Vở kịch là câu chuyện hư cấu về một vị vua đã bắt tiến cung một nàng thứ phi trong khi nàng trót mang nặng mối tình cùng một chàng dũng tướng, cho nên nhà vua không thể nào tiếp cận được nàng. Lẽ ra với quyền lực tối cao của mình, nhà vua có thể cưỡng đoạt, nhưng không, ông nhất định đi tìm tình yêu bằng những rung động thật sự. Ông dũng cảm đối mặt với đôi tình nhân, lắng nghe họ thì thầm với nhau bằng ngôn ngữ của trái tim. Ông đang học yêu. Ông đau khổ, nhưng ông chấp nhận học lại từ đầu để làm “người đàn ông” đích thực, biết yêu, và được yêu. Hình như điều đó khó hơn làm vua - theo tư tưởng của tác giả. Cuối cùng, ông tha thứ được, nghĩa là ông đã biết yêu, biết làm cho người khác hạnh phúc. Nắm chặt bàn tay lại, có khi không được chút gì. Buông bàn tay ra, có khi nhẹ lòng hơn. Quyền lực của tình yêu mạnh hơn quyền lực của ngôi báu, cho nên đừng bao giờ cưỡng ép.
|
Hữu Châu say đắm vở kịch thơ này vì những lời thoại đẹp, và anh đã tìm được những người xem tri âm. Lâu lắm rồi mới được thưởng thức những ngôn từ như thêu hoa dệt gấm, nhưng cũng tràn đầy chất hiện đại, không rề rà, sáo cũ. Hóa ra kịch thơ không khó xem như nhiều người lo ngại. Nét dựng của Hữu Châu thật sang trọng, nghiêm túc nhưng vẫn tươi tắn, nhẹ nhàng và mang tính ước lệ của sân khấu hiện đại. Màu trắng chủ đạo trong thiết kế sân khấu tạo nên nét đẹp trong trẻo đúng như ý nghĩa của tình yêu, cùng tông màu xám và một phần màu đen là sự tương phản giữa cái Đẹp và cái Ác của những nhân vật trong vở kịch. Có thể nói, kịch bản không mới lạ, vẫn theo kết cấu cổ điển, nhưng sở dĩ thấy mới và hấp dẫn là nhờ lời thoại thơ trau chuốt của tác giả và tay nghề dàn dựng của Hữu Châu.
m nhạc của Việt Anh Lần đầu tiên nhạc sĩ Việt Anh (người đã có hơn 20 năm gắn bó với nhạc giao hưởng và có 5 năm học nhạc ở New Zealand) đã viết toàn bộ phần âm nhạc cho vở diễn với tất cả tình cảm mà anh dành cho các nghệ sĩ tham gia cũng như cho chính những nhân vật mà anh yêu mến. Có lẽ đây là một trong những vở kịch có sự cộng hưởng rất ăn ý từ kịch bản - đạo diễn - âm nhạc - thiết kế và diễn viên. Rất nhiều khán giả đã xúc động “gặp” lại tác giả Dòng sông lơ đãng thuở nào khi nghe Thành Lộc cất lên bài hát chủ đề ở cuối vở kịch mà Việt Anh đã sáng tác riêng cho Quyền lực tình yêu. |
Trở lại với Sân khấu kịch IDECAF và cũng lần đầu đóng vai phản diện trên sân khấu này, Hồng Ánh đem đến cho khán giả một vai diễn phá cách thật ấn tượng. Mỗi ánh mắt, mỗi bước đi đều toát lên sự mưu mô của một hoàng hậu tham lam và đầy thù hận. Mỹ Duyên dù vào một vai không khác những vai diễn của cô trước đây, nhưng đã đem đến hình ảnh một Kiều Minh thật xót xa, đau đớn nhưng cũng đầy bản lĩnh, dám chết cho tình yêu. Cảnh Mỹ Duyên - Kiều Minh và Quốc Trường - Hoàng Bình tự vẫn bên nhau chắc chắn sẽ lấy được nước mắt của nhiều khán giả vì một tình yêu thật đẹp.
Còn những vai phụ như tên hề (Hữu Châu), thầy bói (Hoàng Trinh), quan nịnh (Đức Thịnh, Đình Toàn), nữ thị vệ (Hương Giang, Xuân Thùy)… đều do các diễn viên từng đóng nhiều vai chính đảm nhiệm, đã tạo thành một dàn bao chắc tay cho cả vở diễn.
Quyền lực tình yêu được công diễn tại Sân khấu Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM) từ ngày 6.10.
Cao Minh Hiển - Hoàng Kim
Bình luận (0)