Cơ quan chức năng lúng túng

01/05/2010 00:47 GMT+7

Trong khi người dân hoang mang, lo lắng trước tình trạng con em bị rủ rê qua Campuchia thế thân đánh bạc, thì cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn và xử lý đám “cò” mồi.

Ngoài những gia đình phải mang tiền sang Campuchia để chuộc con, rất nhiều phụ huynh trên địa bàn Bến Cát (Bình Dương) tỏ ra rất lo lắng cho con em của mình.

Bà Nguyễn Thị Thanh (xã Hòa Lợi) bày tỏ: “Với nạn cò mồi dày đặc ở nông thôn hiện nay, thì người làm mẹ như tôi hết sức lo lắng vì sợ con mình cũng bị rủ rê. Vì ở gần nhà tôi, nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ rồi. Mong sao chính quyền có biện pháp mạnh tay, dẹp bỏ được tệ nạn này”.

“Đó là hành vi vượt biên trái phép, nhưng nói thiệt chưa xử lý được trường hợp nào” - Ông Lê Thanh Bình, Phó công an xã Chánh Phú Hòa (H.Bến Cát)

Ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bến Cát nói: “Trong một số cuộc họp bên Huyện ủy, công an có báo cáo hiện tượng nạn cò mồi liên kết với các sòng bạc ở Campuchia để dụ dỗ thanh thiếu niên sang đánh bạc. Trong đó có vài trường hợp ở An Điền (xã An Điền - PV) phải bán đất chuộc con về. Riêng ở Lai Uyên đã có một số học sinh cũng bị dụ đi Campuchia đánh bạc. Trong các cuộc họp giao ban, tôi luôn nhắc nhở các hiệu trưởng cần phải cảnh giác trước nạn dịch này”...

“Họ chơi bên Campuchia, mình làm sao xử lý được”

Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa có một giải pháp nào để ngăn chặn tệ nạn này. Theo ông Lê Thanh Bình, Phó công an xã Chánh Phú Hòa (H.Bến Cát), nạn vượt biên qua Campuchia đánh bạc xuất hiện từ năm 2008 và bắt đầu “nở rộ” cuối năm 2009 kéo dài cho đến nay. Tuy nhiên, đề cập đến giải pháp, ông Bình nói: “Đó là hành vi vượt biên trái phép, nhưng nói thiệt chưa xử lý được trường hợp nào”.

Liên quan đến những tình huống pháp lý này, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại vụ Ngô Tiến Dũng (tức Dũng kiều) bị TAND Hà Nội tuyên phạt 10 năm về tội “tổ chức đánh bạc” và “đánh bạc” vào năm 2008. Theo cáo trạng, tháng 10.2004 đến tháng 3.2005, Dũng “kiều” từ Canada nhập cảnh vào Việt Nam (hơn 30 lần) để tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet với hai công ty ở Hồng Kông và Campuchia với số tiền 10,3 triệu USD. Tại phiên tòa, LS bào chữa cho bị cáo Dũng cho rằng: Dũng là người nước ngoài (quốc tịch Canada), cá độ bóng đá ở nước ngoài nên không bị coi là phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định: đến nay, Dũng vẫn chưa thôi quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, với tư cách một công dân Việt Nam, dù có tổ chức đánh bạc ở nước ngoài, vẫn bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Công an H.Bến Cát thống kê được 111 đối tượng sang Campuchia đánh bạc, rất nhiều trường hợp phải thế thân, buộc gia đình phải mang tiền sang chuộc. Tuy nhiên, một cán bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho rằng: “Đây mới số liệu ban đầu”.

Khi chúng tôi đề cập đến nạn “cò” tung hoành ở các địa phương để rủ rê, đưa người sang Campuchia đánh bạc, cán bộ này nói: “Chúng tôi biết hết chứ, đã lập danh sách điều tra, nhưng nói thiệt không biết xử lý bằng cách nào. Tội đánh bạc thì họ chơi bên Campuchia, mình làm sao xử lý được. Còn hành vi vượt biên trái phép và vận chuyển tiền tệ qua biên giới, thì chỉ mới thể hiện qua lời khai, mình đâu có bắt quả tang nên chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự. Chúng tôi chỉ kêu gọi các đối tượng đánh bạc về lên giáo dục, răn đe, lấy lời khai, bắt viết cam kết không tái phạm. Nói chung mình chỉ làm công tác là giáo dục là chính”.

Trên thực tế, có rất nhiều đối tượng đánh bạc về bị triệu tập lên công an xã và đã viết cam kết không tái phạm, nhưng sau đó vẫn bị dụ “xuất ngoại” thế thân cho casino. Xem ra, giải pháp “răn đe, giáo dục” mà cơ quan chức năng không có tác dụng.

Xử hình sự được không?

“Cò” lôi kéo đưa người vượt biên trái phép qua biên giới - Ảnh: H.Tuấn

Theo nhiều luật sư (LS), hành vi của công dân VN qua nước ngoài đánh bạc thì phải xem xét pháp luật quốc gia đó có quy định không để xử lý. Pháp luật Campuchia không cấm đánh bạc thì không thể xử lý người Việt Nam về hành vi đánh bạc được. Riêng hành vi đưa người qua lại biên giới trái phép là vi phạm Nghị định 32/2005/NĐ-CP ngày 14.3.2005 về quy chế cửa khẩu biên giới đất liền của Chính phủ. Theo đó, công dân cư trú trong khu vực biên giới đi về giữa hai nước bằng các con đường qua lại biên giới trái phép, sẽ bị xử phạt hành chính mỗi trường hợp từ 200.000 đến 500.000 đồng. Công dân không cư trú trong khu vực biên giới, qua lại khu vực biên giới không qua cửa khẩu là hành vi xuất nhập cảnh trái phép, sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Trong khi đó, cũng có quan điểm ngược lại. LS Trịnh Thanh (Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu) phân tích, theo quy định tại khoản 1 điều 6 Bộ luật Hình sự hiện hành thì “Công dân Việt Nam phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam theo quy định của bộ luật này”. Như vậy xét về mặt  lý luận, những hành vi có dấu hiệu của tội phạm đánh bạc, được thực hiện bên ngoài lãnh thổ nước ta, cũng đã được nhà làm luật dự liệu trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Đây là quy định mang tính “tùy nghi” và có thể được cơ quan thẩm quyền áp dụng trong từng trường hợp cụ thể sao cho phù hợp.

Thắng bạc cũng đi tù

Đó là hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới mà TAND H.Bến Cầu (Tây Ninh) xét xử 3 bị cáo Phùng Hoàng Bạch (nguyên Đội phó Đội thuế Chi cục Thuế thị xã Thủ Dầu Một) 4 năm tù, Trần Thế Hưng (nguyên Giám đốc Xí nghiệp cấp nước liên hợp dịch vụ đô thị) 2 năm tù và Bùi Gia Hưng (nguyên nhân viên Chi cục Thuế thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) 6 tháng tù (án treo). Theo cáo trạng, khoảng 15 giờ ngày 21.3.2008, Công an H.Bến Cầu kiểm tra xe ô tô BKS 52S-7776 do tài xế Lê Hồng Anh điều khiển trên tỉnh lộ 786 bắt quả tang trong người Bạch 30.250 USD và 20.000 USD giấu trong cốp xe ô tô; Gia Hưng 9.200 USD và 20.000 USD giấu trong cốp xe và Thế Hưng mang 7.050 USD. Các bị cáo khai nhận đã sang casino New World của Campuchia đánh bạc thắng lớn và mang tiền thắng bạc về Việt Nam.

Tuy nhiên, LS Thanh cũng cho rằng, ở góc độ thực tiễn, sẽ rất khó xử lý hình sự những hành vi nói trên, nếu giữa hai quốc gia chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và đặc biệt là khi pháp luật của hai quốc gia có sự xung đột - quốc gia này cho phép đánh bạc quốc gia kia lại cấm.

“Theo tôi, ngoài biện pháp giáo dục công dân, trong những trường hợp cấp thiết cơ quan chức năng cũng cần xem xét đến nguyên tắc “có đi có lại” phối hợp với cơ quan thẩm quyền nước bạn điều tra tình trạng bắt, giam giữ, cưỡng ép đòi tiền chuộc... nhằm bảo vệ công dân nước mình. Đồng thời nhanh chóng ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp hoặc ban hành thêm thông tư (kiểu như ban hành thêm một thông tư như Thông tư liên tịch 09/2006/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC để hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài). Khi có thông tư hướng dẫn để xử lý hành vi người VN đánh bạc, tổ chức đánh bạc ở nước ngoài thì cơ quan chức năng mới có cơ sở để xem xét vai trò của những người giúp sức, xúi giục của bọn cò mồi, hành vi tổ chức đánh bạc của bọn đầu nậu là người VN bên Campuchia...”, LS Thanh nói.

Hoàng Tuấn - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.