(Tin Nóng) Nước Việt Nam ta dáng dấp cực kỳ hùng vĩ, cong chữ S tựa rồng thiêng vùng vẫy Biển Đông. Rất nhiều món ăn trong ngày tết, lễ hội mô phỏng hình đất nước Việt, nhưng ý nghĩa nhất phải kể món cơm tạo hình Việt Nam.
Cơm, thức ăn hàng ngày, tượng trưng cho ẩm thực Việt, người Việt nào dù xa quê hương cách mấy vẫn không thể bỏ cơm, thay cơm bằng bánh mì, mì, phở…; vì vậy cơm tạo hình nước Việt vừa đặc sắc vừa thể hiện phong cách Việt. Gạo nấu cơm phải là gạo dẻo mới gặt, chưa chín nồi cơm mà hương đã bay sực nức nhà. Nếu được loại gạo tám xoan Hải Hậu, Nàng Hương Chợ Đào, nương Điện Biên thì thật tuyệt.
Để tạo nên món cơm bản đồ nước Việt, cần hai màu vàng, xanh. Cây dành dành hoa thơm trắng muốt khi đậu trái vàng rực cho một thứ nhuộm cơm tuyệt sắc ngon vô cùng. Lá dứa quê mùa chân chất đâm nhuyễn chắt lấy nước cốt xanh mượt làm màu cơm thứ hai.
Táo Sa Pa đỏ chói chang, ruột ngọt chua được ưu tiên hàng đầu, tỉa tót dăm ngôi sao đỏ để gắn nơi thủ đô, thành phố, hải đảo, phần còn lại thái hạt lựu ngâm nước muối nhằm giữ dáng óng ả.
Mít miền Nam nổi tiếng ngọt lịm, múi to, dân Nam Bộ còn sáng chế ra món mít hầm, và mít hầm chính là một trong các thành phần cốt cán của cơm tạo hình Việt Nam. Thái hạt lựu mít hầm ướp tí muối vừng, ít đường cát xay nhuyễn, tiêu, xong để yên chờ ngấm gia vị.
Ra xứ Huế mà không thưởng thức bún hến, cháo hến, cơm hến coi như nỏ nhớ nỏ thương. Hến rửa, đãi vỏ thiệt kỹ, nêm nước mắm, tiêu, đường cho thêm đằm thắm.
Quả thơm (dứa) lựa trái mắt to, màu cam ánh vàng, liền lạt, nhớ xem kỹ đừng có bị bầm dập chỗ nào, rửa sạch sẽ, gọt vỏ, xắt hình con cờ be bé.
Nghệ thuật nhuộm cơm ngàn xưa tới nay coi dễ vậy mà khó, gạo trước khi nấu phải chia ra hai phần, phần ngâm dành dành, phần ngâm lá dứa. Lúc nấu nếu chế nước ào ào ngay phút đầu coi như bể nồi bể ơ, ông bà nói có dụng công mới có công trạng, cực khổ chút thôi cơm mới lành canh mới ngọt. Hai nồi cơm vàng, xanh nấu riêng, chỉ chế nửa phần nước cốt dành dành hay lá dứa vô nồi cùng gạo rồi đun lửa riu riu, cơm sắp cạn rót phần nước tạo màu còn lại vào, xới đều tay xong đậy nắp nồi kín ngay lập tức, sắp tàn cây nhang thì rút bớt lửa. Lửa tắt, tro hết hực nóng, mở hai nồi cơm ra, bên vàng hừng hực, bên xanh mướt y hệt cánh đồng mạ non.
Phần nhân quan trọng chẳng kém, phi hành tỏi, trút tuần tự táo Sapa, mít hầm, hến, thơm xào lanh tay sao cho mọi thức xém cháy lửa mà không kịp ra nước.
Muốn lên hình dĩa cơm đầy đặn, góc cạnh nhất quyết cần khuôn cơm, tức khuôn hình nước Việt Nam. Trước tiên đế khuôn được canh cắt từ các hình trên bìa tập hay bản đồ, nhưng tới thân khuôn phải khéo léo cẩn thận dùng giấy cứng viền đứng theo đế khuôn rồi nghiền dăm hạt cơm dán cứng chỗ mối nối, thân khuôn hoàn toàn tách rời với đế khuôn.
Phần trình bày dĩa cơm hết sức quan trọng, đặt thân khuôn giữa đĩa, cố định thân khuôn xong mới chậm rãi rắc cơm vàng vô, lớp cơm lớp nhân cho tới khi đầy miệng khuôn, lớp cơm trên cùng, cơm xanh ém chặt quanh thân khuôn. Khi rút thân khuôn ra cần rút nhè nhè cho cơm vàng không lẫn qua cơm xanh, sau đó gắn các ngôi sao đỏ vào vị trí tượng trưng cho Hà Nội, Huế, TP.Hồ Chí Minh, hải đảo; rắc táo đỏ, thơm vàng, hến, mít hầm chỗ này chỗ kia, gia dặm chút ngò xanh… Dĩa cơm Việt Nam chào khách mới đẹp làm sao, sắc vàng lung linh nổi bật trên nền xanh thẳm, điểm tô đỏ, vàng, trắng, hệt nước Việt Nam ta giữa sông núi đại dương xinh tươi.
Múc muỗng cơm nếm nhẹ, mùi thơm thoang thoảng hương núi rừng Sa Pa, hương đồng nội lúa trổ đòng đòng phương Nam, giòn giòn hến ngòn ngọt Huế thơm hòa quyện cùng deo dẻo cơm gạo lúa mới gặt, thật quyển rũ xiết bao. Càng ăn càng mê, dùng no nê rồi vẫn muốn dùng thêm, nhớ mãi vị có một không hai của món cơm tạo hình nước Việt Nam tươi đẹp.
Bài, ảnh: Dương Văn Minh Lộc
>> Bữa cơm mùa lụt
>> Làng Thị Cấm tưng bừng ngày hội thổi cơm
>> Cao lầu Hội An: Một trong 10 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á
>> Bến Thành nằm trong top 45 chợ ẩm thực ngon nhất thế giới
>> Vị đại sứ của ẩm thực Huế
Bình luận (0)