Cơ thể sẽ 'héo' như thế nào nếu bị thiếu nước?

Thiên Lan
Thiên Lan
12/11/2018 11:09 GMT+7

Một người bình thường có thể nhịn đói đến 8 tuần vẫn sống sót nhưng chỉ cần nhịn khát 3-5 ngày đã bỏ mạng! Tại sao nước lại đóng vai trò quan trọng như vậy, điều gì xảy ra cho cơ thể khi uống không đủ nước?

Nước đóng vai trò trong tất cả các hoạt động sống của cơ thể. Trong thực tế, khoảng 60% cấu tạo cơ thể được tạo thành từ nước. Để duy trì hoạt động điều hòa của cơ thể, bắt buộc phải có nước.
Tiến sĩ Sanjay Aggarwal, bác sĩ trưởng tại Trung tâm Y tế Holistic (ở Delhi, Ấn Độ), cho biết trên trang Hindustantimes: Nước là chìa khóa để giúp tất cả các cơ quan trong toàn bộ cơ thể hoạt động hiệu quả.
Vậy uống bao nhiêu nước là đủ? Anupam Dey, một chuyên gia dinh dưỡng tại trụ sở tại Kolkata (Ấn Độ), cho biết trung bình một người nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày và nhiều hơn nữa ở điều kiện nhiệt độ cao hoặc khi vận động nhiều.
Quá trình mất nước, xảy ra khi một người uống ít chất lỏng hơn nhu cầu cơ thể sử dụng hoặc đào thải ra ngoài. 
Mất nước cũng có thể do tiêu chảy, nôn mửa, sốt, đổ mồ hôi quá nhiều và đi tiểu.
Khi mất nước có thể dẫn đến tất cả các sự cố trong các tiến trình vận hành của cơ thể.
Sau đây là 5 triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra:
Táo bón
Sự mất cân bằng chất lỏng có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Chúng ta có xu hướng nghĩ đến chất xơ như là giải pháp chính để phòng ngừa táo bón nhưng nước cũng quan trọng không kém.
Chất xơ giúp đào thải các độc tố trong hệ thống đường ruột nhưng những độc tố đó không thể ra ngoài nếu không có nước.
Kích ứng da
Nếu cơ thể không nhận đủ nước, hậu quả có thể hiển thị trên da. Làn da bị mất nước dễ phát sinh nhiều vấn đề như bong tróc, khô sạm, xuất hiện nếp nhăn, kém sắc, không có sức sống.
Theo tiến sĩ Aggarwal, da mất nước cũng có thể dễ bị nổi mụn.
Nhiễm trùng bàng quang, thận hoặc tiết niệu
Thận và nước có mối quan hệ cộng sinh. Tiến sĩ Aggarwal nói rằng thận hoạt động để điều chỉnh cân bằng nước của cơ thể nhưng cùng với gan, thận cũng thải ra chất thải từ máu như một bộ lọc tự nhiên của cơ thể. Nó cần có nước để hoạt động. Nếu không có đủ nước, cơ thể dễ bị nhiễm trùng bàng quang và tiết niệu.
"Ngoài ra, các khoáng chất và muối tích lũy tự nhiên trong thận cần có nước để hòa tan. Nếu không có đủ nước, sẽ dễ dàng biến thành sỏi thận", tiến sĩ Aggarwal nói trên Hindustantimes.
Tăng cân
Rất nhiều trường hợp người ta nhầm lẫn tình trạng mất nước với đói bụng. Thiếu nước tạo cho cơ thể cảm giác đói bụng ngay cả khi đã ăn đủ no, dẫn đến tình trạng ăn quá độ, gây tăng cân. Nghiên cứu cho thấy nước uống có thể tạo cảm giác no.
Đau đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ bắp
Mất nước là lý do phổ biến nhất gây mệt mỏi và cũng có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng. Tất cả hoạt động sống trong cơ thể đều cần ô xy, do máu vận chuyển đến. Nếu bị thiếu nước, sự tuần hoàn của máu bị ảnh hưởng làm cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị ngưng trệ, đặc biệt là não bộ, gây đau đầu, suy giảm sự tập trung và khả năng ghi nhớ của não.
Ngoài ra, khi lượng nước cần thiết cho cơ thể bị thiếu hụt, cơ thể sẽ tự điều tiết rút lượng nước từ hệ cơ ra để cung cấp cho máu. Do đó, hệ cơ bị thiếu nước gây ra tình trạng đau nhức cơ bắp.
Để tránh được các vấn đề do nguyên nhân thiếu nước gây ra, cách tốt nhất là uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Việc cung cắp nước cho cơ thể có thể thông qua nguồn thức ăn ăn hoặc uống vào như canh, trái cây, rau quả hay trà, cà phê, sữa …, tiến sĩ Aggarwal nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.