Có nên mua xe hơi, tại sao đến giờ vẫn hỏi câu này?

15/10/2017 14:03 GMT+7

“Mua xe hơi hay mua xe máy?” Câu hỏi này, chỉ có một đáp án duy nhất, dù bạn mua xe hơi với mục đích gì vẫn là thứ cần mua. Xe hơi, trước khi nghĩ đến sự xa xỉ thì nó là phương tiện an toàn, ít ra nếu so với xe máy…

Sài Gòn, một chiều cũng như bao buổi chiều giờ tan tầm. Có khác chăng là chiều nay trời mưa như trút nước… Giữa dòng người, xe chen chúc hối hả về nhà sau một ngày làm việc, tôi bắt gặp ba mẹ con, có lẽ người mẹ tan ca ghé đón hai đứa con của mình. Chiếc Honda Wave xiêu vẹo với cái áo mưa trùm lên cả ba mẹ con len lõi giữa dòng người đông đúc, và cơn mưa mỗi lúc càng nặng hạt hơn!
Cậu bé ngồi sau chẳng hiểu sao lại vừa khóc vừa la, người mẹ choàng tay ra sau dỗ dành, nhưng cậu bé lại quẫy đạp khiến chiếc xe tưởng chừng như đi khỏi quỹ đạo cân bằng. Người mẹ vừa lái xe trong cơn mưa, một tay lo cho cậu bé ngồi yên sau, phó mặt đứa con đang ngồi trước trên cái ghế “made in Viet Nam” vốn dành cho trẻ em. Đứa bé phía trước lẫn cậu bé ngồi sau đều là những đứa trẻ chuyên nghiệp, chuyên nghiệp trong cái cách nó cùng mẹ nó vượt qua hành trình mưa gió trên chiếc hai bánh. Người mẹ, chắc cũng đã từng rất nhiều lần phải cầm lái xe một tay, tay còn lại lo cho con…
Xe hơi, trước khi nghĩ đến sự xa xỉ thì nó là phương tiện an toàn nếu so với xe máy Ảnh: Độc Lập
Cơn mưa kéo dài hơn nửa giờ đồng hồ đã khiến chiếc hai bánh vốn dĩ chỉ dùng để đi lại, hoán đổi công năng thành phương tiện có thể lội nước. Cậu bé ngồi sau có lẽ đã đến lúc buồn ngủ, vòng tay ôm mẹ không còn siết chặt, có lúc tưởng chừng như chỉ chực chờ rơi xuống dòng nước. Người mẹ ấy lại một tay cầm lái, tay còn lại vòng ra sau kéo con nép vào lưng mình. Giấc ngủ “trộm” luôn là giấc ngủ rất ngon nhưng đáng tiếc lại trên chiếc xe máy đầy rủi ro và ám ảnh. Đáng thương cho những ai chứng kiến cảnh ba mẹ con nhà này, đáng thương cho xã hội phải gồng mình lên trên phương tiện mà thế giới văn minh dần cho ra rìa. Trong đầu tôi giây phút ấy thoáng nghĩ vội: Chỉ cần gia đình cậu bé này có một chiếc xe hơi…
Trên chiếc xe hơi, cậu bé ấy sẽ được ngủ ngon lành trên ghế dành cho em bé. Đứa bé ngồi trước cũng sẽ được vui đùa trong xe, ngắm nhìn khung cảnh xung quanh chứ không phải là một chiếc áo mưa đầy mùi ẩm mốc phủ lấy trên đầu và không thể nhìn thấy gì phía trước. Và người mẹ ấy, có thể vừa lái xe, vừa vuốt ve con mà không gây nguy hiểm cho bản thân cũng như gieo rắc sợ hãi cho các phương tiện xung quanh, như khi thực hiện việc đó trên một chiếc xe máy. Đưa đón trẻ em bằng xe máy là “trò chơi” đầy rủi ro, mà những đứa trẻ không cần và cũng không nên trải qua.
Dòng người, xe tấp nập trên phố ẩn chứa nhiều nguy hiểm khi chở con bằng xe máy Ảnh: Độc Lập
Có nhiều người đến giờ này vẫn đặt câu hỏi với tôi: “Mua xe hơi hay là mua xe máy?” Câu hỏi này, chỉ có một đáp án duy nhất, dù bạn mua xe hơi với mục đích gì vẫn là cái cần mua. Xe hơi, trước khi nghĩ đến sự xa xỉ thì nó là phương tiện an toàn, ít ra nếu so với xe máy… Đừng nói ai rằng, đi xe hơi sẽ gây nên cảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông… chuyện đó có người khác lo, cho dù tất cả chuyển dần từ hai bánh sang bốn bánh, đương nhiên xã hội sẽ tự biến chuyển cho phù hợp. Qua từng năm, xe hơi ứng dụng nhiều công nghệ hơn, chủ yếu khiến chiếc bốn bánh trở nên an toàn và tiện ích hơn giúp người lái và hành khách trong xe tránh được những rủi ro dù nhỏ nhất. Thế nhưng, với chiếc xe máy, tất cả chỉ là con số không tròn trĩnh nếu xét về sự an toàn.
Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn tiêu xài… có nhiều cách để tiết kiệm, tiết kiệm thật ra để có những thứ khác lớn hơn, chẳng hạn như xe hơi, nhà to cửa rộng, du lịch đây đó… Thế nhưng đến một ngày nào đó, vẫn trên chiếc xe máy chở con, rủi ro xảy ra, con bạn có mệnh hệ gì thì mọi thứ đều trở nên vô ích, chẳng điều gì có thể bù đắp được. Những đứa trẻ chính là nguyên nhân, lý do sắc bén nhất để bạn bắt buộc phải sắm xe hơi nếu có đủ tiền.

tin liên quan

Ở thành phố sắm ô tô: Khổ trăm bề
Đến nay, sau hơn 6 tháng sắm chiếc Honda City, tôi mới thấu hiểu nổi khổ khi sở hữu “xế hộp” mà trước đây chính bản thân mình ước mơ nhưng khi có để đi rồi mới thấy “chẳng khác nào của nợ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.