Cội nguồn sức mạnh công an từ thế trận lòng dân

09/08/2015 05:34 GMT+7

Thế trận lòng dân đã tạo nên cội nguồn sức mạnh Công an nhân dân VN trong suốt 70 năm truyền thống vẻ vang, anh hùng.

Thế trận lòng dân đã tạo nên cội nguồn sức mạnh Công an nhân dân VN trong suốt 70 năm truyền thống vẻ vang, anh hùng.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng hoa chúc mừng thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM tặng hoa chúc mừng thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tối 8.8, Bộ Công an phối hợp UBND các tỉnh, thành: TP.HCM, Hà Nội, Hòa Bình, Gia Lai, Kiên Giang chỉ đạo tổ chức cầu truyền hình đặc biệt “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Tỏa sáng giữa đời thường”. Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân VN (19.8.1945 - 19.8.2015) và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19.8.2005 - 19.8.2015).
Sự hy sinh của đồng bào còn to lớn hơn
Cầu truyền hình mở đầu với câu chuyện từ mùa thu 70 năm trước: Lực lượng Công an nhân dân VN từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, cùng sự đóng góp to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Truyền thống vẻ vang, anh hùng của ngành công an luôn gắn liền với thế trận lòng dân mà trong đó có sự tiếp nối nhiều thế hệ, nhiều gương sáng giữa đời thường tự nguyện cống hiến, nhiệt thành hành động đã tạo nên cội nguồn sức mạnh giữ vững sự bình yên của cả cộng đồng.
Đến dự cầu truyền hình có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN Đỗ Bá Tỵ, các mẹ VN anh hùng, anh hùng LLVT, các đại biểu ưu tú đại diện cho “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” của cả nước, các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân, lãnh đạo các tỉnh, thành và đông đảo người dân...
Với những cán bộ, chiến sĩ đã từng trải qua những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng của đất nước đều có nhiều cảm xúc và kỷ niệm sâu sắc về cội nguồn sức mạnh nhân dân. Anh hùng LLVT Ngô Thị Huệ, nguyên cán bộ Công an TP.Đà Nẵng, được giao nhiệm vụ chiến sĩ giao liên cho lực lượng an ninh vũ trang Đà Nẵng trong giai đoạn kháng chiến. Bà Huệ nhớ lại: “Hoạt động giao liên thời điểm đó vô cùng khó khăn, nguy hiểm. Sự hy sinh của đồng đội là vô cùng to lớn nhưng sự hy sinh của đồng bào còn to lớn hơn. Tôi còn sống cũng là được sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Hoạt động giao liên hằng ngày, phải qua mắt sự theo dõi gắt gao của mật vụ, cảnh sát, tù đày, cái chết luôn kề bên. Nếu không có sự bảo bọc, nuôi dưỡng, che giấu của bà con mình thì lực lượng an ninh vũ trang nội thành của chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
“Tư tưởng gần dân, vì dân phải ăn sâu vào máu”
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam bộ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, vào những năm 80 của thế kỷ 20 là Phó công an H.Trần Văn Thời (Cà Mau). Ông Lắm phụ trách an ninh, trực tiếp cùng đồng đội bắt nhóm gián điệp, biệt kích đầu tiên xâm nhập bằng đường biển, mở ra chuyên án CM12. Nói về thành công cho chuyên án này, ông Lắm khẳng định: “Đó là chiến công của sự dũng cảm, mưu trí của các chiến sĩ công an khi tham gia chuyên án, nhưng nổi bật phải kể đến sự giúp đỡ của nhân dân vùng Cà Mau, Bạc Liêu. Người dân còn nhiệt tình giúp phương tiện, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ”.
“Một lần tôi cùng đồng đội ghé nhà một người dân để hỏi mượn chiếc xuồng. Sau khi dò xét và biết là công an đang làm nhiệm vụ, chủ nhà đã ra sau nhà rồi khuấy 2 ly trà đường, bưng lên, giọng như với con cháu trong nhà: Tui thấy hình như hai chú mỏi mệt lắm rồi phải không. Uống ly trà này cho lợi sức rồi ra lấy xuồng”, ông Lắm kể và nói: “Đã 35 năm rồi nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện này, tôi vẫn rất xúc động trước tấm lòng của bà con và không thể nào quên được sự giúp đỡ quý báu, sự đóng góp hy sinh to lớn của bà con”.
Tiết mục văn nghệ đặc biệt tại chương trình
Tiết mục văn nghệ đặc biệt tại chương trình - Ảnh: Doãn Tấn
Cũng từng trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ của đất nước, trung tướng Võ Thái Hòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định lòng dân là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định thành công đối với công tác của ngành công an. “Chúng ta phá được nhiều vụ án lớn cũng từ nhân dân. Không có nhân dân ủng hộ thì công an không thể phát triển lớn mạnh như hôm nay”, ông Hòa nói và khẳng định: “Góp phần làm nên thành công của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chính là luôn gần dân, san sẻ hiểu biết và phải làm hết sức cụ thể, không phải chung chung. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của người công an chứ không được làm lấy lệ, theo phong trào”.
Để luôn trọn vẹn với ý nghĩa của tên gọi "Công an nhân dân", theo ông Hòa, công an phải dựa vào dân, phải gần dân, phải trong sạch vững mạnh. Ông Hòa đúc kết: “Công an biết dựa vào quần chúng thì sẽ được quần chúng đùm bọc yêu thương. Tư tưởng gần dân, vì dân mà phục vụ phải ăn sâu vào máu thì mới nhân lên được sức mạnh của lực lượng công an”.
Chủ động tấn công tội phạm
Chia sẻ tại cầu truyền hình, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định nhiều cán bộ, chiến sĩ công an đã không quản ngại gian khổ, hy sinh trên các trận tuyến đấu tranh phòng chống tội phạm, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định kể từ ngày thành lập năm 1945, trải qua quá trình tôi luyện, phấn đấu và trưởng thành, Công an nhân dân VN luôn xứng danh là lực lượng tiên phong trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, kỷ cương xã hội. Khi chúng ta yên bình bên gia đình, hạnh phúc cùng bạn bè, thì ngoài kia những chiến sĩ công an vẫn đang âm thầm, ngày đêm bám sát địa bàn, dũng cảm đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, chiến đấu bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Với quyết tâm giữ vững bình yên cuộc sống, lực lượng công an đã có nhiều phương án phá án sáng tạo, táo bạo, có tác dụng răn đe trấn áp tội phạm.
Theo ông Nhân, trước tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, nhiều “điểm nóng” về an ninh trật tự, lực lượng công an càng phải tận tụy, chấp nhận hiểm nguy và cả sự hy sinh, chủ động tấn công tội phạm bằng những chuyên án lớn trong đó có những chuyên án xuyên quốc gia.
 
Công an TP.HCM khánh thành trụ sở làm việc mới
Công an TP.HCM hôm qua đã tổ chức lễ khánh thành công trình trụ sở làm việc mới tại số 268 Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1. Đến dự có thượng tướng Bùi Quang Bền, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng đại diện lãnh đạo các tổng cục thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TP.HCM, các sở, ban, ngành...
Trụ sở làm việc mới của Công an TP.HCM
Trụ sở làm việc mới của Công an TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trụ sở được xây dựng với quy mô 4 khối nhà có tổng diện tích sàn trên 70.000 m2, trong đó có 2 khối nhà 16 tầng, 1 tầng hầm; tổng kinh phí đầu tư gần 1.200 tỉ đồng. Tại buổi lễ, thượng tướng Bùi Quang Bền biểu dương sự cố gắng của tập thể lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TP.HCM và lực lượng cán bộ chiến sĩ trong việc nỗ lực triển khai tham mưu đề xuất, theo dõi, kiểm tra giám sát việc xây dựng công trình; đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các nhà thầu hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng công trình.
Đàm Huy
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.