tổng hành dinh CIA cuối cùng đã chỉ thị cho chi nhánh ở Sài Gòn phải cố gắng phá vỡ thế bế tắc. Harwood là người thi hành lệnh.

Nhân vật đầu tiên thuyết phục ông Diệm chính là bào đệ của ông, nhưng cố vấn Ngô Đình Nhu đã không làm cho ông anh thay đổi lập trường mở rộng chính quyền. Ngày 20.9.1954, ông Nhu thừa nhận thất bại và cầu cứu Harwood hãy cùng ông đến Dinh Gia Long vào chiều tối để thuyết phục ông Diệm. Cả ba gặp gỡ nhau trong phòng ngủ của ông Diệm. Nhưng cuộc đàm phán vẫn không đi đến kết quả, cho dù ông Harwood đã bóng gió nói đến những đe dọa rút lại mối quan hệ. Cả ông Diệm lẫn Harwood đều giữ lập trường của mình.

Khi màn đêm rũ xuống, họ đi bộ ra ngoài ban-công Dinh Gia Long. Lúc đó, Harwood mới để ý đến 2 chiếc thiết giáp bên ngoài hàng rào, mà nòng súng đại bác lại nhắm vào tòa nhà. Ông Harwood nói với ông Diệm rằng, sự hiện diện của ông bên ngoài ban-công có thể sẽ kích động các tay súng thuộc quyền tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng quân đội quốc gia. Tướng Hinh là người được đào tạo ở Pháp, là sĩ quan trong không lực Pháp và vẫn giữ quốc tịch Pháp, nên ông Diệm rất nghi ngờ về lòng trung thành của ông tướng này. Cả ba trở vào phòng ngay. Cuối cùng, sau vài lời "càu nhàu", ông Diệm đồng ý mở rộng nội các. Cho dù dưới mắt ông Harwood, sự chấp nhận của ông Diệm có vẻ miễn cưỡng, nhưng sau đó, giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo đã có đại diện là bộ trưởng trong chính quyền.

Căng thẳng giữa ông Diệm và tướng Hinh chấm dứt vào tháng 10.1954 khi Bảo Đại triệu ông Hinh về Pháp dưới áp lực của Mỹ. Cả tướng Hinh và những người Pháp hậu thuẫn ông đều biết rằng, thượng nghị sĩ Mike Mansfield tuyên bố Mỹ sẽ ngưng viện trợ cho các lực lượng ở nam Việt Nam nếu ông Diệm bị lật đổ. Ngày 24.10, phía Mỹ công bố bức thư của Tổng thống Eisenhower nói là kể từ 1.1.1955, tất cả viện trợ Mỹ sẽ được chuyển trực tiếp cho chính quyền của ông Diệm. (Còn tiếp)

Lê Đình Bì (lược dịch)

* Tổng hợp từ hồ sơ CIA and The House of Ngo (CIA và triều đại nhà Ngô) của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.