Cổ vũ cả xã hội cùng làm việc thiện

22/07/2013 03:20 GMT+7

Sáng 20.7 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 trên toàn quốc.

Sáng 20.7 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 trên toàn quốc.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, anh Bùi Quang Huy, Phó chủ tịch thường trực T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, cho rằng: “Chương trình đã tạo cho mình một thương hiệu riêng, trở thành một trong những chương trình tình nguyện có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc, được đông đảo người dân và sinh viên hưởng ứng. Chương trình có sức lan tỏa lớn, trở thành chỗ dựa tinh thần để tiếp thêm sức mạnh, nghị lực, niềm tin cho thí sinh thực hiện ước mơ bước vào giảng đường”.

Ông Bùi Văn Huống, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, thăm hỏi sinh viên tình nguyện - d
Ông Bùi Văn Huống, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, thăm hỏi sinh viên
tình nguyện - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
 

Là đơn vị luôn sát cánh, đồng hành với chương trình trong 12 năm qua, ông Bùi Văn Huống, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ: “Hình ảnh sinh viên tình nguyện hướng dẫn và giúp đỡ thí sinh, phụ huynh trên khắp nẻo đường, bất chấp khói bụi, nắng nóng đã trở nên quen thuộc. Đó chắn chắn sẽ là những hình ảnh đẹp của một thế hệ thanh niên biết sống vì mọi người, biết khao khát cống hiến với tinh thần tương thân, tương ái. Những hình ảnh này là tấm gương để các thế hệ đàn em tiếp bước theo sau, đồng thời cũng chính là hành trang để bạn trẻ vững bước trên những chặng đường sắp tới. Xin cảm ơn đến hàng triệu trái tim nhân ái trên khắp đất nước đã giúp hàng triệu thí sinh trong mùa thi”.

Mỗi năm, chương trình có thêm nhiều tình nguyện viên tham gia và cũng có nhiều mô hình mới được áp dụng để giúp ích cho thí sinh. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên cán bộ Trung tâm hỗ trợ sinh viên TP.HCM, người đã tham gia công tác tổ chức chương trình hỗ trợ thí sinh từ những năm đầu tiên nhớ lại: "Hồi đó (trước khi có chương trình Tiếp sức mùa thi), cứ đến kỳ thi hình ảnh thí sinh tá túc ở vỉa hè, nhà chùa trở nên khá phổ biến. Nhiều người cho rằng những người ở quê đến TP.HCM dự thi là quá bản lĩnh vì trước khi đến thành phố họ hoàn toàn không có những thông tin về nơi mình đến và chưa có một tổ chức nào đứng ra hỗ trợ thí sinh như bây giờ". Năm đầu tiên (1996), chị Thủy và 13 tình nguyện viên (những sinh viên đi tìm việc làm thêm trong hè) đã nhận trách nhiệm vận động người dân hỗ trợ cho 60 thí sinh ở miễn phí.

Đến nay, chương trình ngày càng vươn xa và không ngừng lớn mạnh. Năm 2013, chương trình đã “phủ sóng” trên toàn quốc. Đặc biệt, ở mỗi địa phương đều có những mô hình cụ thể, thiết thực hỗ trợ thí sinh. Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế có mô hình "Homestay" (sinh viên đưa thí sinh về ở cùng nhà trọ và lo ăn uống miễn phí, đưa đón thí sinh đi thi). Tỉnh đoàn Bắc Giang phối hợp Hội Sinh viên TP.Hà Nội có mô hình "Em tôi đi thi” giúp hàng ngàn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại một số tỉnh thành khu vực phía bắc. Hội Sinh viên Nghệ An có mô hình "Đội y, bác sĩ lưu động” chăm sóc thí sinh; Tỉnh đoàn Đắk Lắk có mô hình "Ca tuần tra tiếp sức mùa thi” nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho thí sinh tại các khu trọ.

Lan tỏa tới nhiều tầng lớp

Chương trình Tiếp sức mùa thi duy trì tổ chức trong nhiều năm nay đã trở thành thương hiệu uy tín trong phong trào tình nguyện vì cộng đồng. Thương hiệu này được tạo nên từ chính hiệu quả, dấu ấn trong các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ thí sinh, phụ huynh giảm bớt khó khăn trong mùa thi và sự ghi nhận, hưởng ứng nhiệt thành trong xã hội.

Các hoạt động của chương trình cũng cho xã hội nhìn nhận vai trò của thanh niên trong phong trào tình nguyện. Nhiều bạn trẻ hy sinh kỳ nghỉ hè để giúp đỡ thế hệ đàn em. Chương trình là môi trường giúp họ có cơ hội học hỏi kiến thức, tích lũy nhiều kỹ năng từ thực tiễn bổ sung cho tri thức chỉ học từ sách vở. Chọn tình nguyện trong chương trình này, chắc chắn những bạn trẻ ấy không màng quyền lợi cá nhân, chỉ tình nguyện với tinh thần cống hiến. Nhưng điều họ cần nhất là sự ghi nhận của những người tổ chức, từ cộng đồng xã hội.

Cá nhân tôi cho rằng, sau mỗi mùa thi khi tổng kết lại, đơn vị tổ chức chương trình cần có những hình thức ghi nhận thỏa đáng công sức, đóng góp của tình nguyện viên. Tôn vinh ấy chính là sự khích lệ thiết thực nhất để thế hệ trẻ lớp sau nối lớp trước tiếp tục gắn bó với chương trình này ở những năm tiếp theo, để họ tự nâng đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Sức lan tỏa, ảnh hưởng của chương trình được tạo nên bởi tinh thần xung kích, tình nguyện chính là bài học, kinh nghiệm để Đoàn tổ chức hoạt động, phong trào đi vào thực chất, hiệu quả đưa thanh niên, sinh viên vào hỗ trợ, giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế đang rất cần thiết với nhân dân, đất nước hiện nay.

Tinh thần nhân ái, nghĩa hiệp của Tiếp sức mùa thi hiện giờ lan tỏa tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Không chỉ có thanh niên, sinh viên, cơ sở đào tạo mà nhiều chức sắc, tôn giáo cũng xem mùa thi là thời điểm tổ chức nhiều chương trình từ thiện hỗ trợ vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Có được thành quả này, chương trình duy trì từ nhiều năm nay là chất xúc tác, có sức lan tỏa và khích lệ cả xã hội cùng nhau làm việc thiện với tinh thần lá lành đùm lá rách.

Cá nhân tôi cũng như Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mong muốn chương trình sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo, có thêm nhiều hoạt động đi vào chiều sâu để giữ uy tín thương hiệu chương trình, duy trì vai trò nòng cốt, sức lan tỏa tinh thần tình nguyện, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Ngô Thị Minh
(Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

P.Hậu
(ghi)

Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013 được các tổ chức, cá nhân tài trợ hơn 11 tỉ đồng (trong đó Tập đoàn Thiên Long hỗ trợ 5 tỉ đồng).

Các nội dung tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh như: tư vấn tâm sinh lý mùa thi, giới thiệu nhà trọ miễn phí và giá rẻ, hướng dẫn nơi ăn uống rẻ, hướng dẫn đi lại, hỗ trợ đi lại bằng xe ôm miễn phí, hướng dẫn làm thủ tục thi cho thí sinh, giúp thí sinh bớt âu lo để tập trung vào việc thi cử. Theo đó, chương trình đã thu hút 42.105 lượt tình nguyện viên tham gia, tư vấn cho 820.697 lượt thí sinh và phụ huynh, giới thiệu 188.255 chỗ trọ giá rẻ, 46.137 chỗ trọ miễn phí, phát 373.846 cẩm nang tư vấn, 486.231 bản đồ đi lại, 61.925 vé xe buýt, 173.978 suất ăn miễn phí…

Dịp này, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam đã tặng bằng khen cho 23 tập thể và 164 cá nhân; UBND TP.HCM khen thưởng 11 tập thể và 61 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2013.

Lê Thanh

>> Ấm lòng người phụ nữ 10 năm tiếp sức mùa thi
>> Giáo xứ nghèo 8 năm tiếp sức mùa thi
>> Sinh viên nước ngoài tham gia tiếp sức mùa thi
>> Sôi động tiếp sức mùa thi
>> Bên lề Tiếp sức mùa thi 2013
>> Đội mưa" tiếp sức mùa thi
>> ĐH Lạc Hồng ra quân tiếp sức mùa thi
>> Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải thăm sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi
>> Phố núi Đà Lạt rộn ràng tiếp sức mùa thi
>> Đại học Lạc Hồng tiếp sức mùa thi 2013
>> 90 chùa ở TP.HCM tiếp sức mùa thi
>> Đội nắng tiếp sức mùa thi

 Logo Tiếp sức mùa thi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.