Cô trò chật vật chương trình lớp 1: Yêu cầu của Bộ có phù hợp thực tế?

08/10/2020 07:34 GMT+7

Trước thực tế môn tiếng Việt chương trình lớp 1 mới khó hơn khiến cô trò chật vật, Bộ GD-ĐT và các sở đã liên tiếp đưa ra các văn bản chỉ đạo nhằm không gây quá tải. Liệu động thái này có làm giảm 'sức nóng'?

Giáo viên có được dạy chậm lại ?

Văn bản mới nhất của Bộ GD-ĐT yêu cầu sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng khác với trước kia, chương trình quy định cứng bài học này phải dạy trong mấy tiết, bài học kia dạy mấy tiết thì hiện nay giáo viên (GV) được trao quyền chủ động trong việc này. Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu GV còn “kêu” phần nội dung này đi nhanh quá hay chậm quá có thể là do GV hoặc cán bộ quản lý cấp trường vẫn còn quá máy móc khi dạy theo đúng tiến độ trong sách giáo khoa (SGK). Điều quan trọng là chuẩn đầu ra cuối kỳ và cuối năm học mới là quan trọng. Hơn nữa, cấp tiểu học lâu nay đã bỏ chấm điểm thường xuyên nên không lý do gì gây áp lực với học sinh (HS).
“Sắp tới sở sẽ yêu cầu rà soát lại, nơi nào chưa hiểu và vận dụng đúng tinh thần của kế hoạch giáo dục nhà trường sẽ phải làm tốt hơn vì đây là cơ hội để dạy học đúng đối tượng HS một cách tốt nhất”, ông Tiến nói và cho biết sẽ yêu cầu các phòng GD-ĐT và nhà trường tăng cường dự giờ, thăm lớp, tăng cường trao đổi, sinh hoạt chuyên môn để xử lý các vấn đề phát sinh.
Trong khi đó cô Nguyễn Quỳnh Nga, GV Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng việc các trường và GV được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thời gian vừa qua cũng giúp giảm áp lực hơn một chút, GV có thể dạy chậm lại, kỹ hơn so với thời lượng trong SGK ở một số bài nhưng không thể học quá chậm vì quỹ thời gian dự trữ không nhiều. Yêu cầu GV dạy chậm hơn nhưng phân phối trong chương trình, SGK ghi rõ tuần này học những bài nào nên cũng chỉ co kéo trong 1 tuần, nếu không theo kịp thì sẽ chậm tiến độ chương trình. “Chúng tôi cũng cần sự chỉ đạo rõ hơn về vấn đề này, mong muốn Bộ có chỉ đạo và sở có hướng dẫn giảm tải cụ thể hơn nữa”, cô Nga bày tỏ.

Không giao bài tập về nhà, thực hiện đến đâu ?

Một trong những nội dung tại công văn chỉ đạo của Bộ GD-ĐT ngày 5.10 là giúp HS hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho HS. Nhiều ý kiến cho rằng quy định này vốn đã tồn tại từ lâu trong các văn bản trước đó của Bộ GD-ĐT chứ không phải phát sinh khi thực hiện chương trình SGK mới. Tuy nhiên, với chương trình hiện tại, liệu yêu cầu này có thực hiện được không?
Theo nhiều GV, việc giao nhiều bài tập về nhà có thể gây áp lực cho các HS. Tuy nhiên, nếu cấm GV giao bài tập về nhà là khá cứng nhắc, vì nhiều HS lớp 1 hiện nay chỉ học 1 buổi/ngày, các em không có đủ thời gian hoàn thành bài học trên lớp.

TP.HCM giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng

Ngày 7.10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo tăng cường về việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với chương trình lớp 1 năm học 2020 - 2021.
Đối với môn tiếng Việt lớp 1, giai đoạn đầu năm học, GV có thể điều chỉnh giảm yêu cầu cần đạt ở một số kỹ năng. Đối với kỹ năng đọc đoạn, những HS đọc chưa tốt chỉ yêu cầu các em đọc được từ ngữ có chứa âm/chữ/vần mới, tiến tới đọc câu ngắn. Những HS này có thể vừa đánh vần vừa đọc.
Đối với kỹ năng viết, với những HS viết chưa tốt chỉ yêu cầu các em viết được chữ ghi âm mới, bước đầu hướng tới viết đúng độ cao, độ rộng, chưa đặt ra yêu cầu viết đẹp hoặc viết được các chữ ghi tiếng, ghi từ. Yêu cầu về các kỹ năng này sẽ được nâng cao dần qua từng “chặng” học tập tiếp sau.
Bích Thanh
Cô N.T.B, GV lớp 1 tại một trường tiểu học công lập ở Q.Tân Bình (TP.HCM), cho rằng việc cấm GV hoàn toàn không được giao bài tập về nhà là khá cứng nhắc vì thực tế nhiều trường học ở TP.HCM và các thành phố lớn khác HS vẫn chỉ được học 1 buổi/ngày, chỉ đảm bảo được tối thiểu 6 buổi/tuần. Với sĩ số khoảng 50 HS/lớp thì GV khó lòng đảm bảo kèm cặp được hết cho tất cả HS, các em cũng không đủ thời gian để hoàn thành được bài học ngay tại lớp.
Trong khi chương trình môn tiếng Việt hiện tại “đi rất nhanh”, mỗi ngày các em đều được học thêm 2 âm mới, nếu không có bài tập không cách nào HS nhớ được. Tuy nhiên, cô N.T.B cũng thừa nhận: “Với chương trình lớp 1 mới hiện nay môn nào cũng có kèm theo sách bài tập, nếu GV và phụ huynh yêu cầu các em làm bài tập ở tất cả các môn thì thật sự rất áp lực cho HS”.
Khẳng định việc không giao thêm bài tập về nhà cho HS nhưng cô Phạm Phương Chi, Trường tiểu học Ngọc Khánh (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho rằng: “Dù học sách mới hay sách cũ thì việc tạo cho HS thói quen ôn bài ở nhà là rất cần thiết. Việc ôn lại bài sẽ giúp HS ghi nhớ kiến thức, học tập sẽ vững vàng hơn. Với chương trình mới năm nay, việc ôn bài ở nhà của con nên ưu tiên cho nội dung luyện đọc. Tuy nhiên, phụ huynh cần tránh tạo áp lực, gây căng thẳng cho con và tuyệt đối không cho con học bài quá muộn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.