Còn đó nỗi đau nước Mỹ

09/09/2011 23:42 GMT+7

Những thước phim đau thương về cuộc khủng bố ngày 11.9 hay mô tả trận chiến tại Iraq và Afghanistan suốt một thập niên vẫn luôn được người xem quan tâm với nhiều luồng dư luận khác nhau.

Thấm đẫm nỗi buồn

Đa số những bộ phim về ngày 11.9 đưa ra cách mà nước Mỹ giải quyết thảm họa nhưng không kèm theo giải pháp để bi kịch không xảy ra lần nữa. “Một trong những điều mà Hollywood muốn là một kết thúc có hậu cho phim, nhưng không thể”, Wheeler Winston Dixon - tác giả quyển Điện ảnh và truyền hình sau ngày 11.9, hiện là giáo sư Đại học Nebraska, Lincoln (Mỹ) nhận định.

Có hai dòng phim liên quan đến sự kiện 11.9. United 93 (Chuyến bay United 93) và World Trade Centre (Trung tâm thương mại thế giới) là hai bộ phim cố gắng tái tạo trung thực nhất vụ khủng bố tại New York, nhằm khơi gợi lòng yêu nước nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích từ báo giới khi tái hiện lại quá thật nỗi đau của gia đình những nạn nhân. Dòng phim thứ hai gián tiếp đề cập đến hệ lụy kéo theo của sự kiện 11.9 là hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan với sự tham gia diễn xuất của hàng loạt ngôi sao Leonardo DiCaprio, Russell Crowe, Matt Damon, Reese Witherspoon, Sean Penn, Naomi Watt… trong các phim Body of lies (Điệp vụ cá đuối), Fair game (Trò chơi sòng phẳng), The hurt locker (Người chẳng thương vong)...

 
Cảnh trong phim The hurt locker - Ảnh: IMDB

 

“Tôi không cho rằng khán giả thật sự muốn hồi tưởng lại quá khứ đầy bi kịch, một trong những nỗi đau lớn nhất của dân tộc. Đơn giản vẫn còn quá sớm để nhắc lại mọi chuyện”, nhà phê bình phim Claudia Puig viết trên tờ USA Today.

Doanh thu từ các bộ phim này đã nói lên tất cả. So với nhiều bộ phim “bom tấn” lấy ý tưởng từ truyện tranh như Iron man (Người sắt), X-men (Dị nhân) hay Spider man (Người nhện)… thì doanh số bán vé các phim liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự kiện 11.9 đều thua xa. Thậm chí như The hurt locker từng đoạt Oscar 2010 hạng mục Phim xuất sắc nhất chỉ thu được 49 triệu USD trên toàn cầu.

Thay đổi quan điểm

Thập niên 1980, những người Ả Rập thường được đặc tả là kẻ thủ ác trên màn bạc lẫn truyền hình, gắn liền với khủng bố, không tặc, giết người. Nhưng sự kiện 11.9 đã làm thay đổi cách suy nghĩ của những nhà làm phim.

“Thế giới trở nên hỗn tạp hơn. Một lớp sương mù bao phủ quanh những người Hồi giáo”, Lawrence Wright - tác giả kịch bản phim The siege (Bao vây) sản xuất năm 1998 kể về nhóm Hồi giáo cực đoan tấn công thành phố New York - kết luận. Giờ đây, điện ảnh Mỹ không dám, hay nói khác đi là ngại ngần đề cập hoặc xây dựng hình tượng nhân vật thuộc phe ác trên phim ảnh liên quan đến người Ả Rập do e ngại làn sóng phản đối từ người Hồi giáo cả trong lẫn ngoài nước Mỹ.

Truyền hình cũng phải thay đổi quan điểm. “Mọi thứ trở nên sâu sắc và phức tạp hơn nhiều. Nội dung lẫn cảm xúc truyền tải của bộ phim truyền hình dài tập Homeland (Quê nhà) vén bức màn kinh dị về chính trị sau bước chân trở về của người lính từ Iraq. Bộ phim thật sự nêu bật được tâm lý, mối quan tâm của đại đa số công chúng: nước Mỹ đã, đang và sẽ làm thế nào để tìm ra giải pháp nhằm không để đau thương lặp lại sau 10 năm dài?”, nhà sản xuất phim Homeland Alex Gansa lên tiếng.

Mỹ sắp tưởng niệm những nạn nhân vụ khủng bố 11.9. Nhiều chương trình truyền hình, phim truyện lẫn tài liệu sẽ đưa khán giả trở lại với tấn bi kịch của 10 năm trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán rất ít người bật ti vi xem lại sự kiện này, cho dù đó là phim kể lại cuộc tấn công Trung tâm thương mại thế giới hay tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. “Đơn giản bởi người Mỹ cần đủ thời gian để quên đi quá khứ và quan trọng nhất là hầu hết các phim này đều có cái kết không như họ mong muốn”, giáo sư Dixon nhận định.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.