Cô gái con chị phụ hồ đạt điểm 10 môn sử

21/07/2016 10:28 GMT+7

Là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 trọn vẹn môn sử của 4 cụm thi do các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng chủ trì, Lê Thị Thanh Phương Thảo trở thành niềm hãnh diện của Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An, Quảng Nam).

Lê Thị Thanh Phương Thảo - thí sinh đạt điểm 10 môn sử - ẢNH: DIỆU HIỀN

Băng qua con đường làng nhỏ xíu nằm sâu trong thôn Thanh Nhì (xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam), căn nhà của cô học trò đạt điểm 10 môn sử Lê Thị Thanh Phương Thảo nằm khiêm tốn bên hồ nước mênh mông…
“Chính khung cảnh thơ mộng này đã nuôi dưỡng tâm hồn em, là nguồn động lực giúp em mê đắm những môn học xã hội”, Thảo mở ra câu chuyện của mình bằng một giọng nói hiền lành nhưng tràn đầy say mê.
Ban đầu em không mê sử, em sợ lắm
Con đường làng quanh co dẫn về nhà Thảo - ẢNH: DIỆU HIỀN

Mặc dù là học sinh học Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, nhưng Thảo năm lớp 10 và 11 không mấy thích môn sử. “Ban đầu em không mê sử, em sợ sử vì sử có quá nhiều kiến thức, em rất sợ mỗi khi làm bài môn sử, nó khiến em thấy lúng túng khi sử dụng dữ liệu. Em cứ học câu này quên câu kia, càng lúc càng rối với môn sử”, Thảo chia sẻ.
Và may mắn mỉm cười đối với Thảo khi Thảo được gặp thầy giáo dạy sử tên Tri.

“Chính thầy Tri đã truyền cảm hứng học hỏi môn sử cho em. Thầy có cách dạy môn sử rất hay, lại dạy cho em cả phương pháp học môn sử thế nào cho hiệu quả nên môn sử dần trở nên đơn giản. Đó là cách chia nhỏ việc học ra, cứ mỗi 5 phút là “nạp” thêm vào đầu một ít dữ liệu, cứ vậy mà nhớ lâu và sâu; không như trước cứ rập khuôn ngày 1, ngày 2 phải thuộc chừng đó lượng kiến thức”, Thảo vui vẻ nhắc lại quãng thời gian em tiếp cận với môn sử dễ dàng.
Góc học tập của Thảo - ẢNH: DIỆU HIỀN

Thảo bắt đầu yêu thích môn sử. Bất cứ khi nào em thấy thoải mái, vui vẻ và tràn đầy cảm hứng nhất em lại mang môn sử ra học, bằng tất cả niềm đam mê của một người gắn bó với môn học mà nhiều bạn học sinh sợ hãi.
Không chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, thầy Tri còn khuyến khích Thảo nên thường xuyên nghe thời sự để cập nhật thông tin. “Lúc đầu em rất hãi với chương trình thời sự hằng ngày, nhưng em tập thói quen nghe thời sự. Rồi càng nghe càng thấy thích thú vì thời sự hằng ngày giúp mình rất nhiều thứ. Em thường ghi nhớ những chi tiết thời sự trong nước và thế giới, có gì chưa hiểu em lên mạng tìm hiểu thêm. Và hiểu sâu, hiểu lâu hơn. Từ đó em mang ra áp dụng trong những bài học của mình trong môn sử”, Thảo nói đến phương pháp hỗ trợ đắc lực cho mình.
Không chỉ giỏi sử, Thảo còn thi rất tốt 2 môn văn và địa, với mỗi môn 8 điểm.
Thảo được bạn bè quý mến vì tính cách hiền lành, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong việc học tập - ẢNH: DIỆU HIỀN
Thỉnh thoảng, Thảo cùng bạn bè kéo nhau lên chiếc bè đặt ở lòng hồ trước nhà trao đổi bài vở - ẢNH: DIỆU HIỀN
Cố gắng học, vì cha mẹ và vì cả bản thân mình
Ít ai nghĩ Thảo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bởi em luôn có nụ cười rất tươi, với ánh nhìn tràn ngập hạnh phúc.
Nụ cười hạnh phúc của Thảo và ba mẹ khi nghe Thảo đạt điểm cao trong kì thi THPT quốc gia 2016 - ẢNH: DIỆU HIỀN
Mẹ làm công việc phụ hồ nặng nhọc, ba thì vừa ở nhà chăm bà nội ốm, vừa làm công việc thủy nông, mỗi năm chỉ làm vài tháng. “Mọi chi tiêu trong gia đình đều hầu như đặt lên công việc phụ hồ của mẹ. Mẹ làm nặng lắm, nhưng rời công việc này ra là mẹ lại tay liền tay, chân liền chân làm tiếp công việc khác. Nhà em phía trước có cái hồ rộng, hồi trước trồng rong biển để bán. Mỗi khi thu hoạch được không bao nhiêu tiền mà ba mẹ phải vất vả mấy ngày trời dãi nắng, dầm mưa mới thu hoạch xong. Em chỉ phụ việc lặt vặt mà không đủ sức. Nhiều khi thấy ba mẹ nặng nhọc mà em cứ trào nước mắt vì thương ba mẹ!”, nước mắt Thảo chảy dài khi nhắc đến ba mẹ.

Mặc dù nhà nghèo, nhưng ba mẹ Thảo vẫn quyết tâm bằng mọi giá cho Thảo và em gái ăn học đàng hoàng. “Mẹ đi làm xa mấy cũng đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi, không chịu mua chiếc xe máy vì nói để dành tiền cho chị em em vô đại học, lỡ đâu đậu vô mà không đủ tiền nộp thì dở dang việc học của con! Vậy mà khi em đậu vô trường chuyên, thấy đi học hằng ngày xa nhà mà đạp xe đạp không đủ sức, ba mẹ quyết định mua cho em chiếc xe đạp điện. Em chạy xe đạp điện băng băng, mà thấy ba mẹ đạp chiếc xe đạp bên cạnh, thiệt, em chỉ ước mình được đi làm thật nhanh để đỡ đần ba mẹ. Và ý chí phấn đấu học tập của em càng cao thêm!”, Thảo tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Lan, mẹ Thảo, thì hiền lành chia sẻ: “Thảo hiền lành lắm, cháu lúc nào cũng lo mẹ đi làm về mệt, việc trong nhà hai chị em bảo ban nhau làm, thêm phụ ba mẹ chăm sóc bà nội ngoài 90 tuổi, nhưng lúc nào hai chị em Thảo cũng vui vẻ và chăm chỉ. Tui đi làm phụ hồ nặng nhọc, nhiều khi về nhà mệt đứt hơi, nhưng nhìn hai đứa con ngoan ngoãn, chăm chỉ thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết, như được tiếp thêm sức lực!”.

Nói về việc học của Thảo, chị Lan nói: “Tôi không gây áp lực gì cho cháu. Nhiều khi sợ cháu học quá sức cũng khuyên con giữ gìn sức khoẻ. Còn việc học thì cháu tự lo hết, tôi có bày vẻ gì được đâu. Hồi xưa nhà cực quá, học mới hết lớp 5, nên giờ phải làm việc nặng. Nên giờ có khổ, có cực đến mấy cũng nuôi cho con, động viên con học hành đàng hoàng, học được chừng nào ba mẹ nuôi hết chừng đó!”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.