Cô gái thêu tranh bằng chân: ‘Nhờ thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký…’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
28/09/2022 19:14 GMT+7

Nghị lực sống của cố nhà giáo ưu tú, nhà văn viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò Việt Nam, trong đó có một cô gái tự thêu bằng chân ở Phú Thọ.

Học tập tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký, cô gái khuyết tật Đỗ Thị Út quyết không đầu hàng số phận

Là con gái út trong gia đình có 7 anh chị em, Đỗ Thị Út (32 tuổi, trú khu 9, xã Bắc Sơn, H.Tam Nông, Phú Thọ) bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố. Từ khi mới sinh ra, đôi tay, đôi chân của Út đã không bình thường như anh chị em khác trong nhà. Út không thể tự đi, đứng mà phải ngồi trên xe lăn và không thể tự cầm mọi đồ vật bằng đôi tay, ngay cả cầm một chiếc bút. Tuy nhiên, cô không đầu hàng nghịch cảnh, vẫn mạnh mẽ vươn lên.

Không thể đến trường, Út nhìn anh chị học bài rồi tự học chữ, số, sau đó đọc, viết thành thạo. Cô viết chữ bằng chân, cầm muỗng (thìa) xúc cơm ăn bằng chân. Từ năm 2017 tới nay, cô còn tự học cách thêu tranh chữ thập, gắn đá trên tranh đều bằng chân.

Những giọt nước mắt tiễn đưa nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký

Kẹp chiếc kim khâu ở giữa hai ngón chân, Út nhấn chiếc kim xuyên qua mảnh vải, rồi lại dùng chân lật ngược tấm vải để kéo sợi chỉ lên. Từng bước cứ chậm rãi như vậy. Để hoàn thiện bức tranh đôi chim công bằng chân, cô phải trải qua 367 ngày nhưng vẫn bền bỉ làm và luôn nhắc bản thân “tôi không thể nào bỏ cuộc”.

Đỗ Thị Út thêu tranh bằng chân
hoài thương

Dù không được đến trường nhưng Út cho biết cô nhiều lần được nghe câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký. Chính câu chuyện về nghị lực sống mạnh mẽ, trái tim khao khát sống, khao khát làm được những điều ý nghĩa cho cuộc đời của thầy bao nhiêu năm qua đã giúp Út mạnh mẽ hơn và không ngừng cố gắng.

Ngày 28.9, biết tin thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời ở tuổi 75 sau một thời gian lâm bệnh, Út nói với PV Thanh Niên: “Tôi rất buồn. Tôi xin gửi chia buồn đến gia đình thầy. Thầy là người khuyết tật đôi tay nhưng đã dùng đôi chân của mình để viết chữ và làm việc rất giỏi. Tôi đã học tập tấm gương của thầy, dùng đôi chân của mình để thêu tranh và đính những bức tranh đá”.

Không chỉ viết chữ, thêu tranh, Út còn sử dụng điện thoại thông minh bằng đôi bàn chân để kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài, gặp những người bạn tử tế, giúp cho cuộc sống của cô có ý nghĩa hơn.

Út (trái) luôn hy vọng mọi người khuyết tật đều sống ý nghĩa

'Kim xiên vào chân con biết bao lần'

Bà Lê Thị Vang, 77 tuổi, mẹ của Đỗ Thị Út, chia sẻ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của con gái khiến bà cảm phục. Người mẹ này không thể nào diễn tả được nỗi xúc động khi thấy con gái hoàn thành mũi thêu đầu tiên bằng những ngón chân.

“Nhìn con thêu tranh, tôi chảy nước mắt. Kim xiên vào chân con, chảy máu biết bao nhiêu lần, tôi xót lắm, thương con. Tuy nhiên, con gái nói: 'Con phải làm được, người ta làm được thì con cũng phải làm được, con phải cố gắng'”, bà Vang xúc động kể.

Còn Út cho hay cuộc đời cô đã được tiếp sức từ tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký. Giờ đây, cô chỉ mong những nỗ lực của bản thân mình có thể lan tỏa năng lượng tích cực đến những người khuyết tật như cô.

Nụ cười lạc quan của Út

“Khuyết tật đôi tay thì mình còn đôi chân, còn sự cố gắng để có thể làm việc tốt, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi kể câu chuyện của mình với một hy vọng tất cả các bạn khuyết tật ở mọi miền đừng bao giờ bỏ cuộc. Mọi người hãy cùng nhau cố gắng trong cuộc sống, làm việc thật giỏi như tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký…”, cô gái thêu tranh bằng chân bộc bạch.

Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại Hải Hậu, Nam Định, qua đời vào ngày 28.9. Bị liệt 2 tay từ khi mới 4 tuổi nhưng luôn muốn đến trường, cậu bé Ký ngày ấy luôn cố công tập viết bằng chân và viết chữ rất đẹp.

Nhà giáo ưu tú, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, một tấm gương sáng về vượt lên nghịch cảnh
ẢNH tư liệu

Hơn 5 thập niên qua, nhiều thế hệ học trò Việt Nam luôn ngưỡng mộ câu chuyện về người thầy nghị lực phi thường. Thầy Nguyễn Ngọc Ký vượt qua nghịch cảnh, lập kỷ lục “nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân”. Ông có nhiều tác phẩm văn học bao gồm thơ, văn, truyện, hồi ký như Tôi đi học, Tôi học đại học, Tôi dạy học…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.