Con đường gian nan đến trường của một thủ khoa

17/08/2011 20:34 GMT+7

Mang tiếng là nhà ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam), nhưng để tìm đến được nơi cư ngụ của cậu thủ khoa ĐH Y Dược TP.HCM Nguyễn Tấn Phong, phải băng qua mấy quãng đồng, mấy nghĩa trang cùng những con đường đầy nắng, gió và cát trắng…

Căn nhà của tân thủ khoa ĐH Y Dược rất sạch sẽ tinh tươm, nhưng thiếu trước hụt sau, không có thứ gì có giá trị. Thứ giá trị nhất có lẽ là chiếc xe đạp cọc cạch hằng ngày theo chân Phong đến trường. Chị Trần Duy Duyên, mẹ Phong ái ngại mời khách ngồi uống nước: “Nhà này không phải nhà của mẹ con tui, mà là nhà bà ngoại.

Cũng vì sự học của các con mà tui đã bán nhà cách đây 3 năm rồi!”. Và câu chuyện được mẹ Phong thuật lại khiến ai cũng rơi nước mắt: Năm 2008, anh trai Phong - Nguyễn Trần Vũ cũng đậu thủ khoa vào ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhưng quyết định học ĐH Y Dược TP.HCM với số điểm 27. Không có tiền cho con vào Sài Gòn đi học, chị Duyên quyết định bán nhà. Căn nhà tuềnh toàng không bao nhiêu tiền, nhưng đủ để Vũ tằn tiện chăm lo cho việc học trong năm học đầu tiên. Cả nhà dọn sang bà ngoại để ở nhờ suốt 3 năm nay. “3 đứa con trai, đứa nào cũng chăm làm, siêng học, nên tui thấy vậy là mãn nguyện rồi, khổ cực răng cũng chịu được!”, chị Duyên nghèn nghẹn.  

Ngày mẹ đưa Phong đi thi vào ĐH Y Dược ở cụm thi Quy Nhơn (Bình Định), để tiết kiệm, 2 mẹ con phải đùm theo gạo và dưa muối sẵn, cùng gạo nếp và đậu. Vào đến Bình Định, những ngày Phong thi, mẹ đều mượn bếp của những người dân ở đây, để nấu xôi đậu cho Phong ăn sáng đi thi, trưa nấu cơm ăn với dưa muối. Với điều kiện khó khăn như vậy, Phong vẫn tự tin dự thi và đạt thủ khoa với số điểm làm ai cũng ngưỡng mộ: toán 10 điểm; hóa 9,75 điểm; sinh 9,75 điểm.  

Không chỉ là thủ khoa của trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phong còn đậu vào khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM với số điểm 27.

Bí quyết học tập của Phong thật đơn giản: “Em không có nhiều thời gian để học vì còn phải làm rất nhiều việc, nên em luôn tranh thủ từng chút thời gian quý báu”. Hằng ngày, Phong nghe thầy cô giảng bài nào là về học ngay những bài đó để nhớ lâu hơn, những dạng bài hay, lạ là chép vào vở ngay, có những bài toán đơn giản thì cố gắng làm cho nó trở nên phức tạp hơn để tìm hướng giải quyết mới… Nhà không có máy tính, nên Phong thường phải nhờ bạn bè lên mạng tải đề các môn về tự giải.

Khi nói đến chuyện vào TP.HCM ở cùng anh Vũ, Phong cho biết 2 anh em học cùng trường nhưng khác khoa (anh Vũ khoa Y, còn Phong khoa Dược) nên ở rất xa nhau. Phong tính toán trong tiếng thở dài của bà và mẹ: “Trước mắt, em sẽ phải mượn tạm tiền vay của anh Vũ để vào nộp cho trường, khi có giấy báo nhập học của em mẹ sẽ vay để gửi lại cho anh nộp học sau. Sau đó em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm. Nghĩ đến nợ nần, mẹ lại thêm một mối lo lớn vì nhà đã nợ quá nhiều rồi. Nhưng không làm vậy thì chẳng biết phải làm sao để vào được đại học!”. Con đường đến trường của tân thủ khoa còn rất nhiều gian nan… 

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.