Cơ chế ‘xin - cho’, nguồn gốc của núi nợ công

30/10/2014 17:15 GMT+7

Việc duy trì cơ chế "xin - cho" sẽ đẩy bài toán tăng thu ngân sách, giảm rủi ro nợ công của nước ta vào ngõ cụt, đẩy sự tăng trưởng kinh tế vào bế tắc. Nếu nói xa hơn nữa, nó đưa nước ta đến lệ thuộc kinh tế, thậm chí không chỉ về kinh tế.

Về bề ngoài, Việt Nam thâm hụt ngân sách, nhiều nước khác (kể cả Mỹ) cũng thâm hụt ngân sách. Ở đâu cũng vậy, thâm hụt ngân sách sinh ra nợ công. Nhưng về thực chất, thâm hụt ngân sách, nợ công ở nước ta và ở các nước có khác nhau.


Bệnh viện quá tải, một giường phải ghép tới 4 bệnh nhi - một hệ lụy từ việc
không có đủ nguồn vốn để chi cho đầu tư công - Ảnh: Ngọc Thắng

Chi thường xuyên cao hơn chi đầu tư phát triển - "ăn cả thóc giống!"

Ở các nước theo chủ nghĩa Keynes, nơi nhà nước tích cực can thiệp thị trường bằng các biện pháp vĩ mô, thâm hụt ngân sách là biện pháp tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm trong những giai đoạn suy thoái kinh tế. Tiền bội chi ngân sách (bằng các công cụ nợ) dùng cho đầu tư phát triển là chính, không dùng cho các khoản chi thường xuyên nuôi bộ máy nhà nước và các dịch vụ công.

 
Nhiều khi, quy định của địa phương "to" hơn trung ương, hướng dẫn "to" hơn thông tư, thông tư "to" hơn nghị định, nghị định "to" hơn luật ngành, luật ngành "to" hơn luật chung.
Ở Việt Nam, như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đã cảnh báo, không phải tất cả bội chi ngân sách được dành cho đầu tư. Ông cũng đề cập đến tình trạng tốc độ chi thường xuyên tăng cao hơn chi đầu tư phát triển, coi đó là sự vi phạm một trong những nguyên tắc trụ cột về ngân sách. Nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế sẽ "nguội dần", mất đà, mất lực tăng trưởng, do chúng ta ăn tiêu cao hơn mức đáng "ăn" và đầu tư cho tương lai ít hơn mức cần đầu tư để tạo tăng trưởng.

Kể cả khi bội chi ngân sách, có thể thấy nhiều nhu cầu đầu tư trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng giao thông, quốc phòng... không được đáp ứng đủ nguồn vốn để thực hiện. Singapore là một nước nhỏ bé về diện tích và dân số, nhỏ hơn TP.HCM, thế mà ngân sách dành cho y tế, giáo dục, quốc phòng mỗi năm bằng mấy lần Việt Nam, điều đó nghĩa là gì?

Điều đó có nghĩa là thu ngân sách của nước ta quá thấp. Một nền kinh tế nhỏ tạo ra ít thuế từ các doanh nghiệp và người dân. Ngân sách nhà nước nhỏ (có nguồn chính từ thuế) không cho phép đầu tư đủ vào các động lực phát triển để có một nền kinh tế lớn hơn, có sức tạo ra nhiều thuế hơn. Đó là vòng luẩn quẩn: ốm yếu thì không làm ra tiền, thiếu tiền thì thiếu ăn, thiếu ăn càng ốm. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng các động lực phát triển cũ đã hết, cần phải tạo ra các động lực mới.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam đã có thời kỳ dài thiếu gạo để ăn, phải nhờ vào viện trợ lương thực của các nước anh em cũng chỉ vì cơ chế kinh tế nông nghiệp hợp tác xã đã thủ tiêu hết tinh thần trách nhiệm và động lực sản xuất của người nông dân... Hàng viện trợ thì chẳng ngon gì. Đã mấy chục năm trôi qua mà hồi ức bo bo đen, mì mốc vẫn còn nguyên, làm chúng ta rùng mình mỗi lần nhắc đến. Nền kinh tế nông nghiệp hợp tác xã đã thủ tiêu hết tinh thần trách nhiệm và động lực sản xuất của người nông dân. Trong mô hình tổ chức nông nghiệp đó, người nông dân không có tự do sản xuất và kinh doanh.

Nhưng chỉ bằng một việc đơn giản là trả ruộng đất cùng quyền sản xuất và tiêu thụ cho người nông dân, trong một thời gian rất ngắn, Việt Nam từ một nước nhận viện trợ lương thực trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo và một số hàng hóa nông, thủy sản khác. Tự do kinh doanh trong nông nghiệp đã tạo ra một cuộc cách mạng bằng chính những người nông dân từng đói khổ, thiếu thốn trong cơ chế cũ.

Phải đi xin những thứ lẽ ra được hưởng

Vậy thì tự do kinh doanh trong các lĩnh vực phi nông nghiệp ở Việt Nam chắc chắn cũng sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá tương tự. Nhưng đó lại chính là điều mà các doanh nghiệp chưa có được. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa có tự do kinh doanh được như những người nông dân. Không phải chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề có điều kiện (còn nhiều ngành nghề như thế) mới có nhiều phép tắc, thủ tục phải xin (và được cho), mà cả các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề không có điều kiện cũng không hoàn toàn tự do.


Vào các cửa hàng điện máy gia dụng, khó tìm được các sản phẩm thương hiệu Việt Nam
- Ảnh: Hoàng Việt

Hiện tồn tại nhiều kiểu "giấy phép con" và các kiểu văn bản về bản chất cũng là "giấy phép", với các "điều cho", "điều không cho". Hiếm ở nước nào có các kiểu công văn qua lại như giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý các cấp như ở Việt Nam. Cấu trúc của chúng về cơ bản giống nhau. Công văn của doanh nghiệp trình bày, giải thích và xin. Đáp lại, công văn của cơ quan quản lý nêu quan điểm và quyết định cho (hoặc không cho). Nếu cái xin mà không được cho thì doanh nghiệp không được làm. Công văn của cơ quan quản lý là một kiểu "giấy phép con". Từ lúc doanh nghiệp xin đến lúc cơ quan quản lý cho là chi phí thời gian, sức người và tiền bạc, kể cả các chi phí cơ hội. Sự bất định về kết quả xin làm cho doanh nghiệp sợ hãi.

 
Đầu tư R&D và sản xuất quy mô lớn đòi hỏi vốn lớn, tư duy đầu tư dài hạn. Với môi trường kinh doanh lâu nay, các nhà đầu tư Việt Nam chưa sẵn sàng cho điều này. Họ chưa nhìn thấy sự đồng hành của các cơ quan quản lý. Họ sợ mệt mỏi và rủi ro.”
Ở các nước phát triển, doanh nghiệp là nguồn đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu - phát triển (R&D) để phát minh, sáng chế và tạo ra những sản phẩm mới mang thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp nước ta hầu như không chi cho R&D. Chỉ còn 6 năm nữa là đến mục tiêu năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xem danh sách 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực của thủ đô Hà Nội, không nhìn thấy sản phẩm nào có hàm lượng công nghệ cao, mà chỉ là bia, màn tuyn, săm lốp cao su, cửa sổ nhôm kính, dây cáp điện, đá ốp lát, đồ nhựa, hàng may mặc, phân lân, thức ăn chăn nuôi... Đi vào các cửa hàng điện máy gia dụng, khó tìm được các sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Máy móc công nghiệp, phương tiện giao thông vận tải nội địa cũng rất hiếm.

Không đầu tư R&D thì không những không tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, mà còn không thể làm nổi con ốc vít đủ tốt, đủ nhiều, đủ rẻ. Nhưng đầu tư R&D và sản xuất quy mô lớn đòi hỏi vốn lớn, tư duy đầu tư dài hạn. Với môi trường kinh doanh lâu nay, các nhà đầu tư Việt Nam chưa sẵn sàng cho điều này. Họ chưa nhìn thấy sự đồng hành của các cơ quan quản lý. Họ sợ mệt mỏi và rủi ro. Ngay chế biến nông sản là lĩnh vực dễ phát triển ở một nước nông nghiệp (như Việt Nam) thì cũng chưa có các nhà đầu tư lớn. Các siêu thị tràn ngập hàng nông sản chế biến ngoại nhập, nhưng hàng nông sản chế biến của Việt Nam ít đi ra được các thị trường khác.

Một nền kinh tế không thể phát triển mạnh và bền vững với sự thiếu tự tin và cảm giác cô đơn của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nội địa trong ma trận quản lý hiện tại là thực trạng của chúng ta hiện nay.

Bản thân Luật Doanh nghiệp nước ta là thông thoáng, đề cao tự do kinh doanh và còn có thể thông thoáng hơn nữa. Nhưng qua nhiều tầng nấc luật ngành, nghị định, thông tư, hướng dẫn của các cơ quan trung ương, địa phương, tự do kinh doanh bị bó hẹp, bị rơi rụng rất nhiều. Nhiều khi, quy định của địa phương "to" hơn trung ương, hướng dẫn "to" hơn thông tư, thông tư "to" hơn nghị định, nghị định "to" hơn luật ngành, luật ngành "to" hơn luật chung. Hành trình "lội ngược dòng" của doanh nghiệp, từ cái thực hưởng đến cái lẽ ra phải được hưởng, là hành trình "xin - cho". Doanh nghiệp "xin" lại tự do kinh doanh bị cấp nào đó bó hẹp, cơ quan quản lý "cho" doanh nghiệp cái lẽ ra họ không cần phải cho và không có quyền cho (vì luật đã cho rồi).

Ngân sách nhà nước nói riêng, sự tăng trưởng kinh tế nói chung, phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển của các doanh nghiệp và sự thịnh vượng của người dân. Không thể có ngân sách nhà nước lớn khi nền kinh tế còn nhỏ và dân còn nghèo. Sự đoạn tuyệt với cơ chế "xin - cho", đảm bảo tự do kinh doanh tối đa cho doanh nghiệp và dân sẽ là giải pháp mang tính gốc rễ để tạo động lực phát triển bền vững cho nước ta. Luật pháp là tối thượng, các quyền kinh doanh theo luật là cao nhất. Các cơ quan quản lý ở mọi cấp không có quyền bớt xén tự do kinh doanh của doanh nghiệp và dân bằng các hình thức văn bản dưới luật. Họ không có quyền cho doanh nghiệp và dân những gì luật đã cho. Khi họ không có quyền cho, sẽ không còn ai đi xin, đi "chạy". Tiền tài, sức lực của dân sẽ được đầu tư trọn vẹn cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Quyền lực của các cơ quan quản lý các cấp không còn được sử dụng để ban phát, mà để chống lại mọi sự xâm phạm tự do kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào, của ai.

Ngược lại, việc duy trì cơ chế "xin - cho" sẽ đẩy bài toán tăng thu ngân sách, giảm rủi ro nợ công của nước ta vào ngõ cụt, đẩy sự tăng trưởng kinh tế vào bế tắc. Nếu nói xa hơn nữa, nó đưa nước ta đến lệ thuộc kinh tế. Thậm chí, thành nô lệ về kinh tế. Tệ hại hơn, có thể nô lệ không chỉ về kinh tế.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
 
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 4: Phải chấm dứt cơ chế xin - cho
>> Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước: Loại bỏ cơ chế xin, cho "của chùa
>> Phát triển Bưu chính - Viễn thông và CNTT cần tránh cơ chế xin cho, bao cấp
>> Lãng phí đầu tư công
>> Người dân ít biết về dự án đầu tư công
>> Đầu tư công vẫn thất thoát, trì trệ, kém hiệu quả
>> Vay 500 triệu USD để cải cách đầu tư công

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.