Cơ hội giúp học sinh tự học

04/09/2020 04:41 GMT+7

Từ việc bị động phải tinh giản chương trình do dịch Covid -19 bùng phát, học sinh không thể đến trường trong học kỳ 2 năm học 2019 - 2020, Bộ GD-ĐT nhân cơ hội này đã khẳng định sẽ tiếp tục giảm tải chương trình trong năm học mới.

Và rất nhiều giáo viên, học sinh (HS) thật sự vui mừng khi ngay trong những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT chính thức công bố chương trình tinh giản 10 môn học phổ thông. Những phần tinh giản là những nội dung trùng lặp, không cần thiết nhằm tăng thêm quỹ thời gian trong năm học để các trường triển khai nhiều hình thức tổ chức dạy học đa dạng, điều chỉnh cách đánh giá HS... Nhiều nội dung trong chương trình phổ thông thay vì phải dạy trên lớp thì sẽ khuyến khích HS tự học, tự đọc.
Khi tiếp nhận thông tin này, hầu hết các giáo viên đều hồ hởi cho rằng đã cởi trói để mở đường cho sự sáng tạo, đổi mới trong dạy và học.
Lâu nay nhiều người đều nhận ra rằng chương trình học bậc phổ thông quá nặng nề so với các nước. Ngoài số lượng môn học nhiều hơn thì nội dung chương trình cũng hàn lâm, thiếu thực tế. Bên cạnh đó việc kiểm tra, đánh giá còn theo kiểu thi gì học nấy một cách đối phó. Việc học vì thế không còn là niềm vui nữa.
Phần lớn HS học ngày học đêm, học thêm nhiều môn, nhiều nơi cốt yếu để phục vụ cho các kỳ thi chứ không phải nhằm đáp ứng nhu cầu hiểu biết tự thân. Vì vậy, việc học trở nên hết sức nặng nề và căng thẳng. Do phải dành quá nhiều thời gian để đến trường, đến các lớp học thêm nên theo nhiều chuyên gia giáo dục, một trong những kỹ năng HS còn yếu là tự học, tự tìm hiểu.
Khi chương trình học được tinh giản, nhiều nội dung sẽ dành cho việc tự học, tự tìm hiểu. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để HS khắc phục được nhược điểm của mình. Trong thế giới công nghệ hiện nay khi mọi thứ không có giới hạn thì nhà trường không thể nào cung cấp bằng được kiến thức cho HS, vì thế khả năng tự học sẽ là “chiếc phao cứu sinh” để người học tiếp cận với tri thức. Đó là chưa kể, đây còn là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng khi bước vào thị trường lao động đòi hỏi tính sáng tạo và chủ động.
Về phía giáo viên, khi bỏ bớt những nội dung không cần thiết, họ có thời gian đầu tư cho những phương pháp giảng dạy phù hợp, kích thích sự sáng tạo, hứng thú học tập từ HS. Thay vì cứ phải lên lớp giảng bài, họ sẽ thực hiện các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa... để giúp HS vừa học vừa có những trải nghiệm cần thiết.
Lâu nay, nhiều trường cũng đã đổi mới giảng dạy theo hướng cho HS tiếp cận với thực tế, tuy nhiên vẫn còn ngập ngừng vì vẫn phải đảm bảo khối lượng kiến thức quy định, điểm số như mong muốn của phụ huynh. Nay khi Bộ GD-ĐT chính thức mở đường bỏ những nội dung không cần thiết, các trường sẽ mạnh dạn và tự tin hơn trong đổi mới dạy học.
Từ một giải pháp tình thế do dịch Covid-19, chương trình học phổ thông từ năm học mới này sẽ không còn những nội dung không cần thiết nữa. Việc này lẽ ra phải thực hiện từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng đây sẽ là bước đệm cho nhiều đổi mới trong giáo dục.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.