“Cơm di động” và những Lục Vân Tiên thời đại

15/07/2021 16:16 GMT+7

Những chiếc xe máy chở những thùng “cơm di động miễn phí” chạy khắp TP.HCM đưa cơm tới cho những người nghèo, người yếu thế trong thành phố.

Lực lượng “shipper cơm miễn phí” này là những người chạy xe ôm chuyên nghiệp, những shipper mất việc làm do dịch bệnh lan tràn, và cả những người tình nguyện “chay”, thấy việc nghĩa thì làm, thế thôi. Mỗi ngày các tình nguyện viên chạy xe mang 1.000 phần cơm đi khắp TP.HCM để phát cho người nghèo trong Covid-19. Mỗi ngày, từ 7 giờ, khoảng 20 người bắt đầu nấu nướng tại căn nhà ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), cũng là trụ sở của nhóm, mang tên “Bếp yêu thương”.
Càng phải giãn cách vì dịch bệnh, thì người Sài Gòn càng siết chặt tình nghĩa, không phân biệt giàu nghèo, sống vì nhau, sống vì những người yếu thế, người cơ nhỡ, người gặp cảnh ngặt nghèo.
Không nói nhiều, chỉ lặng lẽ làm việc nghĩa, đây không còn là “cho” và “nhận”, đây là “làm thành phẩm” và “nhận thành quả”, một cách vận hành xã hội lý tưởng mà biết bao nhà hiền triết, nhà nhân văn đã từng ao ước được thấy trong xã hội loài người. Bởi, tới lượt mình, những người “nhận thành quả” sẽ “làm thành phẩm” cho người khác, và cứ thế, cái “Quy luật muôn đời” mà một nhà văn Xô Viết từng khát khao trong cuốn tiểu thuyết cực hay của mình sẽ được thực hiện.
“Quy luật của muôn đời”, đó là quy luật của lòng nhân ái, khi cho và nhận chỉ là sự trao đổi tự nhiên giữa người và người, không kèm theo bất cứ điều kiện nào. “Bếp yêu thương” chính là hình mẫu của xã hội lý tưởng ấy, nó sẽ còn tồn tại lâu hơn cả dịch bệnh, vì nó là hiện thân của lòng nhân ái, của những gì đẹp nhất từ con người có thể làm được cho con người.
Dịch bệnh là tai họa. Không ai mong muốn có tai họa cho xã hội, nhưng ai cũng mong được thấy trong tai họa sáng lấp lánh lên những điều nhân nghĩa, như trong truyện thơ bất tử Lục Vân Tiên của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Từ truyện thơ Lục Vân Tiên, người ta học được cách sống nghĩa hiệp, sống xả thân vì người khác, vì người yếu thế, người cần được che chở yêu thương...
Ngay trong lúc khó khăn nhất, tình người vẫn hiển hiện như ngọn lửa ấm áp, và chúng ta có thể hình dung những người tình nguyện làm shipper chở cơm tới mọi con hẻm nghèo nàn nhất thành phố cho người đang cần hỗ trợ, họ như những Lục Vân Tiên của thời đại mới. Chính điều đó khiến chúng ta ấm lòng biết bao!
Khi những Lục Vân Tiên trở lại, bạn có thể tưởng tượng một cuốn tiểu thuyết hay một bộ phim có nhan đề như thế không? Bởi chúng ta đã thấy những hình mẫu thật như thế ngoài đường phố rồi, chuyện những nhân vật ấy vào điện ảnh hay vào tiểu thuyết chỉ là chuyện thời gian thôi.
Và tôi nghĩ, ngay từ thời Nguyễn Đình Chiểu còn sống, đã có "cơm di động" mang tới cho người nghèo. Không có phương tiện chuyên chở bằng xe máy, nhưng cơm thiện nguyện thì đã có. Văn hóa bắt đầu từ đó, từ thiện tâm của con người...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.