Có nên bán vàng dự trữ để bình ổn ?

05/03/2013 03:15 GMT+7

Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức đấu thầu giá vàng nhằm mục đích bình ổn thị trường . Theo cơ quan này, nguồn vàng sử dụng cho việc đấu giá lấy từ nguồn dự trữ ngoại hối của nhà nước.

Có nên bán vàng dự trữ để bình ổn ?
Bao nhiêu vàng cho đủ để bình ổn thị trường? - Ảnh: Đ.N.T

Việc mang vàng dự trữ quốc gia để kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới đang gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, nếu không cẩn trọng, có thể dẫn tới tài sản dự trữ của quốc gia sẽ bị hao hụt vì đầu cơ.       

Lỗ... ai chịu trách nhiệm ? 

 

Vàng không phải là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế nên không thể, không nên dùng dự trữ quốc gia để thực hiện bình ổn

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB)

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc lấy vàng dự trữ quốc gia để đấu giá cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Thử hình dung kịch bản sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán vàng ra để kéo giảm chênh lệch, thì tối cùng ngày giá vàng thế giới liên tục tăng cao? Giá tăng trở lại, mua thì lỗ, không mua thì mất dự trữ quốc gia, lúc đó, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ông Chí cho rằng, nếu chúng ta lấy lý do là giá vàng trong nước đang cao, người dân bị thiệt, để xuất dự trữ quốc gia thì không hợp lý, bởi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế, không thể sử dụng như một công cụ "cứu tế" được. Nhất là khi nhu cầu mua vàng không chỉ ở người dân mà đến từ các NHTM chưa tất toán tài khoản vàng huy động, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dùng giải pháp khác như quản lý hoạt động đầu cơ hiện nay của các công ty kinh doanh vàng, thuế... Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đánh thuế nhập khẩu vàng 50% để hạn chế người dân mua vàng. Tại sao chúng ta không sử dụng công cụ thuế?    

Cũng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) phân tích, nếu tất cả giới đầu tư, đầu cơ vàng cùng "đánh lên" (mua vàng dự trữ bình ổn, chờ giá tăng bán ra kiếm lợi) thì xuất bao nhiêu vàng dự trữ cho đủ để bình ổn? Trên thực tế, khả năng này là rất lớn bởi về dài hạn, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục hướng tăng.

Điều này đã được chứng minh. Nếu nhìn từ năm 2005 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng trung bình khoảng 40%/năm (đầu năm 2005 giá vàng thế giới là 442 USD/lượng, cuối năm 2012 là 1.656 USD/lượng).

"Tác hại lớn nhất của vàng là ảnh hưởng đến tỷ giá. Mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của chúng ta cũng là ổn định tỷ giá. Nhiều thập kỷ trước, do không kiểm soát được nên vàng luôn tác động đến tỷ giá. Đến nay, NHNN đã kiểm soát việc sản xuất vàng miếng SJC nên tỷ giá ổn định thì không có lý do gì phải mang vàng dự trữ ra để bán. Hơn nữa, vàng không phải là hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế nên không thể, không nên dùng dự trữ quốc gia để thực hiện bình ổn" - ông Hải nói rõ quan điểm. Ông Hải cũng cho rằng, thay vì lấy vàng dự trữ, hãy sử dụng công cụ thuế để điều hành, quản lý thị trường vàng.      

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đặt vấn đề, vai trò của dự trữ quốc gia để giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của nhà nước... Bình ổn giá vàng không nằm trong tất cả các trường hợp trên nên việc xuất vàng dự trữ quốc gia là không thể chấp nhận được. Hơn nữa, việc xuất dự trữ quốc gia không dùng cho việc lâu dài. Còn bình ổn giá vàng chắc chắn không thể thực hiện trong thời gian ngắn, không lẽ chúng ta cứ bán mãi? 

Có rơi vào túi đầu cơ ?

 

Phải Luật hóa hoạt động kinh doanh vàng                        

Công ty chứng khoán có luật Chứng khoán, công ty bảo hiểm có luật Bảo hiểm, ngân hàng có luật Các tổ chức tín dụng còn các công ty kinh doanh vàng, họ hoạt động thế nào? Ai quản lý họ đầu cơ, tích trữ? vay nợ thoải mái để mua vàng?. Nếu họ vay vốn để tham gia đấu giá vàng, rồi gom vàng, không bán ra thì nguy hiểm cho nguồn vàng dự trữ. Vừa không đạt được mục tiêu kéo giá mà còn có thể bị lỗ. Về lâu dài, phải luật hóa hoạt động kinh doanh vàng

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn đầu tư, Đại học Kinh tế TP.HCM

Điều đáng lo ngại hơn là bán vàng dự trữ quốc gia với mục tiêu bình ổn có thể bị đầu cơ. Theo quy định hiện hành, các NH bị khống chế trạng thái vàng không quá 2% vốn điều lệ nhưng các đơn vị kinh doanh vàng thì không hề bị ràng buộc bởi cơ chế này. Vì vậy, họ nắm giữ bao nhiêu, bán ra hay giữ nguyên, liệu có đầu cơ tích trữ để làm giá hay không, NHNN không thể biết được.

Đáng nói là, không ít công ty kinh doanh vàng đều có "bóng dáng" NH "mẹ" đứng đằng sau. Đơn cử như Công ty PNJ có NH Đông Á, SJC có NH Eximbank hay Doji có NH Tiên Phong... Với mối quan hệ này, họ có nguồn tài chính rất mạnh để thực hiện việc đầu cơ, tích trữ vàng nếu muốn và có cơ hội. Trường hợp họ dùng vốn vay từ NH để đầu cơ mua vàng đấu thầu từ dự trữ quốc gia, phán đoán giá lên và hạn chế bán ra thì làm sao NHNN quản lý được? Bởi chúng ta đều biết, tối đa hóa lợi nhuận là nguyên tắc kinh doanh của bất cứ công ty nào. Như vậy, xuất ra bao nhiêu vàng cũng không đủ để kéo giảm chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới mà ngược lại, tài sản dự trữ có thể bị hao hụt.   

Không phải nói đâu xa, tính từ thứ sáu tuần trước (ngày 1.3), ngày diễn ra phiên thử nghiệm đấu thầu theo NHNN tới nay thì giá vàng trong nước liên tục tăng trong khi giá thế giới giảm. "Khoảng cách bao nhiêu chưa tính nhưng khi thực hiện việc bình ổn thì ít nhất, xu hướng giá vàng trong nước và thế giới phải đồng điệu. Thế giới tăng thì ta tăng, thế giới giảm thì trong nước giảm. Thế mới gọi là bình ổn. Nhưng chúng ta thực hiện bình ổn thì giá vàng trong nước vẫn ngược hướng với thế giới. Ngược hướng là nỗi sợ và cũng là rủi ro lớn nhất của người kinh doanh, đầu tư cũng như người giữ vàng" - ông Trần Thanh Hải nói. 

Bán rồi khi nào mua lại ?

Một câu hỏi quan trọng là sau khi bán vàng dự trữ quốc gia, đến bao giờ NHNN sẽ mua vào?

Như đã nói trên, mục đích của đấu thầu bán vàng miếng là nhằm thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới. Chắc chắn, khi không bán, giá vàng trong nước lại gia tăng khoảng cách với giá thế giới. Lúc đó, lại bán để thu hẹp. Rồi ngưng, khoảng cách lại bị kéo giãn... Cứ như vậy, đến lúc nào NHNN mới mua được vàng trở lại?

Còn muốn tài sản quốc gia không bị hao hụt thì phải mua vào giá thấp hơn lúc bán. Muốn vậy, NHNN sẽ phải can thiệp bán ra đến mức giá vàng trong nước giảm thấp hơn giá thế giới. Làm được điều này, cần một nguồn lực khổng lồ và cũng không dễ thực hiện trong bối cảnh xu hướng tăng của vàng thế giới. Còn nếu mua vào lúc giá tăng cao hơn, nguồn dự trữ sẽ bị hao hụt vì lỗ như phân tích trên.    

Như vậy, thời điểm vàng quay lại kho dự trữ gần như chưa có câu trả lời.       

Thống đốc được quyết định phương án can thiệp thị trường vàng

Theo Quyết định số 16 Thủ tướng ký ngày 4.3, căn cứ mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, NHNN mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được mua vàng miếng để bổ sung vào dự trữ ngoại hối nhà nước.

Quyết định nêu rõ, NHNN thực hiện mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) được phép theo phương án mua, bán vàng miếng trong từng thời kỳ. Việc xác định giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN với TCTD, DN được phép thực hiện theo quy định của NHNN phù hợp với từng hình thức mua, bán vàng miếng theo quy định.

Thống đốc NHNN quyết định phương án can thiệp thị trường vàng, trong đó, phương án mua vàng miếng hoặc bán vàng miếng của NHNN để can thiệp thị trường vàng trong từng thời kỳ bao gồm các nội dung: thời điểm mua, bán; khối lượng vàng miếng mua, bán; hình thức mua, bán; đối tượng thực hiện mua, bán; các mức giá mua, bán cụ thể phù hợp với từng hình thức thực hiện mua, bán; các nội dung khác có liên quan.

Khi thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, NHNN được mở tài khoản, mua vàng, bán vàng trên tài khoản ở nước ngoài hoặc mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước hoặc bán vàng ra nước ngoài; có trách nhiệm đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước thông qua việc tuân thủ các quy định về cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước khi thực hiện mua, bán vàng miếng; đồng thời, quyết định việc áp dụng tỷ giá và giá vàng để quy đổi sang đô la Mỹ và đồng Việt Nam phục vụ công tác hạch toán và phản ánh biến động về tỷ giá và giá vàng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về hình thức thực hiện mua, bán vàng miếng, NHNN sẽ lựa chọn và quyết định cụ thể việc mua, bán vàng miếng trong từng lần giao dịch theo 1 trong 2 hình thức: mua, bán vàng miếng trực tiếp hoặc mua, bán vàng miếng thông qua đấu thầu.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 5.3.

Bảo Cầm

Bán vàng SJC, mua vàng nguyên liệu

Giới kinh doanh vàng hiện đang thực hiện phương thức bán ra vàng miếng SJC (thường gọi là vàng xi) và mua vào vàng nguyên liệu (thường gọi là vàng bóng đổi 9999) sau khi Ngân hàng Nhà nước VN thông báo sẽ tổ chức đấu thầu vàng nhằm kéo giảm chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước. Giới kinh doanh dự định sau khi chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước được rút ngắn sẽ bán vàng bóng đổi 9999, mua lại vàng SJC.

Ngày 4.3, giá mua - bán vàng bóng đổi 9999 là 40,6 - 40,8 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC 43,58 - 43,73 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng so với ngày 3.3. Giá vàng thế giới cùng ngày tăng nhẹ 2 USD/ounce so với cuối tuần qua, lên 1.578 USD/ounce. Giá vàng bóng đổi 9999 sát giá vàng thế giới nên chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới giảm bao nhiêu thì lời bấy nhiêu. Được biết phiên thử nghiệm đấu thầu vàng giữa NHNN với các ngân hàng, doanh nghiệp dự kiến thực hiện vào chiều 5.3.

Trong ngày 4.3, giá USD thị trường tự do tăng mạnh 100 - 150 đồng/USD so với cuối tuần qua, lên 21.220 - 21.250 đồng/USD vào buổi sáng và sau đó giảm về 21.200 - 21.240 đồng/USD. Giá USD trong hệ thống ngân hàng cùng ngày tăng thêm 20 đồng/USD so với cuối tuần qua. Giá mua - bán USD tại Vietcombank lên 20.920 - 20.990 đồng/USD, Eximbank: 20.890 - 20.990 đồng/USD; Sacombank: 20.880 - 20.990 đồng/USD; ACB: 20.900 - 20.990 đồng/USD...

Do giá USD đột ngột tăng cao nên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới giảm xuống còn 3,6 triệu đồng/lượng thay vì cao hơn tới 4,2 triệu đồng/lượng vào cuối tuần qua. 

Thanh Xuân

Nguyên Hằng

>> Không để đầu cơ, làm giá trên thị trường vàng
>> Thống đốc NHNN sẽ trả lời chất vấn về nợ xấu, thị trường vàng
>> “Quản” thị trường vàng, hiệu quả đến đâu ?
>> Thị trường vàng trầm lắng dù giá giảm mạnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.