Có nên lên án Yanbi, Mr.T vì 'hát lời tục tĩu'?

27/12/2013 15:32 GMT+7

Những năm gần đây, nhờ những nhân tố tham gia vào thị trường âm nhạc chính thống, khán giả dần biết đến một Thế giới ngầm (Underground) trên internet của một cộng đồng âm nhạc được gọi là Rap Việt. Rap Việt, mặc dù đang được thừa nhận rộng rãi, vẫn là đối tượng của những chỉ trích về sự lệch pha với các "chuẩn mực văn hóa" chung. Chuyện "hát lời tục tĩu" của Yanbi và Mr.T là một trường hợp như vậy.

>> Xem xét xử phạt màn hát tục tĩu của Yanbi và Mr.T tại Hải Phòng

 
Màn biểu diễn của Yanbi và Mr.T trên một sân khấu ở Hải Phòng hôm 21.12 đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận - Ảnh chụp màn hình

Trước tiên, Yanbi và Mr.T là hai ca sĩ của dòng nhạc Rap, RnB có xuất phát điểm từ cộng đồng Underground (Thế giới ngầm) trên internet. Họ là những người hát một thứ RnB lai Pop nhẹ nhàng, và bằng cách đó họ đã "làm mềm" bớt một thể loại có phần góc cạnh, gai góc để có thể mang nó ra showbiz. Vì vậy, họ có được một lượng fan đông đảo vì có những bài hát hợp tai với người nghe. Đổi lại, họ nhận được cũng không ít chỉ trích từ phía cộng đồng underground trên mạng, những người chỉ trích cho rằng họ đã thành "ca sĩ thị trường", và rằng họ đã "mất chất". Những người chỉ trích đang nói đến một thứ "nhạc rap chất", vậy chất ở đây là gì?

Để hình dung về "chất", cần lục lại một chút về lịch sử của dòng nhạc này.

Ai cũng biết, nhạc Rap, RnB được du nhập từ Mỹ là một phần của văn hóa hiphop. Thể loại Rap xuất phát từ những khu phố nghèo ở Newyork vốn được những nghệ sĩ da màu nói về cuộc sống nghèo khó, tình dục, hút xách và băng đảng.

Nhạc RnB (Rhymthm and Blues), một thể loại khác của người da màu kết hợp với Rap và những loại  hình nghệ thuật đường phố khác, trở thành một phần của văn hóa hiphop nói trên. Khán giả Việt Nam biết nhiều đến những rapper như: Eminem, Jay-Z,  Nelly... hay những ca sĩ hát RnB như Beyonce, Mariah Carey, Kelly Rowland... nhưng ít ai biết đến và nghe những bài gangster rap (rap về băng đảng), hay những bài diss/battle (chửi nhau bằng rap). Rapper Eminem, người tự xưng là "Rap God" vốn nổi tiếng với những bài rap diss, chọc ngoáy, dè biểu những ca sĩ khác bằng lời lẽ rất tục. Trong những bài rap về tình yêu của Eminem cũng không thiếu những tiếng lóng như f**k, *ss...

Theo quan niệm của những người chơi nhạc rap, việc thoải mái thể hiện cảm xúc của bản thân kể cả bằng lời lẽ gai góc, ngôn từ tục tĩu, thậm chí chỉ trích cả các chính trị gia là rất bình thường. Và cộng đồng nhạc rap ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, "chất" nằm ở sự thoải mái, gai góc đó. Nhưng với một số nhóm chơi rap, phải rap về cuộc sống và có lời tục thì mới gọi là "chất", họ gọi rap RnB về tình yêu là một thứ nhạc mất "chất". Đây chỉ là một trong những chủ đề tranh cãi của những người chơi rap, nhưng chốt hạ là chuyện nói tục trong rap và nhạc RnB là phổ biến và không có gì mới. Vấn đề là nhìn nhận nó như thế nào?

Khoảng những năm 2000, một rapper có nickname Hoàng BK sau khi đưa lên mạng một bài "rap bẩn" (dirty rap) đã bị một tờ báo lên án là tục tĩu, ảnh hưởng đến giới trẻ. Từ đó đến nay đã có rất nhiều cuộc "lên án" như vậy, bởi quan niệm chung là nhạc không được tục, phải có tính "nghệ thuật", hướng đến "chân thiện mỹ".  Đây là một phần nguyên nhân mà một rapper gạo cội như Lil' Knightz bị lạc lõng khi mang rap ra showbiz và phải sớm chia tay sau đó. Đấy cũng là lý do mà Karik sau khi mang được rap lên thị trường thì bị một số fan quay lưng vì anh không còn "chất" như xưa. Những rapper như Suboi, Kimmese khi lên sân khấu cũng phải diễn một thứ rap rất "lành" thì mới có thể phổ biến dòng nhạc này.

Thật ra, "nghệ thuật" có được tục hay không vẫn còn rất tù mù. Trong kho tàng ca dao tục ngữ cũng không thiếu những câu rất "tục" nhưng thật với cuộc sống. Trong văn học hiện đại cũng có nhiều bài thơ tục và tác phẩm sexy được xuất bản (ví dụ: Nếu không hiểu rõ con c../ đọc trăm quyển sách cũng ngu như bò - Nguyễn  Bảo Sinh). Hay như nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết rất nhiều bài "tục ca" mà người nghe sẽ thấy còn "tục" hơn nhiều so với lời chế mà hai anh chàng Yanbi và Mr.T hùa theo khán giả.

Tại sao tôi không hát tục được khi nó là một phần đời thường mà chính anh/tôi cũng đều dính dáng?

Nói như vậy để thấy rằng, không nên vội vàng phán xét hai ca sĩ trẻ này vì hát lời tục theo khán giả. Thay vào đó, có thể nhìn nhận vấn đề ở khuôn khổ các chuẩn mực nội địa và mâu thuẫn với các yếu tố văn hóa du nhập, hay "nghệ thuật" có được phép "tục" hay không?. Một số người đưa nhạc Underground (Thế giới ngầm) ra Mainstream (Chính thống) đã nhìn ra cách dung hòa khi đưa phần clean (sạch) ra sân khấu, và giấu phần dirty (bẩn) vào một cộng đồng fan nhỏ để được chấp nhận bởi đa số. Nhưng đôi khi họ không thể kiềm chế được sự phấn khích...

Thật ra, nói Yanbi và Mr.T làm ảnh hưởng tới giới trẻ cũng không đúng, vì không có họ thì giới trẻ, và cả... không còn trẻ... vẫn nói tục mà thôi.

Phong Uy*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một phóng viên thực tập, đang sống và làm việc tại Quảng Ngãi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.