'Cô muốn ôm các bạn, có bạn nào muốn ôm cô không?'

20/11/2018 13:15 GMT+7

Là câu hỏi mà trước mỗi giờ tan học cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, Trường tiểu học An Phú 2 (xã An Phú, Củ Chi, TP.HCM) đều hỏi học trò của mình.

Và sau câu hỏi ấy, cô dang tay, ngay lập tức các học trò xếp hàng ngay ngắn và những vòng tay cô trò lần lượt đan lấy nhau. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc của cả cô Phương và học trò của mình sau mỗi buổi học.

Bỏ hết những áp lực ngoài cửa lớp

Về lớp học của cô Phương, chúng tôi được chứng kiến những khoảnh khắc hạnh phúc trên, khi cả cô trò cùng ôm nhau và cười nói rôm rả.

“Khi mình ôm các em thật chặt, sẽ lan tỏa được tình cảm yêu thương như một người mẹ, từ đó đứa trẻ mới dễ chấp nhận, gần gũi mình hơn. Cũng nhờ vậy mà có em nào không chịu ôm là mình biết hôm đó em không vui hay không hài lòng chuyện gì, từ đó mình tìm hiểu và giải quyết”, cô Phương chia sẻ.

Trong giờ học, cô Phương luôn chú trọng truyền đạt kiến thức, lỡ "cháy" giáo án cũng không sao vì theo cô hôm nay dạy chưa kịp thì ngày mai lại tiếp tục, miễn sao các em học thấy vui và có hứng thú nhất.

Bỏ hết áp lực ngoài cửa lớp, để vào lớp với các em luôn là những giờ học hạnh phúc HOA NỮ

“Nếu hôm nào có học trò nghịch quá thì tốt nhất nên đưa các em xuống cuối lớp, vì khoảng cách đó cũng giúp mình có thời gian để bình tĩnh suy nghĩ ra cách 'trị' các em hiệu quả”, cô Phương nói.

Và biện pháp mà cô thường dùng để giải quyết những học trò ngỗ nghịch, chưa nghe lời là sau mỗi giờ học, cô sẽ ngồi lại nói chuyện với học sinh để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến em thiếu hợp tác, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp để giải quyết.

Cô Phương cho rằng mọi chuyện đều bắt đầu từ cái tâm và tấm lòng yêu thương trẻ HOA NỮ

Theo cô Phương cũng có nhiều trường hợp thầy cô dạy rất giỏi, nhưng thường hay la rày học trò phải học được như thế này, như thế kia vì muốn hoàn thiện trong mắt người kiểm tra nên tự tạo áp lực cho mình và học trò. “Nhưng với mình, cho dù bị thanh tra chuyên môn và mình còn thiếu sót, không hoàn thành sổ sách đúng quy định,…nhưng mọi áp lực đều đặt hết ngoài cửa lớp. Vì học trò không có lỗi gì cả, để mỗi khi bước vào với các em mình luôn nở nụ cười và tạo sự hứng thú cho các em học. Mình luôn giữ cho tâm bình an, không lo sợ, không tự tạo áp lực hay nhận áp lực là đủ hạnh phúc cho người thầy và cho học trò. Vì nếu giáo viên mang áp lực vào công việc thì rất dễ xảy ra những tình huống tiêu cực với học trò”, cô Phương bày tỏ.

Lập tủ sách miễn phí cho học sinh

Cũng chính vì thường xuyên nói chuyện với học trò, nên cô Phương hiểu được từng câu chuyện và hoàn cảnh của các em. Trong lớp, thông thường sau mỗi giờ học, các học trò đều ôm cô trước khi ra về, nhưng duy nhất có một bạn nam thì không bao giờ ôm. Lúc đầu cô cứ tưởng học trò này không vui gì ở mình, nhưng khi tìm hiểu thì biết được mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ, chưa bao giờ có được vòng tay yêu thương của người mẹ, nên em không quen với việc được yêu thương.

Cũng chính từ đó, cô quan tâm, gần gũi em nhiều hơn để em dần quen với sự yêu thương. Hôm nào lên lớp, thấy áo em bị đứt khuy, cô đều gọi lên và tỉ mỉ vá lại cho em.

"Em không có mẹ, mình làm thay mẹ của em", cô Phương nói HOA NỮ

“Bất cứ một sự ngỗ nghịch hay hành động nhỏ nào của các em cũng có nguyên nhân cả. Chính vì thế, nếu chịu khó tìm hiểu, sẽ có những biện pháp để chúng ta giải quyết. Và hơn nữa cũng giúp cô trò được gần gũi, thấu hiểu nhau nhiều hơn”, cô Phương bộc bạch.

Có lẽ đúng như cô Phương nói, tất cả đều xuất phát từ cái tâm. Chính cái tâm yêu nghề và thương học trò đã giúp cô giữ được chuẩn mực của một người giáo, để cô luôn đẹp trong mắt học trò và mang những giờ học hạnh phúc đến cho học trò và cho chính mình hơn 10 năm qua.

Không những thế, vì thấy học trò của mình thiếu thốn nhiều thứ, không có điểm vui chơi, không có đầy đủ sách báo để đọc. Cô đã tận dụng những mối quan hệ, quyên góp sách cũ để lập một tủ sách miễn phí tại nhà cho các em đến đọc.

Cứ thế, cuối tuần cô lại chạy gần 50 km lên thành phố để gom sách cũ. Thậm chí những dụng cụ học tập, hay áo quần cũ người ta cho cô đều mang về. “Cũ với trẻ em thành phố nhưng sẽ mới với những đứa trẻ ở quê mình”, cô Phương nói.

Hạnh phúc giành nhau ôm cô HOA NỮ

Cô ân cần và chu đáo, vì học trò mà bao áp lực cuộc sống cô đều bỏ hết ngoài cửa lớp. Chính vì thế, ở lớp học của cô lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Vì cô gần gũi, quan tâm như người mẹ nên khi cô mới vừa bước vào lớp, học trò đã ríu ra ríu rít như những chú chim kể chuyện cho cô nghe: “Cô ơi, trưa nay con với bạn kia qua nhà bạn T. học bài chung. Nhà bạn ấy cách nhà con có 10 bước chân”, “đúng 10 bước chân luôn hả?” cô Phương trêu học trò. Cô học trò kia lại nhanh nhảu: “Dạ đúng 10 bước thôi ạ, lúc nào qua nhà bạn con cũng đếm từng bước”. Rồi em này đưa tay, em khác đưa tay và gọi cô ơi, cô ơi để được dành cơ hội kể câu chuyện của mình.

Một buổi học của lớp cô Phương luôn bắt đầu bằng không khí sôi động và tràn ngập tiếng cười như vậy, và kết thúc lúc nào cũng bằng những cái ôm hạnh phúc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.