TNO

Có những niềm riêng...

21/02/2013 11:32 GMT+7

Tôi mê sầu riêng ngay từ những tháng đầu tiên đến Việt Nam và ăn liên tục từ đó cho đến nay. Ăn đủ kiểu: chiên giòn, đông lạnh, hay chỉ đơn giản là xẻ ra ăn ngay. Phải chi sầu riêng đừng quá đắt đỏ, tôi có thể chỉ xử món này mỗi ngày mà không ngán.

Tôi mê sầu riêng ngay từ những tháng đầu tiên đến Việt Nam và ăn liên tục từ đó cho đến nay. Ăn đủ kiểu: chiên giòn, đông lạnh, hay chỉ đơn giản là xẻ ra ăn ngay. Phải chi sầu riêng đừng quá đắt đỏ, tôi có thể chỉ xử món này mỗi ngày mà không ngán.

 Có những niềm riêng...
Những cây sầu riêng và măng cụt lần đầu được thương lái Hokkien chở qua sông Bassac
cập bến Việt Nam dưới triều Tây Sơn - Ảnh: Calvin Godfrey

Đối với tôi, sầu riêng là thứ trái cây ngọt ngào nhất luôn mang lại những thời khắc thoải mái và vui vẻ cho người thưởng thức. Thế nhưng, theo truyền thuyết, cái tên sầu riêng lại có xuất xứ từ chính nỗi buồn của một người đàn ông. Câu chuyện bắt đầu từ cuộc đào thoát sang Campuchia của một võ sư Đồng Nai nhằm chạy trốn án tử vì vai trò của ông này dưới triều đại Tây Sơn. Khi ở Campuchia, võ sư này kết hôn cùng một phụ nữ trẻ đẹp và an cư ở một ngôi nhà nhỏ dưới cây sầu riêng tại thôn quê. Chẳng may người vợ trẻ bỗng nhiên phát bệnh và qua đời, vị võ sư (truyền thuyết chưa kịp nhớ tên) lầm lũi trở lại Đồng Nai với một túi đựng đầy hạt sầu riêng. Vào ngày giỗ lần thứ 10 của vợ mình, vị võ sư gửi biếu láng giềng những hương vị đầu tiên của trái sầu riêng, thuyết phục họ thử nó và không quên kèm theo lời hứa về một mùi vị “thật nồng nàn như chính tình yêu của hai người trẻ”.

Và từ đó, cái tên “sầu riêng” ra đời

Theo Tiến sĩ (TS) Tana Li (Đại học Quốc gia Úc - ANU), truyền thuyết trên thực ra không xa với sự thực là bao. Những cây sầu riêng và măng cụt lần đầu được thương lái Hokkien chở qua sông Bassac cập bến Việt Nam dưới triều Tây Sơn. Trong suốt hai thế kỷ qua, những hạt giống sầu riêng và măng cụt cứ lan xa, biến thể, tạo ra một thế giới mùi vị cho riêng mình và không tồn tại bên ngoài Việt Nam.

TS Nguyễn Minh Châu (Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam) nói: Ở phía đông Sài Gòn, người ta vẫn còn trồng hạt giống sầu riêng và mỗi loại cây là một loại giống khác nhau. Chúng tôi có đến hàng triệu giống sầu riêng. Điều này có nghĩa, hàng tấn hương vị khác nhau của sầu riêng đang tồn tại - ngọt ngào có, và đắng cũng có. Không cách gì biết được hết, ngoài việc ăn từng loại.

Mùa hè rồi, Lindsay Gasik, giáo viên dạy yoga người Mỹ và cũng là tín đồ của sầu riêng, đi du lịch cùng chồng khắp Đông Nam Á. Khi đến Việt Nam, Gasik rất mê sầu riêng khổ qua xanh - loại giống chát và xanh đậm, giá khoảng 15.000 đồng/kg. Gasik viết trên blog cá nhân của mình (yearofthedurian.com):  “Hầu như ai cũng nói loại này không ngon. Nhưng đối với tôi, nó mới là món khoái khẩu ở Việt Nam”.

Một buổi chiều, TS Châu đón tiếp tôi tại trụ sở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tại quốc lộ 1 ở Tiền Giang. Đã nói chuyện qua điện thoại vài lần, nay tôi mới có dịp diện kiến TS Châu, người mà theo tôi cũng hao hao có nét giống... sầu riêng: bụng căng tròn và phong thái nói chuyện bộc trực. Lớn lên tại Sài Gòn, TS Châu ngay từ nhỏ cũng đã thích loại sầu riêng mạnh không có tên.  Người ta chỉ gọi nó là “dĩ nhiên rồi”, TS Châu nói. Kể từ khi Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam thành lập vào năm 1994, TS Châu đã xông xáo vận động Chính phủ cho phép trồng sầu riêng trên diện rộng hơn. Theo ông, trồng loại trái này rất có lời (một héc ta có thể mang lại lợi nhuận gieo trồng khoảng 5.000 USD). Và “dĩ nhiên rồi”, sầu riêng rất ngon.

Tuy vậy, vì lý do nào đó, Việt Nam vẫn chú trọng vào lúa gạo và thanh long. TS Châu nói: “Dù sao, đó cũng là chính sách”. Cùng lúc này, TS Châu đang nhắm tới thay thế hàng triệu hạt giống sầu riêng “mưa nắng thất thường” bằng việc chỉ tập trung vào một nhóm giống danh tiếng và dễ tiêu thụ. Cứ vào tháng 6 hằng năm, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam lại chủ xị các cuộc thi trong khu vực nhằm tìm ra trái sầu riêng khoái khẩu nhất và quảng bá loại này cho các nông dân khác cùng trồng. Đã có một số kết quả khích lệ: Năm 1996, một nông dân Bến Tre đoạt huy chương vàng cho sầu riêng Chín Hòa (loại cơm vàng sữa hạt lép); một nông dân khác Vĩnh Long đoạt giải nhất năm 1999 cho loại Ri 6. Người này đột ngột qua đời ngay ngày hôm sau. TS Châu cho biết: “Bây giờ con trai của người nông dân đó giàu lắm”. Loại giống mới nhất xuất hiện từ năm 2010 do một nông dân Tây Ninh tự ghép, nhưng “nó chưa phổ biến”, TS Châu nói.

Khi tôi hỏi về sầu riêng khổ qua xanh, TS “sầu riêng” nhăn mũi: “Dở ẹc”. Thấy tôi khăng khăng muốn ăn thử, ông Châu mới ra lệnh cho một người làm vườn ngừng ngay việc của mình để đưa tôi tới cù lao Ngũ Hiệp gần đó, nơi bắt nguồn xuất xứ của loại sầu riêng này. Cù lao Ngũ Hiệp nằm trên vùng đất phù sa và là nơi đầu tiên sầu riêng khổ qua xanh được chở đến, cách đây hàng trăm năm. Ngày nay, chuyến phà đến cù lao này luôn chật nhung nhúc những người đàn bà ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy chở đầy sầu riêng - nhưng không hề có loại khổ qua xanh.

Có những niềm riêng...
Cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiềm Giang) là nơi bắt nguồn xuất xứ của loại
sầu riêng khổ qua xanh này - Calvin Godfrey

Đến cù lao và sau một hồi đi gõ cửa từng nhà, tôi và người hướng dẫn mới ngộ ra: Mùa trồng sầu riêng khổ qua xanh đã hết và có thể sẽ trở thành “mùa sầu riêng không trở lại”. Thì ra, hầu hết người dân trên cù lao này đã chặt các cây khổ qua xanh và giảm lượng cây trồng xuống chỉ còn 10% vụ mùa. Thay vào đó, họ ghép cành giâm từ các hạt giống đoạt giải từ các cuộc thi lên gốc cây sau khi đốn hạ với hy vọng tăng gấp đôi thu nhập. Một số phải chờ mất bốn năm để thu hoạch những trái đầu tiên. Nhiều người khác bỏ đi làm công nhân nhà máy cho đến khi có thể thu hoạch trở lại - có lẽ là sẽ mất hai năm nữa tính từ bây giờ.

Đường thiên lý

Trước khi một trong những trái sầu riêng độc đáo nhất của Việt Nam hoàn toàn thành quá vãng, tôi muốn nếm thử. Ông Mai Văn Trị, Viện phó Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, gợi ý tôi thử đi lên vùng trung du, nơi mà thời tiết mát mẻ, khô ráo có thể giúp cây sầu riêng sống lâu hơn và mùa khổ qua xanh có thể kéo dài đến tận tháng 10.

Vậy là tôi phóng lên xe máy theo quốc lộ 20 xuôi theo hướng bắc lên Bảo Lộc, một thị trấn ngái ngủ mà ông Trị nói cây sầu riêng có thể sống từ 50 đến 60 năm. Trên đường đi, tôi chỉ ăn sầu riêng và uống cà phê qua bữa. Có ngày, tôi ăn từ ba đến bốn trái sầu riêng. Khi nào ăn hết nổi, tôi đành buộc mấy trái sầu riêng đằng sau yên xe mà cũng chưa biết là mình sẽ làm gì với chúng. Ở Bảo Lộc, rất ít người thích ăn sầu riêng và người chủ nhà khách tôi ở, dù thân thiện đến mấy, cũng từ chối cho tôi đem mớ sầu riêng đó vào phòng. “Hôi lắm”, ông nói.

Những ngày ở Bảo Lộc, tôi phải vượt cầu treo, lội bùn và nài nỉ người dân ở đó dẫn tôi đến vườn cây ăn trái của họ. Nhưng chủ trại ở đây thậm chí còn đáng thất vọng hơn. Hầu hết đều nói với tôi là hết mùa sầu riêng khổ qua xanh rồi - chuyện hơi khó tin khi nhìn lên cây, ai cũng thấy những nhánh cây trĩu nặng với trái đang đơm hoa.

Một lần, sau khi tắm mưa và lội bùn đã đời, tôi thất thểu và bực dọc tìm chỗ làm khô quần áo, dừng chân ở một cửa hàng bách hóa nhỏ ở rìa thị trấn. Cặp vợ chồng già ở đó cho hay họ đến sống ở con lán với hai phòng ngủ này sau khi cả sáu người con của mình đều mất trong chiến tranh. Họ trồng một ngôi vườn nhỏ sau nhà với một cây sầu riêng duy nhất. Khi tôi tâm sự với đôi vợ chồng về “sứ mạng” của mình, người vợ đi ra sau vườn và trở lại với trái sầu riêng tròn, xanh xám mà tôi vô cùng cảm kích được mang về nhà.

Phải cần đến hai người phụ nữ và con dao mổ thịt mới có thể tách được trái sầu riêng này. Và mùi vị của từng múi? Tôi không thể nào diễn tả được. Một sự kết hợp của vị ngọt kem và sự bùng nổ của những mùi vị quen thuộc - dứa, bột làm bánh Giáng sinh, trái óc chó, và còn cái gì đó nữa...

Calvin Godfrey

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.