Cơ quan chức năng nói gì về vết nứt các đốt hầm Thủ Thiêm?

19/08/2008 09:04 GMT+7

Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước các công trình xây dựng Lê Quang Hùng: Chưa đến mức làm lại các đốt hầm

Chiều 18.8, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí về vấn đề vết nứt các đốt hầm Thủ Thiêm mà Báo Thanh Niên đã phản ảnh.

Ông Hùng cho biết: "Sự cố xảy ra đã lâu và lác đác xuất hiện từ tháng 3.2008,  khi mới xuất hiện nứt thì Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng có ý kiến và chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu cũng có báo cáo kịp thời. Sau đó họ đã đo đạc quan trắc để theo dõi và dần dần xác định ra nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp".

Công trình hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là đường hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á. Hầm dài 1.490m, là hạng mục quan trọng nhất của gói thầu Xây dựng hầm vượt sông Sài Gòn và đường mới Thủ Thiêm (thuộc dự án đại lộ Đông Tây, TP.HCM). Các đốt hầm hiện đang nằm tại bãi đúc ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. (Mai Vọng)

* Xin ông cho biết một số nhận định ban đầu về nguyên nhân các vết nứt tại đốt hầm Thủ Thiêm?

- Hiện nay mới có nhận định của tổ chuyên gia, Hội đồng sẽ có nhận định tiếp theo. Hiện sơ bộ đánh giá thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố như nguyên nhân do nhiệt, do co ngót... Nhiệm vụ của cơ quan chức năng là chỉ ra nguyên nhân chính để có các giải pháp khắc phục phù hợp. Nói chung việc này Hội đồng có biết và kiểm soát được.

* Ông đánh giá ra sao về tác động của vết nứt đối với kết cấu hầm Thủ Thiêm?

- Có thể thấy kết cấu bê tông khi làm ra thì phải đảm bảo các tiêu chí về an toàn chịu lực, tuổi thọ, về công năng khai thác. Trong trường hợp có khuyết tật thì phải được khắc phục xử lý. Đó là nguyên tắc chung. Đối với công trình này cũng vậy, hiện sự cố đang được làm rõ nguyên nhân và tìm biện pháp xử lý.

Ông Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Công an đã có văn bản gửi chủ đầu tư nêu những quan ngại về vết nứt ở đốt hầm Thủ Thiêm và yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình.

 * Ông có thể cho biết hướng khắc phục các vết nứt này?

- Hướng khắc phục các khuyết tật đầu tiên phải do các chủ thể như nhà thầu, tư vấn đề xuất, sau đó chủ đầu tư xem xét, chấp thuận phương án nào, chấp thuận đến đâu, rồi báo cáo lên cơ quan chức năng. Khi đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước thành lập nhóm các chuyên gia để họp và phản biện rồi chọn được giải pháp tốt nhất.

* Việc  sửa chữa, khắc phục vết nứt ảnh hưởng ra sao đến tiến độ (dự kiến lai dắt, đánh chìm các đốt hầm vào giữa tháng 12.2008)?

- Hiện nay các đơn vị vẫn thi công bình thường và các sự cố sẽ vẫn được khắc phục. Về thời gian, chắc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án.

Ông Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Công an đã có văn bản gửi chủ đầu tư nêu những quan ngại về vết nứt ở đốt hầm Thủ Thiêm và yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng công trình.

* Giả sử, trong trường hợp các đốt hầm chìm không đảm bảo chất lượng thì chúng ta có yêu cầu nhà thầu đúc lại các đốt hầm khác?

- Theo tôi, đối với những hư hỏng này, tại thời điểm hiện nay thì chưa đến mức độ phải làm lại. Thực ra chưa ai ra quyết định làm lại cả, có nghĩa là sự cố vẫn trong tầm kiểm soát. Công trình đều do tư vấn và nhà thầu Nhật Bản là những đơn vị có chuyên môn cao thực hiện.

* Khi phát hiện sự cố, thường trực Hội đồng Giám định đã có văn bản gửi chủ đầu tư và nhà thầu yêu cầu báo cáo về những vết nứt, cho rằng các đơn vị này chưa nghiêm túc nêu cao tinh thần trách nhiệm để tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục?

- Thực chất họ nghiêm túc và chủ động báo cáo. Tất nhiên chúng tôi yêu cầu họ phải báo cáo sâu hơn và tôi khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng chức trách của mình.

Tháng 1.2008, Bộ Xây dựng đã yêu cầu
giải trình

Ngày 8.1.2008, khi nhà thầu đang đúc các đốt hầm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên, Phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước  (HĐNTNN ) đã có văn bản số 35 gửi Chủ tịch UBND TP.HCM nêu lên sự lo ngại về độ lún của nền, vật liệu sử dụng cho kết cấu bê tông hầm, liên kết giữa các đốt hầm tại dự án đại lô Đông - Tây.

HĐNTNN yêu cầu chủ đầu tư (UBND TP.HCM) chỉ đạo các đơn vị liên quan giải trình để làm rõ các vấn đề: Về độ lún nền: Tính toán dự báo về độ lún nền khu vực hầm dẫn phía Thủ Thiêm (chú ý tới việc xem xét hoạt tải gây lún) và đề xuất biện pháp bù lún; Trị số độ lún lệch cho phép khu vực bãi đúc Nhơn Trạch theo trình tự thi công các đốt hầm, bao gồm: đúc bản đáy, đúc các thành tường, đúc bản nắp hầm và đúc xong toàn bộ đốt hầm. Lập kế hoạch theo dõi độ lún này.

Về mối nối hầm dìm: biện pháp đảm bảo an toàn gioăng cao su khi xảy ra sự cố cháy. Khả năng thay thế được các gioăng này; Cấu tạo mối nối chống động đất chưa thể hiện rõ các liên kết kháng chấn giữa các đốt hầm. Về vật liệu: sự ảnh hưởng đến yêu cầu về tuổi thọ công trình do sử dụng cốt liệu thô trong bê tông của hầm dìm (thành phần SiO. vô định hình trong đá dăm, đá mi lớn hơn 18%).

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên: "Đây là một công trình lớn, Thủ tướng Chính phủ đã giao HĐNTNN để nghiệm thu công trình này. Bộ trưởng Bộ xây dựng là Chủ tịch Hội đồng, tôi là Phó chủ tịch Hội đồng. Tôi cũng đã vào bãi đúc đốt hầm này không dưới 2 lần.

Về các vết nứt ở các đốt hầm Thủ Thiêm, chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện các vết nứt này từ vài tháng nay. Đến nay, các vết nứt vẫn đang trong tầm kiểm soát. Chúng tôi cũng đã có công văn gửi chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu yêu cầu họ có phương án khắc phục. Phía họ cũng đã có văn bản gửi ra nêu phương án giải quyết các vết nứt. Cuối tháng này, tôi sẽ vào tận công trường để kiểm tra tình hình".

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.