“Cò” bệnh viện lộng hành - Bài 2: Cơ quan chức năng không thể nói “bó tay”!

28/12/2010 00:57 GMT+7

Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng không thể nói “bó tay” trước nạn “cò” lộng hành ở bệnh viện (BV), không thể để người bệnh bị “cò” bắt chẹt, lừa gạt mãi như thế.

Trung tâm Chẩn đoán y khoa Hòa Hảo - Medic (TP.HCM) là nơi có rất đông người bệnh từ các tỉnh đổ về nên từ lâu cũng đã xuất hiện rất đa dạng các loại “cò” bệnh viện. “Cò” rủ rê bệnh nhân dẫn đi khám, chụp chiếu. Khi khám xong, “cò” giữ luôn toa thuốc của người bệnh rồi buộc họ ra hiệu thuốc mà “cò” ăn chia ở gần Medic để mua thuốc; “cò” dụ dỗ người bệnh đến khám tại Medic để dẫn ra các cơ sở khám bệnh, hoặc bán thuốc bên ngoài có làm ăn với “cò”; “cò” lừa người bệnh, nói bác sĩ hôm nay ra trực, dẫn người bệnh ra ngoài nhà bác sĩ khám cho nhanh; “cò” bắt tay với một số bác sĩ ở các nhà thuốc bên ngoài; thậm chí có “cò” đóng vai bác sĩ giả để lừa gạt bệnh nhân”, bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic cảnh báo người bệnh về những dạng “cò” tại đây như vậy.

Lừa gạt bệnh nhân trắng trợn

“Cò” cũng không chỉ là hiện tượng riêng tại các BV ở TP.HCM. Anh Nguyễn Văn An đưa vợ là Lê Thị Phương (cả 2 cùng ngụ thị trấn Bảy Ngàn, H.Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ để khám bệnh u xơ tử cung. Trong lúc ngồi chờ xét nghiệm máu thì có một “cò” nữ đến làm quen và hỏi thăm bệnh tình của chị Phương. Biết chị Phương đang mắc phải bệnh u xơ tử cung, “cò” này phán: “Bệnh này mà mổ làm gì, nếu vô BV mổ là sau đó sẽ bị tâm thần và sẽ bị chồng bỏ, để tôi giới thiệu cho bác sĩ Tr. là vợ của ông bác sĩ vừa khám cho chị, và chỉ cần chích thuốc một lần là hết ngay”.

 

 Thuốc của bác sĩ “dỏm” thu giữ được - Ảnh: Mai Trâm

Do ở nông thôn mới lên TP Cần Thơ khám bệnh lần đầu, nên chị Phương và chồng nghe theo lời “cò”, lên xe mô tô cho “cò” nam khác chở đến một căn nhà trong một con hẻm sâu gần BV này. Sau khi vào căn nhà trên, chị Phương được một phụ nữ tự xưng là bác sĩ, rồi khám bệnh và chích cho chị liên tục 5 mũi thuốc vào mông và bụng, rồi bốc cho chị bịch thuốc yêu cầu uống trong 5 ngày sẽ hết bệnh. Đến khi tính tiền, vợ chồng chị Phương tá hỏa vì phải trả 5,8 triệu đồng. Khi vợ chồng chị móc hết túi mới đủ trả, vị “bác sĩ” tỏ ra nhân đạo, cho lại chị Phương 50 ngàn đồng để về xe! Tuy nhiên sau khi uống hết thuốc vẫn thấy không khỏi bệnh, vợ chồng chị Phương đến căn nhà trên để hỏi thì được biết vị “bác sĩ” trên đã dọn đi từ lâu. Vợ chồng chị đành đến trình báo với công an địa phương.

Công an phường phải chịu trách nhiệm
Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ Công an Q.3 (TP.HCM) nói: “Thời gian qua, Công an P.6, Q.3 cũng đã xử lý hành chính nhiều trường hợp đối với “cò” hoạt động tại BV Da liễu. Công an quận đã giao cho công an phường chốt chặn, tuần tra kiểm soát; lập danh sách, rà soát kiểm tra xử lý nghiêm”.

Một lãnh đạo UBND P.6 (Q.3) thì cho biết: “Đảng ủy phường, UBND phường đã chỉ đạo Công an P.6 bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý “cò” để đảm bảo an ninh trật tự xã hội cho khu vực nói trên và phải chịu trách nhiệm về vụ việc này”. (Đàm Huy)

“Hoạt động rất công khai”

Hôm qua, sau khi Báo Thanh Niên đăng bài “Cò” lộng hành bệnh viện, nhiều bạn đọc gọi điện đến tòa soạn bày tỏ bức xúc, và cho rằng cơ quan chức năng không thể để kéo dài tình trạng này; không thể nói bó tay với “cò”; có ý kiến khác đặt câu hỏi “trách nhiệm của các anh công an địa phương tới đâu, mà để “cò” lộng hành trước các khu vực BV như thế?”.

Bạn đọc tên Vũ (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói: “Tôi đi ngang BV Da liễu hằng ngày, thấy “cò” ở đây hoạt động rất công khai, đứng dưới lòng đường ngang nhiên chèo kéo bệnh nhân, rất hỗn độn. Công an địa phương ở đâu mà để tình trạng nhốn nháo ở trước các BV như vậy? Nếu công an địa phương giám sát ráo riết, tôi dám chắc không có “cò” nào dám lộng hành đến như thế?”.

Bác sĩ Phan Thanh Hải cũng bày tỏ bức xúc và cho rằng, chính quyền địa phương cần làm mạnh, không thể để “cò” lừa gạt bệnh nhân mãi thế được. Theo ông, việc “cò” hoạt động như thế là hành vi lừa gạt bệnh nhân; ép người bệnh mua thuốc; gạ gẫm bệnh nhân lấy tiền…, đó là những hành vi bất hợp pháp, cơ quan công an cần mạnh tay, cần có biện pháp răn đe, giám sát chặt.

Trước khu vực BV Ung bướu TP.HCM “cò” không chỉ gạ gẫm người bệnh, mà còn đứng thành hàng trước cổng BV nhả khói thuốc lá phì phèo làm ảnh hưởng môi trường BV. Các bác sĩ cũng rất mong phía công an, chính quyền địa phương có biện pháp mạnh, không thể nói “bó tay” với “cò”. 

Truy nã 2 “cò” bệnh viện

Ngày 24.12, TAND Q.Cái Răng (TP Cần Thơ) đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Lê Bích Liên (ngụ P.Thuận Hưng, Q.Thốt Nốt) 2 năm tù, cho hưởng án treo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, năm 2009 Liên đến thuê căn nhà tại khu dân cư 586 thuộc P.Phú Thứ (Q.Cái Răng) để mở “phòng mạch khám bệnh” và tự xưng là bác sĩ Tâm, nguyên là Chủ nhiệm khoa Sản Bệnh viện 121 để hoạt động trái phép. Liên móc nói với 2 đối tượng “cò” tên Lên và Mỹ Lệ, hai “cò” này hằng ngày đến các BV gạ gẫm bệnh nhân đưa đến nhà hoặc phòng khám của Liên để khám chữa bệnh. Mỗi lần tìm được nạn nhân, Liên trả cho “cò” 30% trên tổng số tiền thu được. Khi có người bệnh, Liên chỉ chích vài ống thuốc bổ và cho vài liều thuốc để uống, chủ yếu là thuốc kháng sinh thông thường, nhưng thu tiền mỗi bệnh nhân từ 1,4 đến 2 triệu đồng cho mỗi lần khám...

Ngày 7.9.2010, cơ quan công an đã bắt giữ Liên, nhưng “cò” Lên và “cò” Mỹ Lệ kịp bỏ trốn khỏi địa phương và đang bị truy nã.

M.T

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.