Có còn tôn kính nữa không?

24/02/2016 08:36 GMT+7

Lễ khai ấn có từ thời nhà Trần.

Lễ khai ấn có từ thời nhà Trần. Sau những ngày niêm ấn nghỉ Tết Nguyên đán, triều đình tổ chức khai ấn đầu xuân vào giữa tháng giêng để nhà vua tuyên bố bắt đầu một năm làm việc mới, đồng thời nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.

Những lá ấn tượng trưng trong lễ này được biếu cho một số ít người dự lễ có tâm nguyện mang về làm kỷ vật với niềm tin gia đình bình an, gặp nhiều may mắn.
Nhưng không hiểu sao ban tổ chức lễ khai ấn đền Trần thời nay lại bày ra chuyện phát ấn để xảy ra tình trạng giành giật hỗn loạn. Phải chăng lá ấn đền Trần vốn thuần phác trong tín ngưỡng văn hóa dân gian đã bị dung tục hóa, biến thành “lá bùa chức quyền”, điều mà nó không hề có?
Giấc mộng “quan trường” đã khiến nhiều người chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên đầu lên cổ nhau để kiếm cho bằng được lá ấn. Điều đó đã rõ mười mươi. Vì nếu là cầu an thì đến chùa nào cũng được. Nếu là cầu phước thì đến đền nào cũng xong. Mọi chuyện có lẽ từ chữ “ấn” (con dấu) mà ra.
“Ấn” thể hiện quyền lực. Muốn có quyền lực thì phải có chức tước, phẩm hàm. Suy nghĩ đó đã khiến nhiều người đạp lên đầu nhau kiếm chút “ấn”, những mong thánh thần phù hộ cho mình thăng quan tiến chức. Giả sử ấn đền Trần thiêng đến mức có ấn là có chức thì mỗi năm, đội ngũ các “quan” sẽ tăng lên hàng vạn. Cứ cái đà này rồi lấy ai làm dân?
Có còn thiêng liêng nữa không khi người ta vò tiền lẻ rồi tranh nhau ném vào kiệu rước anh linh các vua Trần? Có còn tôn kính nữa không khi người ta giẫm đạp lên cả đỉnh đồng, lư hương trong sân đền trước mặt thần thánh? Có còn thiện tâm nữa không khi người ta sẵn sàng leo lên đầu lên cổ nhau để giành giật từng lá ấn?
Khi khách thập phương đến với hội đền Trần không phải vì chữ “tâm”, chữ “lễ”, không phải vì đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng không phải vì lòng ngưỡng vọng, tri ân một triều đại đã để lại vầng hào khí Đông A sáng ngời trong lịch sử, mà là đến với chữ “chức” thì chẳng còn gì để nói.
Sự suy thoái niềm tin đối với bản thân trong khi vẫn thèm khát lợi danh, quyền bính đã khiến những người mơ “miếng đỉnh chung” bơ phờ, xơ xác trong lễ khai ấn đền Trần. Bên cạnh đó, những nhà tổ chức lễ hội này cũng đã bộc lộ khiếm khuyết khi không nói rõ rằng lá ấn đền Trần hoàn toàn chẳng liên quan gì đến chuyện chức quyền bổng lộc. Họ cứ “hồn nhiên” sản xuất lá ấn mỗi năm một nhiều để thu tiền tỉ cho mỗi mùa lễ hội.
Lễ hội khai ấn đang bị tổn thương vì người ta đã khai quật những vỉa tầng văn hóa của quá khứ mà thiếu cẩn trọng giữ gìn, để đến nỗi một lễ hội vốn trong sáng và cao đẹp đã bị nhuốm màu danh lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.