Cơn lốc vàng Tà Rụt

23/05/2008 02:08 GMT+7

Kỳ 1: Mót vàng Những năm gần đây, bộ mặt trung tâm xã Tà Rụt, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị biến đổi nhanh chóng nhờ vàng. Nhà cao tầng mọc lên, xe máy chạy đầy đường, quán xá chen chúc... Nhưng cũng vì vàng mà môi trường ô nhiễm, học sinh bỏ học, tệ nạn ngày càng tăng.

Băm nát dòng sông

Từ cầu treo nối với quốc lộ 9, vượt khoảng 40 cây số đường dốc ngoằn ngoèo, nhiều khúc cua "khuỷu tay", chúng tôi đến được địa phận xã Húc Nghì. Sông Đakrông chảy dọc theo con đường nước đục ngầu, mặc dù những ngày đó trời không mưa. Anh bạn đi cùng bảo đó là do đào đãi vàng đấy, nếu trời mưa thì nước ở các khe và hốc cũng phải đục chứ, đằng này chỉ có nước sông. Quả thật, còn gần 20 km nữa mới tới xã Tà Rụt nhưng ở đoạn này đã xuất hiện nhiều lều bạt được dựng lên để đãi vàng. Điểm đầu tiên, chúng tôi bắt gặp 2 người đàn ông đang ngụp lặn dưới dòng nước chảy khá xiết. Họ gập người sâu xuống nước quơ vét khoảng 3 phút rồi bưng lên một ít đất sau đó lọc đãi. Hai người này làm việc rất miệt mài, không hề ngẩng mặt nhìn xung quanh.

Chạy thêm một đoạn nữa lại thấy một nhóm người già, trẻ, gái, trai đang lập lán để tìm vàng ở một bãi bồi trên sông Đakrông. Nhóm người này đãi bằng máng, dùng xe "rùa" chở đất múc ở bãi bồi đưa xuống máng gỗ đặt dưới dòng nước chảy để lọc vàng. Một cô gái trạc 17 tuổi để ướt nguyên bộ váy hoa Vân Kiều chăm chú vào máng gỗ, nghe tiếng gọi từ xa cô mới ngước nhìn lên. Hỏi: "Có gì bán không?", sau một hồi nhìn nhau và nói cái gì đó, những người này mới trả lời: "Không có. Đã có người mua rồi". Thứ mà họ bán chính là vàng sa khoáng, nó có màu đen, sau khi qua công đoạn chắt lọc tinh chế mới trở thành sản phẩm lóng lánh ánh vàng quý giá.

Việc đãi vàng sa khoáng nhiều nhất là ở đoạn sông chảy qua trung tâm xã Tà Rụt. Lòng sông ở đó rộng, nước cạn và chảy không xiết, có các bãi bồi rộng lớn. Khi chúng tôi đến đây, trời đã xế chiều nhưng vẫn có khoảng 15 người đang cặm cụi xúc đào. Khúc sông như một công trường xây dựng, người người bưng bê lui tới nhộn nhịp. Đứng từ xa, nhìn cả đoạn bãi bồi dài độ 100m cứ tưởng vừa trải qua trận bom rải thảm với chi chít hố. Đến gần mới thấy những con người nhỏ bé dưới lòng hố sâu. Họ đang "mót vàng". Đây là bãi "chiến trường" do những nhóm người khai thác vàng với công nghệ hiện đại hơn để lại. Hệ thống máy xúc, máy hút đã tạo nên vô số hố đất đá sâu 3-4m, những chiếc ống hút luồn sâu, đục rỗng lòng sông không thương tiếc. Nhắm chừng đã vơi vàng, nhóm này bỏ đi nơi khác. Lúc này dân bản địa mới "ào" ra tìm kiếm. Ai còn trẻ, có sức khỏe thì tiếp tục xuống hố đào sâu xuống nữa, khoét rộng ra thêm; người già, trẻ con thì xúc đất trên mặt mang xuống đãi dưới nước sông bằng nón - dụng cụ đựng đất đá và để đãi được làm bằng sắt, có hình dạng như chiếc nón lá đội trên đầu.

Hiểm nguy rình rập 

Hiểm nguy luôn chực chờ người phụ nữ này - Ảnh: Trương Quang Nam

Chúng tôi bước lên trên miệng hố của vợ chồng chị Kăn Thinh và Hồ Ba Ba mà thấy lạnh xương sống. Lòng hố sâu hút, chị lúi húi đào rồi xúc đất vào nón sau đó chuyền lên cho anh bưng đổ xung quanh miệng hố. Khi hoàn thành xong việc đào mới bưng số đất này xuống sông đãi. Hố của nhà chị Kăn Thênh thì đầy nước nên công việc vất vả hơn nữa. Chị đã ngâm mình dưới nước gần một ngày ròng, nước ngập ngang miệng khi cúi người xuống vét cát. "Năm nay trời mưa rét, mất mùa, không có chi ăn nên đi đãi vàng kiếm tiền mua gạo thôi. Một ngày bán được mấy chục. Mần ri khổ lắm, ở dưới nước cả ngày mệt lắm, bữa trước miềng mới bị hòn đá to lăn xuống đè lên lưng chừ còn đau, móng chân miềng cũng bị tróc vì đá lăn trúng" - chị Kăn Thênh cho hay.

Ngược sông Đakrông vào tận rừng sâu, có một bãi vàng quy mô hơn nhiều thuộc địa phận xã A Vao với hình thức đào đãi ồ ạt, dùng nhiều hóa chất. Phó chủ tịch UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc thừa nhận: "Việc khai thác vàng trên địa bàn dọc con sông những năm gần đây rất rầm rộ, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường thiên nhiên, nguồn nước bị ô nhiễm không chỉ trong đó mà còn kéo dài ra tận thị trấn trung tâm huyện, khiến cho bà con dân tộc không thể sử dụng vào sinh hoạt cũng như sản xuất".

Dòng Đakrông bây giờ còn đâu những truyền thuyết đậm chất sử thi và nhân văn nữa. Và cũng không còn là điểm đến với những khung cảnh hùng vĩ có dòng nước trong mát uốn lượn bên sườn núi huyền ảo, để du khách nghe kể về cô gái Đakrông xinh đẹp lại giỏi luồn rừng dẫn đường cho bộ đội.

Điểm mặt chủ nậu

"Người mua" mà dân đãi nói ở trên chính là các chủ nậu vàng trong vùng. Họ không phải người bản địa nhưng có quyền uy rất lớn, bởi nắm trong tay nguồn thu nhập của người dân và có tiềm lực kinh tế mạnh để sẵn sàng chi phối, điều động quân số, các sự bảo vệ cần thiết. Có thể kể đến như anh em nhà T., người gốc Nam Định vào Tà Rụt làm ăn, lấy vợ người Quảng Trị rồi ở đó luôn.

Ngay trung tâm xã Tà Rụt, với vẻ e dè, một người chỉ cho chúng tôi biết ngôi nhà hai tầng bề thế còn rất mới, sơn màu vàng, trong sân có chiếc Camry 4 chỗ mới tinh, và nói đó là nhà của G. - người gốc Hà Tĩnh, một chủ nậu có tiếng trong vùng. Hầu hết vàng khai thác đều đổ về tay G. Khi đi tìm hiểu, chúng tôi gặp một người tên H.Kh ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) từng làm thuê cho G. giờ đi làm thợ xây "cho an toàn". H.Kh kể: "Ông ấy chỉ mới giàu thôi, giờ giàu nhất xã, trước đây ông cũng là dân đào vàng ở trong A Vao, sống khổ cực, thường phải đi xin sắn của bà con để ăn. Lúc chính quyền vào truy quét, ông ấy giấu được một số máy khai thác cho chủ, sau đó chủ bỏ đi nên ông ấy lấy sử dụng và khá lên từ đó".

Theo kết quả thăm dò, trữ lượng vàng ở A Vao khá lớn. Tỉnh Quảng Trị đã cấp phép khai thác vàng tại đó cho một công ty, nhưng vì kiểu làm ăn bừa bãi, khai thác không đúng quy trình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên bị rút giấy phép. Sau khi công ty này rút đi, do không có ai quản lý, hàng chục người, có những lúc lên đến hàng trăm người đổ về khai thác trái phép cho đến bây giờ với phương thức quy mô lớn, máy móc hiện đại, dùng hóa chất, thuốc nổ kinh động rừng núi. Việc dân khai thác vàng phân chia lãnh địa cát cứ một vùng kéo theo đó là các tệ nạn xã hội bùng phát. Chính quyền huyện Đakrông cũng có một vài lần tổ chức truy quét nhưng xem ra không hiệu quả bởi cách làm không kiên quyết, triệt để.

(Còn tiếp)

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.