Có nên tiếp tục thi tốt nghiệp THPT hay không?

08/08/2018 16:30 GMT+7

Có cần phải tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông (THPT) hay không là một trong những vấn đề Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội xin ý kiến trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi.

Theo báo cáo một số vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật Giáo dục sửa đổi mà Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay, 8.8, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau về vấn đề thi tốt nghiêp THPT.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc tổ chức kỳ thi là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.
Bên cạnh đó, kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định, phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Tuy nhiên, ý kiến ngược lại đề xuất không nên tổ chức chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại.
Nhóm ý kiến này cũng cho rằng, việc điều chỉnh này tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định, được học lên các trình độ cao hơn.
Ông Bình cho biết, Ủy ban ủng hộ ý kiến thứ nhất, tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT và đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các quan điểm nêu trên.
Đề xuất lùi thời gian thông qua sang kỳ họp thứ 7
Thảo luận về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề giáo dục phổ thông được người dân, cử tri rất chú ý, nhất là vừa qua có chuyện thi kỳ thi THPT quốc gia để lại nhiều dư luận đang phải giải quyết, trả lời, xử lý, kể cả bằng pháp luật.
Theo ông Phúc, hiện cử tri, xã hội vẫn còn 2 ý kiến khác nhau: Thứ nhất là có nên tổ chức thi nữa không, hay chỉ cấp chứng chỉ cho các cháu học tiếp để ai có nhu cầu thì học tiếp, không thì rẽ ngang? Ý thứ 2 là vẫn thi. Tuy nhiên, theo ông Phúc, việc tổ chức thi giao cho địa phương như vừa qua nảy sinh rất nhiều phức tạp.
“Quan điểm của tôi là vấn đề này liên quan nhiều đối tượng, do đó cần thận trọng xin ý kiến cử tri, chuyên gia, có thêm thời gian để ra quyết sách làm sao cho trúng”, ông Phúc nêu và cho rằng, nên lùi thời gian thông qua dự luật tại kỳ họp thứ 7, thay vì kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới như dự kiến, để có thêm thời gian nghiên cứu.
Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải Ảnh Quang Khánh
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với phương án “có học thì phải có thi”, nếu không thì rất khó đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc cũng cho rằng, cần có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, vì đây là vấn đề liên quan tới toàn dân, tác động rất rộng lớn.
“Luật này nên lấy ý kiến rộng rãi để khi quyết định sẽ khoa học và rộng hơn, và nhân dân sẽ đánh giá cao quyết sách của Quốc hội”, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nêu quan điểm.
Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, hiện nay có ý kiến cho rằng, nếu thi thì 98% tốt nghiệp, chỉ 2% trượt, tổ chức một kỳ thi như vậy thì quá tốn kém, lãng phí.
Tuy nhiên, ý kiến ngược lại thì cho rằng, nếu không thi thì việc dạy và học sẽ ra sao. "Bộ GD-ĐT có dám khẳng định không thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng như thi hay không? Công tác thanh kiểm tra, quản lý chất lượng như thế nào?", bà Hải nêu vấn đề.  
Theo bà Hải, nguyên tắc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay hoàn toàn đúng nhưng khi triển khai lại giao cho các địa phương nên nảy sinh nhiều bất cập.
Mặc dù ủng hộ quan điểm thứ nhất, giữ kỳ thi THPT quốc gia, nhưng bà Hải vẫn băn khoăn cho rằng, còn có phương án thứ 3 là vẫn tổ chức 2 kỳ thi, nghĩa là vẫn có kỳ thi tốt nghiệp THPT riêng và kỳ thi tuyển sinh đại học riêng.
"Giáo dục thay đổi thường xuyên không phải là điều tốt"
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trước đây thi 2 kỳ thi cả tốt nghiệp THPT và thi đại học nhưng những người được đào tạo ra vẫn rất tốt, trong khi lúc đó đất nước kinh tế chưa phát triển, trình độ năng lực quản lý, điều kiện đầu tư phương tiện cho giáo dục còn nhiều hạn chế, chứ chưa được bây giờ. Thế nhưng hiện nay, hết năm này sang năm khác thay đổi liên tục, khiến học sinh, phụ huynh rất vất vả.
Từ đó, ông Lưu đề nghị, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục tổng kết, đánh giá, tham khảo ý kiến các nước, lấy ý kiến để chọn ra phương án cho ổn định. “Giáo dục thay đổi thường xuyên không phải là điều tốt”, ông Lưu bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình với đề nghị vẫn đưa dự luật sửa đổi này ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 6, giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân rộng rãi để tiếp tục hoàn thiện dự thảo và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Theo bà Ngân, sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi cử, không thể không lấy ý kiến rộng rãi được vì điều này liên quan tới từng nhà.
Chia sẻ ý kiến của ông Uông Chu Lưu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, giáo dục nên có tính ổn định vì năm nào cũng thay đổi thi cử, tuyển sinh khiến phụ huynh, học sinh rất lo lắng. 
"Sách vở ngày xưa tôi học, mấy người em sau tôi vẫn tiếp tục học, giờ sách vở quá trời luôn, mỗi năm mỗi khác, tốn tiền nhân dân lắm!”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.