Có nên xử lý người đưa hối lộ? - Tố cáo trước thì không xử lý

30/07/2013 11:00 GMT+7

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu trong tương lai không bỏ quy định xử lý người đưa hối lộ thì không dẹp được nạn tham nhũng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia cho rằng nếu trong tương lai không bỏ quy định xử lý người đưa hối lộ thì không dẹp được nạn tham nhũng. 

>> Có nên xử lý người đưa hối lộ?

Ngày 23.5 vừa qua, Viện KSND tối cao đã truy tố ông Nguyễn Minh Toàn (nguyên Thẩm phán TAND H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai), về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cuối năm 2011, Công ty TNHH N (đóng tại H.Vĩnh Cửu) khởi kiện quyết định hành chính của UBND thị trấn Vĩnh An và được ông Toàn thụ lý. Quá trình giải quyết, ông Toàn “xin” đương sự một chiếc máy ảnh (trị giá khoảng 20 triệu đồng) thì mới đưa vụ án ra xét xử. Nhưng sau đó, Hội đồng xét xử do ông Toàn làm chủ tọa tuyên bác đơn kiện nên công ty N đã tố giác. Và trong vụ án này, Viện KSND tối cao đã không truy cứu trách nhiệm hình sự người đưa hối lộ.

 Có nên xử lý người đưa hối lộ? - Tố cáo trước thì không xử lý

Mới đây, TAND TP.HCM đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 bị cáo nguyên là cán bộ thuế Q.1 (TP.HCM) mức án từ 2 - 4 năm tù về hành vi nhận hối lộ của một công ty. Phó giám đốc công ty này tuy có hành vi đưa hối lộ 48 triệu đồng nhưng cũng không bị xử lý. Một thành viên trong Hội đồng xét xử sau đó đã giải thích với Thanh Niên: Vì người đưa hối lộ trong trường hợp này rơi vào thế bị động trước sự đòi hỏi của cán bộ nhà nước. Sau đó, chính họ chủ động tố cáo trước khi bị phát giác nên không truy cứu là phù hợp với quy định của pháp luật.  

Do tham nhũng mới "đưa hối lộ"

Một cán bộ công tác trong cơ quan phòng chống tham nhũng đánh giá, “cái gốc” của tội tham nhũng là từ người nhận hối lộ. Bởi lẽ người nhận hối lộ là người có thẩm quyền quyết định làm hoặc không làm một việc và người này luôn ở vào thế chủ động, thế của “người trên”. Người này có toàn quyền quyết định nhận hoặc không nhận tiền hối lộ. Trong khi đó, phần lớn người đưa hối lộ ở vào thế “kẻ dưới”, chẳng hạn do “cơ chế” không đưa tiền thì không thể giải quyết công việc trôi chảy hoặc bị cán bộ vòi vĩnh.

 

Người đưa hối lộ rồi sau đó tố giác thì nên xem xét đó là công, chứ không phải tội. Lý do là bất cứ cán bộ, công chức dù ở cương vị nào cũng không được phép nhận hối hộ mà phải làm việc công tâm, hết sức tạo thuận lợi cho người dân

Ông Trương Lâm Danh,
Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM

“Tại sao lại xử lý người đưa hối lộ khi họ chủ động tố cáo, trong khi hành vi này được xã hội hoan nghênh và nhằm triệt tiêu bệnh tham nhũng. Bên cạnh đó, quan điểm của bộ luật Hình sự là trừng trị những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà kết luận hành vi đưa hối lộ là nguy hiểm để xử lý là chưa xem xét hết các khía cạnh của vấn đề”, vị này nói.

Đồng quan điểm này, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho rằng do nạn tham nhũng trong các cơ quan công quyền nên mới dẫn đến chuyện hối lộ. Nếu tất cả cán bộ, công chức đều gương mẫu, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định luật pháp, vì lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thì sẽ không có chuyện đưa hối lộ. Xử lý hành vi đưa hối lộ, theo đại biểu Nghĩa, cần phân biệt rõ những người cố tình sử dụng tiền bạc để lũng đoạn cơ quan công quyền, gài bẫy cán bộ, công chức để đạt mục đích riêng và những người yếu thế trong xã hội, bị rơi vào tình thế quẫn bách buộc phải chạy chọt, lót tay để mong không bị sách nhiễu. 

Không dám tố giác vì sợ ở tù

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) e ngại: Việc xử lý người đưa hối lộ sẽ không khuyến khích việc tố giác tội phạm, đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của những cán bộ nhà nước.

 

Tại khoản 6 điều 289 bộ luật Hình sự quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội… Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự…

Tuy nhiên, luật sư Hà Hải cho rằng tuy luật có quy định hai điều khoản miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác nhưng phạm vi áp dụng vẫn còn nhỏ và hẹp. Cũng có trường hợp chủ động tố giác vẫn bị xử lý vì lý do này hay lý do khác.

Đồng tình với luật sư Hải, đại biểu Nghĩa bày tỏ: “Nếu như sự vô cảm, vô đạo đức của cán bộ, công chức có quyền lực gây khó khăn, trở ngại, đe dọa đến lợi ích hợp pháp của người dân, buộc người dân phải bỏ tiền đưa hối lộ để mong được việc thì cần có chính sách khác, đặc biệt hơn. Đó là phải giảm nhẹ đến mức tối đa, thậm chí miễn truy tố những người yếu thế bị bắt chẹt phải đưa hối lộ để khuyến khích người dân tố cáo những người dùng quyền lực để bức bách, đòi hỏi hối lộ”.

Đồng tình với quan điểm không xử lý người yếu thế bị bắt chẹt đưa hối lộ, ông Trương Lâm Danh, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, nói: “Người đưa hối lộ rồi sau đó tố giác thì nên xem xét đó là công, chứ không phải tội. Lý do là bất cứ cán bộ, công chức dù ở cương vị nào cũng không được phép nhận hối hộ mà phải làm việc công tâm, hết sức tạo thuận lợi cho người dân”. Theo ông Danh, chính sách hiện nay đối với người đưa hối lộ có giảm nhẹ một phần nhưng trên thực tế là không ai thực hiện vì tính chất không rõ ràng, cụ thể. Do vậy, dù là nạn nhân nhưng người dân không dám đi tố giác vì sợ bị xử lý hình sự.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, cách xử lý hiện nay còn cào bằng, chưa thích ứng với thực tế. “Về cơ bản trách nhiệm của hành vi đưa và nhận hối lộ là như nhau bởi không thoát được tội hình sự. Thực tế này khiến cho người nhận hối lộ vững tâm”, đại biểu Nghĩa nhìn nhận, và đề xuất: “Khâu điều tra, xét xử, thanh tra, kiểm tra phải sâu sát với những đặc điểm đa dạng của cuộc sống để có biện pháp xử lý tương xứng, phù hợp, chứ nếu cào bằng thì khó mang lại tác dụng, hiệu quả cao trong việc phòng chống tham nhũng”.

Lê Nga - Đình Phú

>> Chậm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế vì... thiếu tiền
>> Kiến nghị Bộ GTVT kiểm điểm phòng chống tham nhũng
>> Giải trình về chống tham nhũng: Khó phát hiện vì người tham nhũng... có chức vụ
>> Tăng áp lực chống tham nhũng
>> Tham nhũng phát hiện thông qua thanh tra, kiểm tra còn ít
>> Nguy cơ từ tham nhũng xuyên quốc gia
>> Tham nhũng vặt và hối lộ có chiều hướng gia tăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.