Cổ phiếu nào ngược dòng dù tình hình tại Ukraine 'căng như dây đàn'?

24/02/2022 16:30 GMT+7

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.2 vào chiều nay, chứng khoán Việt Nam không thoát khỏi xu hướng giảm chung của toàn thế giới trước tình hình căng thẳng tại Ukraine . Tuy nhiên, vẫn có một số cổ phiếu “lội ngược dòng” thể hiện được sức mạnh riêng khá ấn tượng.

Ngay sau quyết định đưa quân vào Ukraine của Tổng thống Nga Putin và xuất hiện những tiếng đạn pháo tại một số thành phố, chứng khoán toàn cầu lập tức lao dốc.

Chỉ số tương lai Dow Jones của Mỹ có mức sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng qua, có thời điểm mất hơn 2%. Các chỉ số tương lai khác như: DAX của Đức mất hơn 3%, FTSE của Anh giảm 2%, CAC 40 của Pháp giảm 2,84%. Tại châu Á, Nikkei 225 của Nhật giảm 1,81%, Hang Seng giảm 3,81%...

Nhà đầu tư lo ngại bởi tình hình tại Ukraine
ngọc thắng

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận một phiên giảm điểm mạnh, đóng cửa chỉ số Vn-Index mất 1,15%, đứng ở mức hơn 1.494 điểm. Phiên sáng chỉ số có thời điểm tăng giá lên mức 1.513 điểm, tuy nhiên khi Nga đưa quân vào Ukraina, đã lập tức quay đầu giảm. Đặc biệt, đầu phiên chiều chỉ số có lúc lao dốc giảm về mức 1.473 điểm.

Hàng loạt các cổ phiếu trên sàn chìm trong sắc đỏ với 396 mã giảm, 28 mã tham chiếu và 75 mã tăng. Trong rổ VN30 có 5 mã vẫn giữ được sắc xanh gồm: BVH, MSN, GAS, PLX. Cổ phiếu dầu khí hôm nay tiếp tục có phiên tăng ấn tượng khi giá dầu quốc tế vượt mốc 100 USD. Một loạt cổ phiếu như PVS, PVD, PVT, PSH tăng trần hoặc sát trần.

Cặp đôi cổ phiếu của Đất Xanh gồm DXG và DXS hôm nay cũng có phiên đảo chiều ấn tượng, từ đỏ đã đổi màu xanh, tím. DXS tăng hơn 5%, DXG thậm chí tăng trần.

Ngược lại, các cổ phiếu Smallcap (nhỏ) và Midcap (trung bình) giảm la liệt, đặc biệt cổ phiếu đầu cơ và bất động sản giảm sàn khá nhiều như: DLG, TTB, C47. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai phiên hôm nay cũng giảm kịch sàn, sau những rắc rối liên quan đến thông tin hủy niêm yết do hồi tố 3 năm liên tiếp bị lỗ trên báo cáo tài chính.

Sắc đỏ bao trùm cả 3 sàn nhưng vẫn có những cổ phiếu khỏe. Trong đó, có thể kể đến là MSN của Tập đoàn Masan hay BVH của Bảo hiểm Bảo Việt. Dòng ngân hàng 24 cổ phiếu giảm giá, 2 mã xanh là EIB và VPB. Trong đó, VPB của VPBank có pha ngược dòng ấn tượng và trở thành mã kéo điểm rất tốt cho thị trường khi tăng giá 2,79%, đóng ở mức 36.900 đồng/cổ phiếu và khối lượng giao dịch cao nhất thị trường với 35,7 triệu cổ phiếu.

Sở dĩ VPB có thể lội ngược dòng tăng giá vì những thông tin khá tích cực. Trong báo cáo mới được công bố, Công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank năm 2022 có thể đạt 20.512 tỉ đồng, tăng trưởng 40,7%. Khả năng sinh lợi của VPBank có thể đến từ 3 yếu tố: tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ giúp gia tăng nhanh chóng lợi nhuận của ngân hàng; chi phí thấp, minh chứng bởi tỷ lệ chi phí trên thu nhập thấp nhất ngành; thu nhập ngoài lãi sẽ góp phần vào tăng trưởng nhờ các hợp đồng bancassurance được đàm phán lại và hệ sinh thái phong phú các công ty con…

Đóng cửa phiên giao dịch 24.2, VN-Index giảm 17,45 điểm (1,15%), xuống 1.494,85 điểm, HNX-Index giảm 7,66 điểm (1,73%) còn 434,88 điểm, UPCoM-Index giảm 1,19 điểm (1,05%) xuống 112,32 điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.