Có thể hồi tố nếu dự án ảnh hưởng an ninh quốc phòng

28/08/2019 06:49 GMT+7

Đã có nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xảy ra tại Việt Nam do các tập đoàn đầu tư nước ngoài gây ra.

Vấn đề là phần thiệt do người dân và nền kinh tế gánh, trong khi chế tài áp với doanh nghiệp vi phạm vô cùng “hời hợt”.

Tàn phá môi trường

Hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây đúng 3 năm, sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng xảy ra tại vùng biển miền Trung mà nguyên nhân được xác định do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) đã có những vi phạm nghiêm trọng để nước thải chưa được xử lý đạt chuẩn xả ra môi trường biển. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành thủy sản, dịch vụ du lịch và đặc biệt khiến đời sống ngư dân lao đao.
Đáng nói hơn, đây không phải là vụ gây ô nhiễm môi trường duy nhất do doanh nghiệp (DN) FDI gây ra tại VN . Năm 2014, Công ty TNHH Miwon VN tại Phú Thọ cũng đã bị xử phạt 515 triệu đồng vì hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn hơn 10 lần ra môi trường...
Tháng 8.2016, Bộ TN-MT chính thức đưa ra khuyến cáo về dòng vốn FDI vào VN có chiều hướng dịch chuyển vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường...

Quan điểm của Bộ Chính trị đã rõ ràng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có thái độ cương quyết hơn... Cần nói rõ cho nhà đầu tư biết họ đầu tư vào VN, phải có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe của người dân Việt

Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế
Trong báo cáo về FDI tại VN do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố năm 2017 cũng chỉ ra rằng, khu vực FDI đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của đất nước, mà nổi bật nhất là tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái, gây thiệt hại to lớn đến tài sản và sức khỏe của cộng đồng. Nhiều vụ ô nhiễm môi trường trầm trọng của các dự án FDI đã gây những hậu quả rất nặng nề cho hệ sinh thái và làm giảm tính bền vững.
Điều đáng nói là VN chưa có hệ thống số liệu thống kê theo dõi và cập nhật tình hình xử lý chất thải, nước thải, các biện pháp bảo vệ môi trường, cũng như mức độ gây ô nhiễm môi trường của các DN. Báo cáo cũng dẫn lại số liệu theo nghiên cứu của ông Đinh Đức Trường tại 80 DN FDI hoạt động trong ngành có khả năng gây ô nhiễm cao như sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, dệt may/nhuộm, thuộc da, hóa chất, thép. 20% DN FDI chọn VN để tiết kiệm dưới 10% chi phí môi trường so với ở nước mẹ, 68% dự kiến tiết kiệm được từ 10 - 50% và 12% cho rằng sẽ tiết kiệm được 50%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cá nhân bà rất thích Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, bởi đây “là quyết định hết sức sáng suốt, đúng lúc của Bộ Chính trị”, là dịp để rà soát lại môi trường, tăng kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
Nếu nhà đầu tư vi phạm, yêu cầu chấm dứt đóng cửa chứ không thể du di như trước nữa. “Quan điểm của Bộ Chính trị đã rõ ràng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có thái độ cương quyết hơn. Chẳng hạn, với các dự án nhiệt điện, vấn đề xử lý xỉ than không thể có chuyện chạy theo lời đề nghị của họ là chôn hay thả ngoài biển... Cần nói rõ cho nhà đầu tư biết họ đầu tư vào VN, phải có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe của người dân Việt”, bà Lan nói. Thậm chí, PGS-TS Phan Văn Hiện, chuyên gia môi trường (Viện Khoa học công nghệ VN) còn khuyến cáo với những DN gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống cộng đồng trên diện rộng, cần có cơ chế xử phạt nghiêm hơn, thậm chí hình sự hóa, trên tinh thần nghị quyết đã nêu ra.

Cẩn trọng các dự án ảnh hưởng an ninh quốc phòng

Cũng trong Nghị quyết 50 này, ngoài vấn đề về môi trường, lần đầu tiên, an ninh quốc phòng cũng đã được nêu ra một cách cụ thể.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, vấn đề an ninh quốc phòng là yêu cầu chính đáng của VN để bảo vệ an ninh quốc gia. “Tôi nói nghị quyết được đưa ra đúng lúc trong bối cảnh Trung Quốc đang gây hấn chèn ép VN ngoài biển khơi. Chúng ta có thể không đồng ý nhà đầu tư Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc - Nam tại thời điểm này. Bởi không ai đang gây hấn ngoài cổng nhà mình, mình lại mở cổng mời họ ngồi vào sân, vào nhà cả. Thứ hai, cần xét đến từng yếu tố gây phương hại đến lợi ích quốc gia để loại bỏ thu hút đầu tư. Như lạm dụng lao động nước ngoài, đưa công nghệ lạc hậu, điện hạt nhân, sản xuất vũ khí, quân trang quân dụng, khai thác rừng, cảng... Những vùng, sản phẩm quá nhạy cảm để đầu tư, nên cân nhắc loại bỏ thu hút FDI”, bà Lan nêu quan điểm.
Ông Hiện lưu ý, khi một vấn đề đã đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, xét thấy dự án nguy hại đến an ninh quốc phòng, đều có thể xử lý hồi tố, hoặc rút giấy phép đã cấp, hoặc đổi dự án khác... Đặc biệt, tại những vùng có địa thế nhạy cảm an ninh quốc gia, các dự án trồng rừng và khai thác rừng hàng ngàn héc ta sát biên giới, rừng đầu nguồn, hải cảng... có thể áp dụng hồi tố bởi luật cho phép. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh liên quan hoạt động an ninh quốc gia như an ninh viễn thông, an ninh mạng, cột thu phát sóng... phải chặn và kiên quyết không có cửa cho nhà đầu tư FDI.
Đồng quan điểm, liên quan các dự án đã được cấp đất, cấp giấy phép tại các vùng “nhạy cảm” về an ninh quốc phòng, theo bà Lan, có thể thay đổi bởi trong từng thời điểm, các chính sách luôn có sự điều chỉnh thay đổi. Trường hợp cần thiết có thể đàm phán mua lại theo giá thị trường, hay đề xuất một vị trí đầu tư khác, hoặc yêu cầu dừng, hoặc loại bỏ phần gây nguy hại an ninh quốc phòng trong dự án đó... “Điểm quan trọng của nghị quyết là định hướng về lâu dài, bảo đảm an ninh quốc gia, dứt khoát không để các dự án đầu tư FDI gây phương hại đến an ninh quốc phòng tồn tại trên thị trường”, bà Lan nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.