Có thể kiện nơi sản xuất để đòi bồi thường thiệt hại

02/08/2005 21:57 GMT+7

PGS.TS Trần Đáng (Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm): Nước giải khát không đảm bảo an toàn cũng là một nguy cơ Nước giải khát là một trong 10 nhóm thực phẩm có nguy cơ cao. Những nguy cơ của thị trường nước giải khát trước tiên phải kể đến là điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của các cơ sở sản xuất nước giải khát. Với các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản đảm bảo các điều kiện vệ sinh; nguy cơ cao nhất là các cơ sở thủ công, hộ gia đình sản xuất nước hoa quả, nước uống tinh khiết, nước đá, bia hơi...

Các điều kiện về thiết bị và con người ở các cơ sở sản xuất này không đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật. Nguy cơ nước giải khát giả cũng là vấn đề khá phổ biến. Nhiều vụ sản xuất nước giải khát giả đã được các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện: dùng nước máy, nước giếng khoan sâu để sản xuất nước khoáng, lấy nước giếng khơi làm nước tinh lọc, tinh khiết và sản xuất nước đá. Để lập lại trật tự kỷ cương trong kiểm soát thị trường nước giải khát, cần tăng cường vai trò của UBND cấp xã, phường và quận huyện trong quản lý VSATTP nói chung và nước giải khát nói riêng trên địa bàn của mình; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng hiểu rõ các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, các biện pháp đảm bảo VSATTP và có thực hành vệ sinh cá nhân tốt khi tham gia sản xuất kinh doanh; tuyên truyền để người tiêu dùng trở thành "người tiêu dùng thông thái"; phổ biến và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý an toàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để duy trì việc sản xuất, kinh doanh nước giải khát tuân theo đầy đủ quy định và ngăn chặn xử lý các mối nguy cho người tiêu dùng; cần có các biện pháp phòng chống sản xuất kinh doanh nước giải khát giả. Huy động các ngành, các tổ chức kết hợp chính quyền cơ sở để quản lý tận gốc các cá nhân và cơ sở sản xuất kinh doanh nước giải khát. Có biện pháp chế tài, xử lý thật nghiêm các vi phạm.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM: Có thể kiện nơi sản xuất để đòi bồi thường thiệt hại

VSATTP tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên là vấn đề bức xúc nhất và hầu như ai cũng quan tâm. Tuy nhiên hiện nay người tiêu dùng phải tự kiểm định, tự để ý chọn lựa loại thức ăn vệ sinh cho phù hợp với sức khỏe của bản thân là chính. Trong điều kiện hiện nay, người tiêu dùng trước hết phải tự giữ cho mình, tẩy chay không sử dụng những loại thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần phải có những quy tắc cụ thể về nơi bán đồ ăn, đồ uống để bảo đảm vệ sinh và phải có những quy định rõ ràng xử lý triệt để những trường hợp vi phạm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm thì phải đến bệnh viện kiểm tra để bệnh viện xác định ngộ độc vì cái gì. Nếu đầy đủ cơ sở chứng minh nguyên nhân gây ra ngộ độc là loại thực phẩm cụ thể nào đó thì có thể kiện nơi sản xuất, bán loại thực phẩm đó ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe theo điều 632 của Bộ luật Dân sự.

Lê Nga
(ghi)

Liên Châu
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.