Có tâm, có tầm và có lực

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
26/05/2021 04:49 GMT+7

Chuyện người nổi tiếng dùng uy tín cá nhân kêu gọi ủng hộ khẩn cấp giúp đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ là chuyện tốt.

Nhưng chuyện ồn ào liên quan danh hài Hoài Linh dùng uy tín cá nhân kêu gọi ủng hộ khẩn cấp giúp đồng bào miền Trung vượt qua bão lũ, đến nay tiền vẫn chưa đến tay người dân lại là chuyện đáng bàn. Số tiền thu được gần 14 tỉ đồng, từ đó đến nay vẫn chưa giải ngân hết. Khi phát hiện ra, anh lý giải là “do Covid nên chưa đi làm được, sắp tới sẽ làm”...
Theo dõi sự việc, có thể thấy anh Hoài Linh đã dùng cái sai này để giải thích cho cái sai khác. Có thể liên tưởng giống như người nói dối muốn lấp liếm thì bịa ra câu chuyện nói dối khác, sau đó tiếp tục bịa ra câu chuyện khác nữa để lấp liếm câu chuyện kia… Cứ như thế. Nhưng mà, đã nói dối thì “cái kim trong túi có ngày lòi ra”.
Anh lấy lý do vì Covid, nhưng ngay trong Covid, vào tháng 1 vừa qua. Theo một clip lưu hành trên mạng xã hội được một số báo dẫn lại, anh đã cùng ê kíp vượt hơn 1.000 cây số để đến giúp đỡ bà con, trẻ em ở vùng núi Điện Biên, Lai Châu đón Tết Tân Sửu 2021.
Anh sai rồi!
Người viết bài này từng có 25 năm được phân công phụ trách cứu trợ ở địa bàn miền Trung, chỉ xin nói từ chút kinh nghiệm của mình.
Mỗi lần có chuyện, rất nhiều đơn vị, cá nhân thông qua báo chí, Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ… đến với đồng bào. Có lúc, nhiều lúc, chỉ cần một lời hứa của doanh nghiệp, cơ quan báo chí nơi tôi công tác, đã lập tức ứng tiền của báo đi cứu trợ trước mà không chờ chuyển khoản. Phương châm phải là: “Nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và minh bạch”.
Làm từ thiện xuất phát từ tâm, đương nhiên, nhưng phải có lực. Lực ở đây bao gồm nguồn lực tài chính và lực lượng triển khai. Anh Hoài Linh và một số nghệ sĩ khác có tâm, có một phần “lực” - đó là nhờ uy tín cá nhân để huy động, nhưng thiếu đi lực lượng triển khai bài bản, thiếu đi kinh nghiệm “cứu trợ khẩn cấp” như đã nói.
Cứu trợ lũ lụt thì phải kịp thời. Các nhà hảo tâm mạnh về tài chính cho đến các chị các bà buôn thúng bán mẹt ủng hộ cũng vì tính kịp thời, cấp bách đó. Nhiều anh em làm cứu trợ từ các tổ chức, báo đài, thiện nguyện… có mặt ở Lệ Thủy (Quảng Bình) khi lũ ngập tận nóc nhà, cho đến 2, 3 tháng sau, ngày nào các đoàn cứu trợ cũng đến Quảng Bình, sau đó là Quảng Nam, Quảng Ngãi (vì bão tiếp sau lụt). Hàng nghìn xe, hàng vạn người, anh ở đâu?
Anh giữ gần 14 tỉ tiền đóng góp nhưng 6 tháng sau vẫn không có cách giải ngân thì anh thiếu cả tâm, cả tầm và cả lực.
Tôi nói tầm là vì ngay cả trong Covid, Hoài Linh vẫn có cách giải ngân được, rất nhiều cách mà trong khuôn khổ bài viết này không thể trình bày hết. Ngay cả trong clip anh nói lời xin lỗi, vẫn không thấy kế hoạch rõ ràng sắp tới của anh.
Khi ca sĩ Thủy Tiên nhận tiền đi làm cứu trợ, cũng chính anh em nghệ sĩ “lời ra tiếng vào”. Tôi cũng thấy cách làm của Thủy Tiên chưa ổn, nhưng tính “khẩn cấp” của cô ấy là có.
Chuyện làm từ thiện giới nghệ sĩ cũng đã làm nhiều và đang tiếp tục làm. Đừng nói như ai đó “Vậy thì từ nay không làm nữa”. Ngớ ngẩn. Làm, làm nhiều và làm tốt hơn.
Nhưng mà, qua chuyện này nên tĩnh tâm nghĩ lại để có cách làm hợp lý, giúp cho cộng đồng. Đó là trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ.
Nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu nhưng không “thăng hoa” tùy tiện với tiền cứu trợ, từ thiện. Từ thiện, cứu trợ lại chưa bao giờ là một câu chuyện hài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.