Con đường Steve Jobs - Kỳ 4: Câu chuyện đồ chơi

04/11/2011 16:29 GMT+7

Sau vài tiếp xúc từ các nhà lãnh đạo Disney, nhóm làm phim Pixar đã đến dự cuộc họp tại trụ sở Disney ở Burbank với dự án sản xuất một bộ phim hoạt hình truyền hình dài một giờ do Disney bỏ vốn.

>> Kỳ 3: Học từ những sai lầm

Disney đã làm mọi người bất ngờ bằng cách bác bỏ ý tưởng làm phim hoạt hình truyền hình và đưa ra đề nghị đối ứng là một hợp đồng cho Pixar sản xuất phim hoạt hình điện ảnh.

Hàng loạt cuộc họp tại Disney đã dẫn tới điều mà Ad Catmull và Alvy Ray Smith ao ước lâu nay: Pixar sẽ sản xuất, Disney phát hành bộ phim truyện hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới. Nhóm làm phim Pixar đã không ngờ họ sẽ được đề nghị làm phim điện ảnh, dù đó chính là mục tiêu nhiều năm qua của họ.


Toy Story, bộ phim đã làm nên tên tuổi Pixar 

Ý tưởng đầu tiên Lasseter trình bày cho Jeffrey Katzenberg của Disney có tựa đề Toy Story (Câu chuyện đồ chơi). Không có nhiều nhân vật cũng như cốt truyện ban đầu được lên phim, nhưng tựa đề, tất nhiên, đã lên màn ảnh rộng. Katzenberg - Giám đốc Walt Disney Studios dưới quyền Michael Eisner, CEO của tổng công ty - có thể là người rất khó làm việc: Ông ta là bạo chúa, thậm chí gần như khoe khoang về điều đó. Nhưng ông là người hướng dẫn và tư vấn sáng tạo cho Lasseter và nhóm của ông này. Ông không bao giờ bảo "Làm cái này" hoặc "Làm cái kia", mà chỉ nói "Cái này không hiệu quả". Xem những cảnh trong phim, nếu cảm thấy câu chuyện bắt đầu lê thê, ông ấy sẽ bảo Lasseter: "Đoạn này là để ăn bắp rang".

Trong nhiều tháng trời làm phim - bao gồm cả khoảng vài tháng khi Disney ra lệnh tạm ngưng cho đến khi Lasseter và nhóm của ông ấy tìm ra giải pháp tin cậy đối với một số vấn đề về sáng tạo, chẳng hạn như nhân vật Woody quá tiêu cực và không đáng yêu - chi phí cứ tăng lên. Cuối cùng chi phí đã lên đến 6 triệu USD. Disney khăng khăng đòi Steve Jobs bảo hiểm việc hoàn thành bộ phim bằng cách phải đưa ra 3 triệu USD, sử dụng tài sản cá nhân của anh làm vốn đối ứng.

 
Bìa sách Con đường Steve Jobs

Steve bắt đầu cảm thấy hối hận về hợp đồng với Disney; thậm chí anh còn bắt đầu nghĩ rằng giá anh chưa bao giờ thu tóm Pixar thì khỏe rồi.

Bởi vì chi phí đội lên quá nhiều, việc cấp vốn cho Toy Story bắt đầu trở thành một thảm họa. Trừ phi bộ phim làm ra được nhiều tiền hơn hẳn bất cứ bộ phim hoạt hình nào gần đây của Disney, nếu không Steve sẽ không bao giờ thu hồi được vốn đầu tư của anh. Thật sự nó phải trở thành một thành công phòng vé bất ngờ, mang về ít nhất 100 triệu USD, thì Steve mới mong có thu nhập.

Tệ hơn nữa, giờ Steve mới nhận ra vì sao Disney lại hăm hở giữ lấy tất cả thu nhập từ những sản phẩm ăn theo phim - đồ chơi, trò chơi, búp bê, áo thun, thức ăn nhanh và nhiều thứ khác. Thậm chí nếu bản thân bộ phim không kiếm được nhiều tiền, Disney cũng có thể nhìn dòng tiền lớn đổ về từ những nguồn phụ ấy. Steve trở nên hiểu rõ cách làm của Hollywood nhưng bài học này có vẻ quá đắt.

Và sau đó, hết sức bất ngờ, tình hình đảo chiều ngoạn mục. Nhóm tay mơ của Steve trong những cuộc liên kết làm phim lớn này đã chứng minh họ thật sự thuộc về những liên minh lớn đó. Michael Eisner đã quyết định hoãn ra mắt Toy Story. Thay vào lịch phát hành đã định, đây sẽ là bộ phim bom tấn của Disney vào dịp lễ Giáng sinh. Kết cuộc, Eisner gọi bộ phim này "vừa hoành tráng vừa đáng yêu".

Mất khoảng 5 năm từ lúc ký hợp đồng cho đến khi Toy Story công chiếu lần đầu, nhưng đối với những người liên quan, nó bõ công lao và chờ đợi. Nhiều người hoài nghi rằng liệu một công ty được dẫn dắt bởi Steve Jobs, một nhà công nghệ, có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đáng ca ngợi không. Nhưng những nghi ngờ ấy dựa trên một sự hiểu lầm. Ngay từ đầu hợp đồng Pixar nói rõ rằng Steve sẽ chịu trách nhiệm giao dịch kinh doanh, và nhóm làm phim sẽ có quyền hạn tuyệt đối và duy nhất đối với các quyết định sáng tạo.

Sau khi trình chiếu vào tuần Lễ tạ ơn, năm 1995, bộ phim nhận được khen ngợi nhiệt liệt từ giới phê bình, phụ huynh, trẻ em - mọi thành phần khán giả, mọi nơi trên thế giới. Bộ phim, mà cuối cùng tốn khoảng 30 triệu USD, đã thu về 190 triệu USD tại Mỹ và tổng cộng 300 triệu USD trên toàn cầu. Nó đã đưa nhà sản xuất, Pixar, trở thành ngôi sao trên bầu trời Hollywood.

Lúc tôi viết quyển sách này, năm 2010, Pixar là hãng duy nhất trong số những hãng phim của Hollywood chưa bao giờ thua lỗ trong bất kỳ dự án phim nào.

Và tất cả những điều đó là nhờ Steve Jobs.  

G.K (lược trích)

Con đường Steve Jobs, tác giả: Jay Elliot - Bill Simon, người dịch: Lại Hoàng Hà - Trần Thị Kim Cúc, NXB Trẻ phát hành hôm nay, dày 340 trang, giá bìa 76.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.