Ngày 16.8, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup tăng hết biên độ ngay trong đợt giao dịch buổi sáng. Đà tăng của VIC vẫn giữ được đến hết phiên đưa mã này lên 75.600 đồng/cổ phiếu với hơn 19,4 triệu đơn vị được giao dịch. Thanh khoản của VIC tăng 32% so với hôm qua và tăng đến 50% so với trung bình giao dịch của 10 phiên gần nhất.
Cổ phiếu VIC "tím lịm" đưa vốn hóa thị trường của Vingroup đạt tới 288.330 tỉ đồng, tương đương khoảng 12 tỉ USD, tăng gần 4 tỉ USD sau gần 1 tháng. Thanh khoản của VIC cũng góp phần đáng kể vào tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE phiên này với gần 21.000 tỉ đồng. Như vậy, từ cuối tháng 7 tới nay, VIC có tới 4 phiên đóng cửa tại mức giá trần, đưa giá cổ phiếu này tăng 48% chỉ sau chưa đầy một tháng.
Sự thăng hoa của VIC được cho là có sự tác động từ sự kiện cổ phiếu của hãng xe điện VinFast chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên sàn Nasdaq trong phiên 15.8 (đóng cửa rạng sáng 16.8 giờ Việt Nam). Cổ phiếu VFS của VinFast đã chốt phiên đầu tiên ở mức 37,06 USD/cổ phiếu, tương ứng tăng 68,4% so với mức giá mở cửa.
Không chỉ riêng VIC, thông tin từ VinFast cũng hỗ trợ giá cổ phiếu VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail lần lượt tăng thêm 1,94% và 0,64%.
Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup đã tác động tích cực đến chỉ số VN-Index trong khi số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn chứng khoán phiên này chiếm áp đảo. Chốt phiên, VN-Index tăng 9,21 điểm lên 1.243,26 điểm nhưng có đến 243 mã giảm giá và 217 mã tăng giá. Riêng chỉ số VN30-Index nhờ có VIC tăng trần nên chốt phiên tăng mạnh 15,71 điểm lên 1.256,95 điểm.
Tương tự, chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội cộng thêm 1,11 điểm lên 252,56 điểm nhưng có đến 109 cổ phiếu giảm giá và 79 mã tăng giá.
Tín hiệu nào từ ngày đầu VinFast lên sàn Mỹ?
Theo sau VIC, nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 như ngân hàng bật lên cao có thể kể đến là ACB, HDB, BID, STB, TCB, VIB... cũng như nhiều cổ phiếu bất động sản xanh mướt như PDR, NLG, TDH, ITC, DXG, DIG...
Bình luận (0)