Cô gái đi bộ xuyên Việt kêu gọi tài trợ gây tranh cãi

09/06/2020 15:42 GMT+7

Trước khi lên kế hoạch đi bộ xuyên Việt , Lê Ngọc Hân đã lên mạng kêu gọi mọi người tài trợ chi phí cho chuyến đi của mình, điều này đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều ngay cả khi Hân kết thúc hành trình.

Những ngày cuối tháng 12.2019, Lê Ngọc Hân (23 tuổi, cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) có suy nghĩ từ bỏ công việc văn phòng với mức lương ổn định để đi bộ xuyên Việt.
Cùng với việc lên kế hoạch cho chuyến đi, Hân cũng lập kế hoạch và đăng tải thông tin tìm kiếm nguồn tài trợ cho chuyến đi của mình. Theo đó, hành trình xuyên Việt từ Cà Mau và kết thúc ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Hành trình dài 2.456 km, đi qua 28 tỉnh, thành trong 51 ngày.
Ngày 8.3, Hân bắt đầu những bước chân đầu tiên ở cột cờ Lũng Cú. Đến những ngày đầu tháng 6, Hân cũng đã đặt chân đến mũi Cà Mau và kết thúc hành trình.

Kế hoạch mà Hân vạch ra trước khi xuất phát

Tuy vậy, sau khi kết thúc chuyến đi cũng như trước lúc khởi hành, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xuất hiện nhiều tranh cãi về việc kêu gọi tài trợ của Hân. Nhiều người phản đối về kế hoạch tìm tài trợ, nhưng vẫn có nhiều người ủng hộ cô gái nhỏ này.

Đi bằng tiền của mình mới có ý nghĩa

Nêu quan điểm của mình, Phạm Hương Giang (27 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng Hân không nên tìm tại trợ cho chuyến đi của mình. Bởi theo Giang nếu Hân có một mức lương ổn định thì tài chính cho chuyến đi này không đáng lo. Chuyện tìm kiếm nguồn tài chính bên ngoài phục vụ cho đam mê của mình thì không nên.
Ngoài ra, việc tìm tài trợ phải có mục đích rõ ràng vì cái gì, nó mang ý nghĩa như thế nào cho cộng đồng. Do đó Hân nên sử dụng tiền của mình để chuyến đi đúng với nghĩa “vượt qua giới hạn của bản thân”.

Hân chụp hình lưu niệm tại cột cờ Lũng Cú (điểm xuất phát)

Còn Hồ Duy Quốc (nhân viên lập trình một công ty bán hàng, đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết cần nhìn vấn đề ở nhiều mặt. Quốc nghĩ Hân không nên tìm tài trợ để thực hiện đam mê của riêng mình. Khi theo đuổi đam mê của mình thì phải tự lực cánh sinh. Tự mình sử dụng số tiền mình làm ra để thực hiện nó, thì cuộc hành trình mới thật ý nghĩa.
Nhưng ở một góc nhìn khác, Quốc gửi lời khen ngợi Hân vì dám nghĩ, dám làm. Hân có một ý chí mạnh mẽ. Quyết tâm theo đuổi đam mê của mình để sau này sống không hối tiếc...

Nên chuẩn bị cẩn thận trước khi đi

H.T - một travelbloger - cho rằng chuyện đi du lịch tự do của bạn trẻ thời nay không hiếm. Về chuyện tìm tài trợ của Hân, theo T. cũng là chuyện cá nhân. Đó là quyền tự do của mỗi người khi muốn thực hiện một sở thích.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn thì việc Hân thực hiện chuyến đi khi chưa có nhiều kinh nghiệm đi du lịch thì thật sự nguy hiểm, rủi ro cho Hân... “Tôi nghĩ Hân nên tập đi từ những cung đường ngắn, dễ trước rồi dần dần đi xa hơn”, H.T chia sẻ.

Hân chụp hình lưu niệm khi đi bộ qua đèo

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Lê Ngọc Hân cho biết việc kêu gọi tài trợ này thiên về một ý tưởng. Nó là một thử thách cho bản thân mà Hân phải vượt qua. Thông điệp mà Hân muốn truyền tải đến với mọi người là "mình vẫn có thể thực hiện ước mơ khi chưa có tiền". 
Theo Hân, trước khi thực hiện chuyến đi, Hân cũng đã chuẩn bị một khoản tiền cho mình nếu không có tài trợ. Tuy vậy khi kêu gọi tài trợ Hân cũng nhận nhiều "gạch đá" từ cộng đồng. Cuối cùng một đơn vị cũng đồng ý tài trợ toàn phần cho chuyến đi của Hân.
“Tôi không muốn một ý tưởng nào đó bị phụ thuộc vào kinh tế của bản thân. Tôi muốn kêu gọi tài trợ và đó là một thử thách để tôi phải vượt qua. Nó chỉ là một trong nhiều ý tưởng của nhiều người khi đi. Có người khi đi bằng 0 đồng, hoặc đi từng điểm rồi tìm việc làm kiếm tiền vậy thôi. Còn tôi thì kêu gọi trước khi đi...”, Hân nói về quan điểm kêu gọi tài trợ đi bộ xuyên Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.