Có thể giảm phí BOT

08/06/2016 08:00 GMT+7

Cho rằng có nhiều bất cập trong đầu tư BOT để lại bức xúc cho xã hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đánh giá lại bản chất BOT, rà soát, điều chỉnh mức phí.

Tại hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015, do Bộ GTVT tổ chức sáng qua 7.6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết trong giai đoạn 2011 - 2016, Bộ đã huy động được 186.660 tỉ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức BOT và BT, hiện đã hoàn thành đưa vào khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỉ đồng.
“Không biết làm gì thì đầu tư BOT”
Đứng dưới góc độ nhà đầu tư BOT, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, chia sẻ trong 5 năm qua, nhiều nhà thầu ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã chuyển sang đầu tư BOT vì “không biết làm gì”. Cũng theo ông Dũng, lợi nhuận thu được từ dự án BOT rất thấp. “Dư luận nói nhà đầu tư BOT ăn dày, giàu có, nhưng trong hợp đồng BOT chỉ có 11 - 12% lãi trên vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập 22%, trừ đi lợi nhuận thu về chỉ còn 8,5 - 9%”, ông Dũng nói.
Không đồng tình, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, dẫn lại nhiều trạm BOT đặt chưa đúng vị trí như trạm số 1, 2 của dự án QL5 cũ (phải được giải tỏa từ năm 2013 nhưng vẫn duy trì để hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nay cao tốc hoàn thành trạm vẫn duy trì, thậm chí tăng mức phí), trạm bắc Thăng Long - Nội Bài, trạm Phước Tượng, Long Xuyên, Cần Thơ… gây bức xúc cho dư luận. Các trạm được bố trí quá gần nhau, manh mún, phí đường đắt hơn tiền xăng. “Phải giám sát được chất lượng thi công. Tổng mức đầu tư cao với nhiều lý do như GPMB chiếm tới 20%, phí dự phòng 20%... trong khi xây lắp có 50% nhưng cũng chỉ là con số trên giấy, vào thi công thực tế còn rơi rụng nữa. Ngay trong một dự án cổ đông còn tranh cãi lẫn nhau thì người dân biết tin ai”, ông Thanh nói và đề nghị nhà nước nên tham gia hỗ trợ về lãi suất, GPMB để giảm tổng mức đầu tư dự án, từ đó giảm mức phí.
Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên đặt vấn đề, Bộ GTVT nên đặt câu hỏi tại sao tập trung quá nhiều BOT vào đường bộ, đường cao tốc, liệu có phải là tập trung lợi thế hay tập trung lợi ích? “Phải chăng làm đường bộ, đường cao tốc có lợi ích gì hơn so với các lĩnh vực khác. Trong khi chúng ta có lợi thế biển, lợi thế là trạm trung chuyển của châu Á mà chỉ tập trung vào đường bộ thì có phải đang thiếu chiến lược đồng bộ?”, ông Thiên nói và cho rằng nhà đầu tư có lý do khi quyết định tham gia lĩnh vực nào, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần phải tính toán phân bổ nguồn vốn đồng bộ cho các lĩnh vực như đường sắt, đường biển, hàng không…
Xin ý kiến nhân dân trước khi làm BOT
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đặt câu hỏi có cơ hội giảm mức phí BOT không và khẳng định: Có. “Đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng quyết toán các dự án BOT, giảm mức đầu tư có cơ sở để giảm mức phí. Không cần chờ quyết toán tất cả các dự án, mà các khoản chi phí dự phòng, chi phí quản lý dự án, lãi vay… hoàn toàn có khả năng rà soát được ngay”, bà Mai nói. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, giai đoạn tới các dự án BOT phải xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, thấy dự án cần thiết, mức phí minh bạch thì cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư mới triển khai thực hiện, tránh sau khi thực hiện gây phản ứng.
Phát biểu kết luận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định những ưu điểm các dự án BOT đã mang lại, nhưng cũng cần nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém như dự án vẫn xảy ra lún, nứt, ảnh hưởng đến an toàn, gây bức xúc. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát chiến lược quy hoạch đầu tư hạ tầng giao thông, gắn với các loại hình vận tải khác như đường sắt cao tốc, cảng biển cũng như quy hoạch các trạm thu phí.
Cũng theo phó thủ tướng, phải nhận thức lại về bản chất các dự án BOT, đây là hình thức trả chậm của ngân sách nhà nước khi người dân trả bằng phí. Vì vậy, phải quản lý chặt chẽ từ khâu thẩm định lập dự án đến GPMB, thi công… đảm bảo lợi ích nhà nước, minh bạch lợi ích của các nhà đầu tư, lợi ích của người dân phải được bảo hộ. Xác định đúng tổng mức đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu, tiến hành thanh tra các dự án để kịp thời khắc phục những sai phạm về khối lượng, chất lượng, giá phí, trạm thu phí. Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính rà soát chính sách phí theo chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn quyết toán về hợp đồng BOT để điều chỉnh giá phí, thời gian thu phí…
Chia nhỏ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương để gọi vốn BOT
Ngày 7.6, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kêu gọi và tìm kiếm các nhà đầu tư vào dự án đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng). Trước đó, trong 2 ngày làm việc tại tỉnh Lâm Đồng (4 - 5.6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT và Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc có chiều dài 200,3 km, tiêu chuẩn loại A, vận tốc thiết kế 80 - 120 km/giờ. Do dự án có tổng mức đầu tư lớn (khoảng 37.637 tỉ đồng), rất khó kêu gọi đầu tư nên Bộ đã tách dự án thành 3 đoạn. Đoạn 1 từ Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) dài 74 km với tổng mức đầu tư 9.433 tỉ đồng; đoạn 2 từ Tân Phú - TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) dài 41 km, tổng mức đầu tư dự kiến 13.821 tỉ đồng và đoạn 3 từ TP.Bảo Lộc - Liên Khương dài 88 km, tổng mức đầu tư dự kiến 14.383 tỉ đồng. Trước mắt kêu gọi đầu tư đoạn 1 theo hình thức BOT, dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2016.
Lâm Viên

tin liên quan

Gánh nặng phí BOT
Vụ 2 xe khách chắn ngang cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phản đối tăng phí (ngày 6.4) tiếp nối thêm danh sách dài những trạm thu phí gây bức xúc trong dư luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.