“Cò” trước trụ sở cơ quan công quyền - Bài 3: Làm hộ chiếu “siêu tốc”

30/04/2009 22:59 GMT+7

Nhiều người có nhu cầu xuất ngoại đột xuất nhưng chưa có hộ chiếu, đa số thường đến gặp “cò” như đây là cách giải quyết nhanh. Người không muốn qua "cò" cũng khó tránh vì "cò" bủa vây tứ phía... Mời nghe đọc bài

Kiểu nào cũng có

Ai đi ngang qua trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (161 Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) dễ dàng bắt gặp cảnh bát nháo ở phía bên kia đường, đối diện với trụ sở cơ quan này. Quán cà phê cóc, địa điểm chụp hình... là nơi các “cò” sử dụng để làm điểm giao dịch với khách hàng.

Chỉ cần dắt xe vào bãi, chưa gặp “cò” thì khách đã bị chính nhân viên giữ xe gạ gẫm: “Anh làm hộ chiếu mới hay đổi... Em giới thiệu người làm nhanh cho”. Sở dĩ ai cũng muốn làm “cò”, vì như một tay “cò” nhiều năm bám trụ trước cổng cơ quan này tiết lộ: “Một điều chắc chắn rằng người nào đi nước ngoài, kinh tế đều khá giả, giàu có nên tụi tui cứ thế mà hét giá trên trời. Do họ có tiền và cần đi gấp nên đành phải chấp nhận chi”. Chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều loại “cò” khác nhau như “cò” xe, giấy tờ nhà, công chứng... hết thảy đều tính toán bằng tiền đồng, nhưng “cò” xuất nhập cảnh ở đây chỉ tính bằng USD. Giá làm hộ chiếu ở đây  “cò” hét từ 100 USD - 300 USD.

Khoảng 9 giờ 30 ngày 27.3, trong vai khách hàng, chúng tôi chạy xe vào bãi giữ xe trên đường Nguyễn Du, sát trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA18). Bỏ qua những lời gạ gẫm trong bãi xe vừa bước ra ngoài, một thanh niên cao to đang bận “tiếp” cô gái đi chiếc xe SH, cũng tranh thủ kéo chúng tôi lại. Biết chúng tôi có nhu cầu “cần hộ chiếu gấp để đi Singapore giải quyết lô hàng cho công ty đang bị kẹt ở đây”, người này đưa chúng tôi qua bên kia đường thương lượng. Danh thiếp của người này ghi tên Huỳnh Công Phương, ở phía dưới in dòng chữ: “Hướng dẫn hồ sơ làm hộ chiếu - VISA” và 2 số ĐTDĐ “nóng” để liên lạc.

Trong lúc tìm hiểu chúng tôi cũng bắt gặp những trường hợp dở khóc dở cười. Đó là các nạn nhân bị “cò” lừa.

* Ngày 8.12.2008, chị N.B.L (22 tuổi, quê Đồng Nai) đến PA18 làm hộ chiếu đã bị Vượng Thị Hiếu Chung (49 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) lừa lấy 1,3 triệu đồng khi hứa làm hộ chiếu gấp trong thời gian 3 ngày.

* Ngày 16.4.2009, chị N.T.N.T (51 tuổi, ngụ Q.8) đưa em gái tên là L.T.T (46 tuổi, quê Cần Thơ) đến PA18 làm hộ chiếu. Một “cò” tên Đức đã đưa chị T. vào phòng bán vé của trung tâm ca nhạc Trống Đồng (đối diện PA18) chụp hình, rồi gạ gẫm làm hộ chiếu nhanh. Mới đầu, bọn chúng hét giá 200 USD, sau đó giảm xuống còn 2,9 triệu đồng. Chị T. đồng ý, đưa trước 1,9 triệu đồng rồi được “hứa” thứ sáu đến lấy. Đến hẹn, chị T. không thấy bóng dáng Đức đâu, đành đến báo công an.

* Ngày 17.4.2009, chị H.M.N (66 tuổi, ngụ Q.3) đã bị “cò” tên Võ Thị Ngọc Cẩm (38 tuổi, tạm trú Q.2) lừa lấy 800.000 đồng để làm hộ chiếu nhanh trong vòng 5 ngày.

Phương bấm máy gọi cho ai đó rồi ra giá: “Anh muốn lấy trong ngày phải đưa ảnh, giấy tờ trước 11 giờ trưa 27.3, chiều cùng ngày lấy hộ chiếu, giá 250 USD; 3 - 4 ngày giá 150 USD; nếu 1 tuần thì giá khoảng 100 USD”. Giá Phương đưa ra hơi đắt so với giá mà chúng tôi có dịp thu thập từ các “cò” khác nên năn nỉ Phương bớt chút đỉnh làm quen vì chúng tôi còn nhiều nhân viên có nhu cầu làm hộ chiếu. Phương chạy đến một “cò” khác xin số ĐTDĐ của ai đó, rồi gọi cho người này. Phương nói chuyện một hồi rồi báo lại cho chúng tôi: “Hồi nãy, mấy anh ở trong báo giá lộn. Nếu anh đến từ sáng sớm có ảnh sẵn thì giá 250 USD; còn bây giờ gần 11 giờ trưa rồi mà đòi chiều lấy nữa thì giá 300 USD, thiếu một đồng cũng không nhận. Anh không làm thì thôi”...

Chiều 22.4, chúng tôi sang địa điểm của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) trên đường Nguyễn Trãi (Q.1) cũng bắt gặp nạn “cò” chèo kéo. Tuy nhiên, so với ở trước cổng PA18, “cò” ở đây ít hơn. Nơi này chỉ có đổi hộ chiếu cho những người có nhu cầu chứ không nhận làm mới. Thấy chúng tôi đến, lập tức 3 – 4 “cò” áp đến hỏi thăm. Người đàn ông hơn 50 tuổi, đeo kiếng trắng gạ gẫm: “Đổi hộ chiếu phải không. Anh ở tỉnh, chỉ cần CMND là chơi được rồi. Giờ làm mai lấy giá 3,5 triệu đồng. Nếu muốn làm, phải đặt cọc 500.000 hoặc 1 triệu đồng để làm tin, chứ nếu anh bỏ không làm thì tiền đâu mà tôi đền.

Cơ quan quản lý nói gì?

Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó phòng PA18 thừa nhận: có tình trạng lôi kéo dụ dỗ làm dịch vụ khai hồ sơ, chụp hình để lấy tiền của người dân. Về việc liệu có các  “cò” liên quan đến cán bộ của PA18 hay không, thượng tá Nguyễn Văn Anh (Trưởng phòng PA18) khẳng định: “Nội bộ phòng không hề liên quan đến số “cò mồi” nói trên”. Thượng tá Anh giải thích: “Hiện nay thủ tục cấp đổi hộ chiếu rất đơn giản, trong trường hợp cần làm nhanh, người dân chỉ cần trình bày trực tiếp với cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ được giải quyết theo quy định. Các quy định này được công khai trên báo chí và niêm yết hướng dẫn tại cơ quan (trực tiếp và qua phát loa). “Cò” nắm rất vững các quy định này, rồi lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, đã tung tin có quan hệ “trong nội bộ”, giả vờ gọi điện thoại người này người kia để tạo lòng tin... lừa lấy tiền của dân. Thực chất đây là hoạt động mang tính chất lừa đảo. Hơn nữa, tất cả việc lấy số thứ tự, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả đã được áp dụng công nghệ thông tin, “cò” không thể nộp thay, nhận thay và tác động được vào quá trình tiếp nhận, giải quyết”.

Trung tá Nghiệm kể thêm: “Có trường hợp, “cò” hướng dẫn người dân vào gặp tôi để giải quyết nhanh 2 - 3 ngày lấy - đúng theo quy định (đối với các trường hợp chữa bệnh, đi công tác gấp, đi du học lỡ mua vé máy bay...). Nhưng tôi thấy nét chữ trong đơn xin giải quyết không giống của người đi làm hộ chiếu nên hỏi ra mới biết “cò” đã lấy tiền trước khi hướng dẫn vào gặp tôi... Lợi dụng vào quy định này, tụi “cò” đã bán đứng chúng tôi”.

Có thể thấy, nếu nắm vững các quy định của cơ quan chức năng, trình bày một cách trực tiếp với cán bộ thụ lý hồ sơ, người dân có nhu cầu về hộ chiếu đều được giải quyết thỏa đáng mà không phải “sa lưới” của “cò”.

Những trường hợp sau đây có nhu cầu cấp hộ chiếu gấp có thể trực tiếp hoặc ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả:

- Người cần đi nước ngoài để chữa bệnh nếu có giấy tờ chỉ định của bệnh viện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc bệnh viện của các bộ, ngành.

- Người có thân nhân ruột thịt ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết cần phải đi gấp để giải quyết, nếu có giấy tờ chứng minh những sự việc đó.

- Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước... nếu có văn bản của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân nơi người đó đang làm việc đề nghị.

- Trường hợp có lý do cấp thiết khác đủ căn cứ thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh xem xét, cấp hộ chiếu theo đúng quy định pháp luật.

Đàm Huy - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.