Con đường vỡ nợ của Tòng ‘Thiên Mã’

02/04/2016 06:26 GMT+7

*Từng là một trong 7 doanh nhân giỏi nhất VASEP

*Từng là một trong 7 doanh nhân giỏi nhất VASEP

Tòng “Thiên Mã” và một trong các xe biển số “độc” - Ảnh: Mai TrâmTòng “Thiên Mã” và một trong các xe biển số “độc” - Ảnh: Mai Trâm
Được người dân miền Tây xem như “đại gia thủy sản thành đạt” với hàng loạt nhà máy chế biến cùng siêu xe mang biển số tứ quý, nên việc Phan Bá Tòng (42 tuổi, Giám đốc Công ty Thiên Mã, KCN Trà Nóc 2, TP.Cần Thơ - còn gọi là Tòng “Thiên Mã”) bị bắt đang gây xôn xao dư luận.
Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2005, Công ty Thiên Mã được thành lập với vốn điều lệ 70 tỉ đồng. Lúc bấy giờ, nhiều công ty thủy sản gặp khó khăn trong sản xuất, nguồn vốn nhưng Tòng vẫn mạnh dạn đầu tư cơ sở nuôi trồng khiến nhiều doanh nghiệp giật mình. Ông H., một doanh nghiệp thủy sản tại Cần Thơ, kể: “Công ty Thiên Mã sản xuất rất ít. Có ngày không có nguyên liệu để sản xuất. Thế nhưng, Tòng có báo cáo kinh doanh khủng. Không bao lâu, Tòng xây dựng tiếp 2 nhà máy và thuê mảnh đất để nuôi trồng thủy sản”.
Năm 2009, 2 nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3 được xem là công ty “con” của Công ty Thiên Mã hoàn thành. Lập tức, giám đốc Tòng báo cáo kết quả công ty như điển hình cho sự thành đạt. Lúc cao điểm, Tòng khoe 3 nhà máy thu hút đến 3.500 công nhân với tổng công suất lên đến 300 tấn nguyên liệu mỗi ngày, thị trường xuất khẩu được phát triển tới 40 nước. Công ty tiếp tục đầu tư hệ thống 12 trang trại thủy sản khép kín từ khâu sản xuất cá bột rồi đưa qua ao nuôi 40.000 tấn cá da trơn mỗi năm. Tổng vốn đầu tư ban đầu cho 100 ha đất trang trại này là 200 tỉ đồng, đó là chưa tính đến thiết bị, dây chuyền chế biến. Tòng khoe 2 nhà máy Kim Ngư và Thiên Mã 3 mới đi vào hoạt động đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD.
Năm 2011, Công ty Thiên Mã bắt đầu có dấu hiệu sụp đổ. 3 nhà máy ngưng hoạt động, hằng ngày, hàng ngàn công nhân khiếu nại đòi lương. Giám đốc Tòng thường xuyên... không nghe điện thoại và hứa hẹn, kéo dài thời gian thanh toán nợ. Căn nhà của Tòng luôn trong tình trạng cửa đóng then gài. Mỗi ngày, nhiều chủ nợ túc trực trước cổng. Trong đó, có nhiều nông dân bán cá nguyên liệu cho Tòng nhưng bị Tòng chiếm dụng tiền. Đáng chú ý, thời điểm này cũng là lúc một số ngân hàng bắt đầu phải xử lý nợ quá hạn đối với các công ty của Tòng. Không còn cách cứu vãn, Tòng tự tuyên bố vỡ nợ.
Theo báo cáo của Tòng, công ty đang nợ 5 ngân hàng với số tiền hơn 430 tỉ đồng, gấp 8 lần vốn điều lệ của công ty. Bên cạnh đó, công ty nợ nhiều chủ nợ bên ngoài hơn 50 tỉ đồng không có khả năng thanh toán. Một số chủ nợ kiện Tòng ra tòa yêu cầu thanh toán nợ. Năm 2014, Chi cục Thi hành án dân sự Q.Ô Môn đã kê biên, phát mãi chiếc xe ô tô Hummer H2 biển số 95H-3333 trị giá khoảng 4 tỉ đồng và nhiều xe sang khác với biển số “độc”, trong đó có xe BS 95H-9999... Tuy nhiên chiếc xe Hummer H2 biển số 95H-3333 trước đó Tòng đã dùng để thế chấp trong một gói tín dụng vay khoảng 10 tỉ đồng từ ngân hàng...
Hôm qua, nguồn tin từ C46 cho biết, vẫn đang tiến hành lấy lời khai của Tòng “Thiên Mã” và kế toán trưởng Trần Thị Diễm. Một nguồn tin cho biết, ngày 31.3, cán bộ điều tra C46 đã mời Tòng “Thiên Mã” và bà Diễm lên trụ sở Bộ Công an phía nam để làm việc như những lần trước đó. Tại đây, các cán bộ C46 đã vào TP.HCM để tống đạt lệnh khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị can này trong chiều cùng ngày.
C46 cho hay ông Tòng “Thiên Mã” từng là một trong 7 doanh nhân giỏi nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP).
Ngọc Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.