Cô Nụ vui với nụ cười học trò

11/11/2022 09:00 GMT+7

“Tôi chèo thuyền đưa học sinh qua sông tới trường như một bản năng của bất kỳ cô giáo nào thôi, vì cô giáo như mẹ hiền mà”, đó là chia sẻ của cô giáo Quách Thị Nụ, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, Hòa Bình , người đã hơn 17 năm chèo thuyền qua sông Đà đưa học sinh tới trường an toàn.

Bán bò để lo... mua thuyền

Nếu như người ta ví người giáo viên là người lái đò chở học sinh đến bến bờ tri thức, thì đối với cô giáo Quách Thị Nụ, sự ví von đó đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cô Nụ đã hơn 17 năm lái thuyền đưa học sinh đến trường

tgcc

Cô giáo Quách Thị Nụ (sinh năm 1987, người dân tộc Mường) sinh ra và lớn lên tại quê hương Đồng Ruộng nhưng mảnh đất này chẳng êm đềm như chính cái tên của nó. Xã Đồng Ruộng là xã thuộc vùng lòng hồ Hòa Bình, địa hình chia cắt và thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc. Người dân ở đây di chuyển chủ yếu bằng thuyền, đò nên việc đi lại rất khó khăn. Đó cũng là trở ngại lớn nhất khiến tỷ lệ học sinh chuyên cần không cao.

Đáng nói, trường Mầm non Đồng Ruộng có tới 4 điểm trường, gồm điểm chính và 3 điểm lẻ ở các bản Hay, bản Hồm và bản Nhạp. Trong đó, chỉ trường bản Nhạp là khó khăn hơn cả do mới thành lập. Trường được dựng tạm trên nền đất san nên yếu, sỏi đá còn gồ ghề, cơ sở vật chất dạy học còn thô sơ. Đặc biệt, xóm Nhạp nằm trong dòng suối khá ngoằn ngoèo và nguy hiểm vào mùa mưa lũ, việc đi lại ngày mưa là một thử thách rất lớn. Ngoài ra, các em nhỏ phải di chuyển 2 chặng mới đến được trường. Các em đi bộ ra bến sông khoảng 3km, rồi di chuyển trên sông bằng thuyền khoảng 3km.

Thấu hiểu điều đó, cô giáo viên trẻ Quách Thị Nụ ngay trong buổi đầu tiên về nhận lớp tại Trường Mần non Đồng Ruộng năm 2005, cô đã đề xuất với Ban giám hiệu và các gia đình sẽ tình nguyện đưa đón các con (cả mầm non và tiểu học) đến trường bằng thuyền và đảm bảo an toàn.

Ban đầu, cô lấy tre ghép thành bè, trộn xi-măng trát lên trên làm thuyền và tự chèo tay. Chiếc thuyền tự chế bồng bềnh nhưng với tay chèo cứng cáp của cô Nụ, thuyền vẫn có thể chở được khoảng 5 – 7 học sinh.

Vậy là từ đó, cứ 5 giờ 30 hàng ngày, cô Nụ lại xuống thuyền đi làm hai công việc: chèo thuyền và dạy học. Tại bến sông, học sinh tập trung rất đúng giờ, cho dù các em thường phải dậy từ 4 giờ sáng. Các em đeo cặp, xách cặp lồng cơm, khuôn mặt hớn hở đợi cô giáo đến. Cô Nụ hướng dẫn các em mặc áo phao an toàn, ngồi ổn định chỗ mới bắt đầu cho thuyền đi.

Chiều đến, khi tan lớp cô Nụ lại đưa các em về nhà bằng thuyền. Xong xuôi, cất thuyền cô mới trở về nhà, thường thì lúc đó cũng đã chập choạng tối.

Ổn định công việc được 2 năm thì cô giáo Nụ lập gia đình. Nhiều phụ huynh đã nghĩ rằng, cô giáo có gia đình sẽ bận rộn hơn và không còn thời gian để đưa con em đến trường như trước. Thế nhưng, cô Nụ đã làm các bậc phụ huynh ngỡ ngàng. Cô tiếp tục chèo thuyền và nung nấu ý định mua thuyền lớn, có gắn động cơ để đưa các em tới trường nhanh hơn.

Năm 2011, cô Nụ “táo bạo” bàn với chồng rằng, “chúng mình bán hai con bò đi để nâng cấp thuyền chở học sinh nhé”. Chính cô Nụ cũng không ngờ rằng, chồng cô đã ủng hộ nhiệt tình và đồng ý “đầu tư” đôi bò và “dự án” không lời không lãi này.

Bán bò được 15 triệu đồng, cô bù thêm một triệu để mua thuyền gắn động cơ. Số lượng thuyền chở được học sinh tăng lên, ban đầu là 5 – 7 học sinh, lúc đó đã chở được 15 – 17 học sinh. Rồi, cô lại đổi thuyền lấy thuyền to hơn của bố mẹ đẻ để cho các em ngồi thoải mái.

Những “hành khách” thân quen của cô Nụ mỗi ngày

tgcc

Chồng cô Nụ, anh Đinh Văn Đồng chia sẻ: “Vợ tôi chèo thuyền đưa học sinh đi học từ trước khi lấy tôi nên tôi tôn trọng công việc của vợ. Từ lúc kết hôn, tuy có bận thêm việc gia đình nhưng cô ấy vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để vừa lo toan việc nhà, vừa làm tốt công việc ở trường. Tôi luôn ủng hộ vợ, nhiều khi thấy cô ấy “quá tải”, tôi bèn giúp đỡ vợ việc nhà, chăm con cái để cô ấy duy trì những chuyến đò đều đặn hàng ngày”.

“Tôi thương bọn trẻ như con mình”

Hơn 17 năm chèo thuyền trên con sông dữ dội bậc nhất cả nước, cô giáo Nụ và các em nhỏ cũng đã từng trải qua những chuyến đò “dông bão”. Cô Nụ tâm sự: “Ngày trời nắng ráo thì chỉ đi mất 30 phút là tới trường. Còn những ngày mưa hay sương mù thì lâu hơn nhiều, vì tôi sẽ đi chậm hơn để đảm bảo an toàn”.

Không chỉ trong ký ức của cô Nụ mà còn của những người dân ở Đồng Ruộng chẳng thể nào quên trận lũ năm 2017. Mưa lũ vô tình ập xuống cuốn trôi điểm trường bản Nhạp. Sau một đêm, 17 cháu nhỏ không còn trường học. Không những thế, toàn bộ lồng cá của người dân trên sông bị cuốn trôi, mất trắng. Sinh kế duy nhất của hàng trăm hộ dân bỗng nhiên bốc hơi, trong đó gia đình cô Nụ cũng mất mát đáng kể.

Sau đó, chính quyền tỉnh đã dựng tạm điểm trường bằng lán trại để không làm đứt mạch học của các cháu. Nơi học xa hơn và thiếu thốn cơ sở vật chất, nhiều phụ huynh không thể đưa đón con hằng ngày, nguy cơ các em nghỉ học giữa chừng đã cao, lại còn cao hơn.

Cô Nụ đã động viên phụ huynh và các em học sinh hãy cố gắng trong một thời gian, trước khi được chuyển về điểm trường chính. Cô Nụ kể: “Tôi thương học sinh như con mình. Nghĩ cảnh các em vì con đường đến đường xa xôi, trắc trở mà phải nghỉ học, lòng tôi đau như cắt. Đợt dịch Covid-19, tôi tiếp xúc với F0 và phải cách ly y tế một tuần, không ai đưa đò, các em đành nghỉ học ở nhà, tôi rất thương, chỉ biết nhờ thầy cô chia sẻ bài vở để các em không bị lỡ bài nào. Các em được đi học đầy đủ thì tương lai sẽ tốt hơn và đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Tôi hạnh phúc vì được làm công việc này. Sau này, kể cả khi đã về hưu mà tôi còn sức khỏe tôi vẫn sẽ lái thuyền đưa các em đến trường”.

Chị Bùi Thị Nguyệt, phụ huynh của cháu Nguyễn Phi Nhung chia sẻ: “Có cô Nụ đưa các em đi học hằng ngày chúng tôi rất yên tâm, thậm chí tiền xăng cô cũng tự bỏ mà không bao giờ bảo phụ huynh đóng góp. Ở đây điều kiện đi lại khó khăn và mất nhiều thời gian, sức khỏe, không phải gia đình nào cũng có thể đưa con đi học đến trường hàng ngày được. Việc làm ý nghĩa của cô Nụ bao nhiêu năm nay người dân ở đây đều biết, chúng tôi mong cô giáo Nụ có nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ, yêu thương và đưa con em trong xã đến trường mỗi ngày”.

Với hành động đẹp và tình cảm dành cho các em học sinh suốt 17 năm qua, cô giáo Quách Thị Nụ đã nhận được nhiều bằng khen như: bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở....

Nói về người đồng nghiệp tâm huyết, cô Lường Thị Tươi – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Ruộng bày tỏ sự cảm động: “17 năm tình nguyện chèo thuyền đưa học sinh đến trường là 17 năm Nhà trường và phụ huynh học sinh đặt niềm tin vào cô Nụ. Dẫu có khó khăn, vất vả nhưng cô giáo Nụ chưa bao giờ ca thán hay mong muốn được ghi nhận, biểu dương. Bởi việc làm của cô giáo Nụ xuất phát từ tấm lòng yêu mến học trò, mong muốn các em được đến trường, được học hành đầy đủ. Ngoài ra, cô giáo Nụ còn là người có chuyên môn vững vàng, có năng lực quản lý giỏi. 26 tuổi, cô giáo Nụ được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng và đạt danh hiệu Phó Hiệu trưởng giỏi cấp huyện, cô được đồng nghiệp và học trò rất yêu mến, ngưỡng mộ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.