'Con đường tơ lụa' mới của Trung Quốc không 'bằng phẳng'

20/04/2015 13:31 GMT+7

(TNO) Dự án 'con đường tơ lụa' của Trung Quốc sẽ phải mất hàng thập niên để hoàn thành vì các rào cản đến từ các nhóm khủng bố và mức tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc trong tương lai.

(TNO) Dự án 'con đường tơ lụa' của Trung Quốc sẽ phải mất hàng thập niên để hoàn thành vì các rào cản đến từ các nhóm khủng bố và mức tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc trong tương lai.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hi vọng rằng thương mại hằng năm giữa Trung Quốc với các quốc gia có con đường tơ lụa đi qua sẽ cán mốc 2,5 nghìn tỉ USD trong một thập niên - Ảnh: Reuters
Tờ South China Morning Post hôm 19.4 dẫn lời học giả Shi Ze, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho biết nhiều yếu tố xuất phát từ bên trong và ngoài Trung Quốc phải được tính đến trước khi quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỉ USD của nước này bắt đầu được sử dụng.
“Trong suốt lịch sử, Trung Quốc rất hiếm khi đưa ra các mô hình hợp tác quy mô lớn như thế này. Do đó, có một số bất ổn đang hiện diện. Có nhiều thách thức, rủi ro và chúng ta không nên mong đợi sẽ giải quyết tất cả chúng chỉ trong một, hoặc hai năm. Có thể mất đến một thập niên, hoặc đến cả một thế hệ”, Shi Ze nói.
Cụ thể, vị học giả này cho rằng các phiến quân Hồi giáo đang hoạt động tại các nước ở Trung Á, điển hình là Cộng hòa Turkmenistan, có thể gây ra mối đe dọa cho hoạt động đầu tư trong tương lai.
“Con đường này được lát bằng vô vàn khó khăn. Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng đặt ra mối đe dọa lớn cho Con đường tơ lụa mới”, ông nói.
Trung tâm quốc tế nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan và bạo lực chính trị, có trụ sở tại London (Anh), cho biết khoảng 350 phiến quân người Turkmenistan đã gia nhập IS kể từ năm 2012.
Shi Ze dẫn thêm một yếu tố có thể gây rủi ro cho việc đầu tư của Trung Quốc: “Nhiều nước ở Trung Á như Uzbekistan và Kazakhstan đang được dẫn dắt bởi những người trên 70 tuổi và hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người thay thế các vị này khi họ không còn có thể lãnh đạo quốc gia”.
Đối với nguyên nhân xuất phát từ nội bộ, học giả Shi Ze cũng đặt câu hỏi liệu rằng Bắc Kinh có đủ năng lực tài chính để đầu tư mạnh vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại hay không? Tăng trưởng GDP trong quý đầu năm nay của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Rủi ro cuối cùng của kế hoạch con đường tơ lụa mới đầy tham vọng của Trung Quốc là việc Mỹ sẽ không ủng hộ, thậm chí còn phản đối. Trước đó, vào năm 2011, Mỹ đã trình bày sáng kiến con đường tơ lụa mới của riêng nước này nhằm giúp Afghanistan hòa mình vào các nước lân cận, đồng thời xây dựng thị trường năng lượng, cải thiện thương mại, vận tải, thủ tục hải quan… ở khu vực này.
Quỹ Con đường tơ lụa 40 tỉ USD của Trung Quốc là khoản tiền mà nước này sẽ dùng để cấp vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo mối liên kết bền chặt giữa các nước mà con đường này đi qua. 
Con đường tơ lụa mới trên bộ sẽ bắt đầu ở Tây An, miền trung Trung Quốc rồi kéo dài sang phía tây, qua Trung Á, Nga và châu Âu. Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 sẽ chạy từ Eo biển Malacca qua Ấn Độ, Trung Đông và Đông Phi.
"Phá vỡ nút thắt cổ chai về kết nối" là mục đích chính của cả hai con đường đầy tham vọng trên. 
Reuters hôm 17.4 cho biết Bắc Kinh vừa thành lập một nhóm điều phối cấp cao, giám sát kế hoạch tiến hành Con đường tơ lụa mới. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng thể hiện hi vọng rằng thương mại hằng năm giữa Trung Quốc với các quốc gia có con đường tơ lụa đi qua sẽ đạt mốc 2,5 nghìn tỉ USD trong một thập niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.