Cơ cấu Quốc hội khóa 15: Tăng chuyên trách, giảm đại biểu cơ quan Đảng, Chính phủ

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/02/2021 15:48 GMT+7

Theo dự kiến, các đại biểu chuyên trách ở T.Ư tăng từ 114 đại biểu ở Quốc hội khóa 14 lên 133 đại biểu ở Quốc hội khóa 15 . Trong khi đó, các cơ quan Đảng, Chính phủ sẽ giảm số đại biểu.

Sáng 4.2, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và đại diện các cơ quan có liên quan.

Đại biểu T.Ư 41,4%; đại biểu địa phương 58,6%

Tại hội nghị, trình bày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương được giới thiệu ứng cử làm đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết số lượng đại biểu Quốc hội khóa 15 là 500 người. Trong đó, số lượng, cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội ở T.Ư là 207 đại biểu chiếm 41,4%; số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293 đại biểu chiếm 58,6%.
Số lượng đại biểu Quốc hội ở địa phương được phân bổ theo “cơ cấu định hướng” gồm 220 đại biểu, chiếm 44%, và “cơ cấu hướng dẫn” do các địa phương giới thiệu là 73 đại biểu, chiếm 14,6%.
Trình bày Tờ trình về dự kiến số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở T.Ư được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, số lượng đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở T.Ư được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 là 207 đại biểu, chiếm 41,4% (khóa 14 là 198 đại biểu, chiếm 39,6%).

Cơ quan Đảng giảm 1 đại biểu, Chính phủ giảm 3 đại biểu

Trong đó, cơ cấu cụ thể gồm: các cơ quan Đảng là 10 đại biểu (khóa 14 là 11 đại biểu); cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu (khóa 14 là 3 đại biểu); cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở T.Ư) là 133 đại biểu (Khóa 14 là 114 đại biểu); Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an) là 15 đại biểu (khóa 14 là 18 đại biểu);

Các đại biểu tham dự hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

Ảnh Gia Hân

Lực lượng vũ trang: quân đội là 12 đại biểu (khóa 14 là 15 đại biểu) và Công an là 2 đại biểu (khóa 14 là 3 đại biểu); Tòa án Nhân dân tối cao 1 đại biểu (khóa 14 là 1 đại biểu); Viện KSND tối cao: 1 đại biểu (khóa 14 là 1 đại biểu); Kiểm toán Nhà nước: 1 đại biểu (khóa 14 là 1 đại biểu);
Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên: 29 đại biểu (khóa 14 là 31 đại biểu) trong đó có đại biểu phụ nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử, đại biểu nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận, cho ý kiến vào cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở T.Ư được giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, nhiệm kỳ 2021-2026.
Từ ý kiến thảo luận, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua số lượng đại biểu của tổ chức, đơn vị, cơ quan ở T.Ư được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15 là 207 đại biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.