Công an, biên phòng 'mạnh ai nấy làm', vàng tặc ra sức luồn lách

26/08/2016 17:44 GMT+7

'Lên kế hoạch truy quét vàng tặc là phải thực hiện chứ đừng để...trong tủ', Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng nói.

Trưa 26.8, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã có cuộc làm việc với đoàn liên ngành ở Đồn biên phòng Pa Lin về việc đẩy đuổi “vàng tặc” tại xã A Vao (H.Đakrông, Quảng Trị).
Công an và biên phòng thừa nhận... chưa nhịp nhàng
Mở đầu cuộc họp, cả ông Nguyễn Trường Khoa, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị và ông Phạm Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Đakrông đều thừa nhận tình trạng “vàng tặc” khai thác quặng trái phép tại vùng rừng núi xã A Vao là có thật và kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, cả 2 ông đều cho rằng, do địa hình hiểm trở, cán bộ mỏng, thiếu kinh phí... nên công tác ngăn chặn, đẩy đuổi chưa được xuyên suốt.
Bản thân ông Hùng “kêu” rằng từ đầu năm 2016 đến nay huyện đã tổ chức lực lượng vào đẩy đuổi 2 lần nhưng khi lực lượng chức năng rút đi “vàng tặc” lại đến... Trong khi đó, ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao cho rằng sở dĩ người dân địa phương làm “vàng tặc” hoặc tiếp tay cho “vàng tặc” là vì không có việc làm nhưng cần thu nhập.
Một số lán trại của “vàng tặc” để lại Ảnh: Nguyễn Phúc
Trong cuộc họp, cả 2 lực lượng chủ lực là Bộ đội biên phòng và Công an tỉnh Quảng Trị đều thừa nhận việc chưa phối hợp với nhau nhịp nhàng.
Thiếu tá Bùi Đình Lợi, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng Pa Lin cho hay từ nhiều năm trước, ở A Vao có các điểm “nóng” khai thác vàng chui. Theo thiếu tá Lợi, mặc dù tình hình hiện đã tạm lắng nhưng vẫn xảy ra vấn nạn vàng tặc vì nhiều hạn chế trong công tác phối hợp.
“Hiện nay, mạnh ai nấy làm. Bên công an nửa đêm hành quân vào khu vực rừng núi ở biên giới để thực hiện nhiệm vụ, không báo cho biên phòng. Nếu có sự cố gì xảy ra thì không biết tính sao về trách nhiệm?”, thiếu tá Lợi nói.
Thượng tá Lê Công Thuyết, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Quảng Trị) cho rằng hiện nạn đào đãi vàng sa khoáng trên địa bàn đã chấm dứt nhưng vàng hầm lò thì vẫn còn. Thượng tá Thuyết thừa nhận sự chưa “ăn ý” từ trên xuống dưới của các lực lượng chức năng trong công tác chống “vàng tặc".
“Có nhiều khi, các cơ quan quản lý như nghĩ rằng việc này chỉ là của lực lượng công an và biên phòng”, thượng tá Thuyết nói.
Đại tá Nguyễn Đình Hà, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị, cho rằng nên giao cho một lực lượng đứng đầu, chỉ huy chung công tác đẩy đuổi “vàng tặc” ở biên giới Ảnh: Nguyễn Phúc
Đại tá Nguyễn Đình Hà, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Trị đề xuất rằng việc tổ chức các lực lượng trên biên giới đẩy đuổi vàng tặc nên thống nhất do 1 cơ quan chủ trì, các cơ quan khác phối hợp để tiện bề chỉ đạo.
Truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để vàng tặc lộng hành
Ông Hà Sĩ Đồng nhấn mạnh tại cuộc họp: Địa phương, cơ quan nào để xảy ra nổi cộm tình trạng “vàng tặc” thì Tỉnh ủy, Ủy ban sẽ xử lý trách nhiệm các tập thể và người đứng đầu.
Ông Đồng cho rằng việc để người dân địa phương bao che, tiếp tay cho đầu nậu hoặc đơn giản là không báo tin cho là do các cấp ngành chưa làm tốt công tác dân vận, đây trước hết là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Ông cũng phê bình Sở TN-MT chưa làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh mà chỉ ra văn bản chỉ đạo hoặc đi kiểm tra khi có sự việc xảy ra ồn ào...

Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị (đứng, chủ trì cuộc họp “dã chiến”) cho rằng việc chống vàng tặc phải lập kế hoạch và thực hiện chứ không phải để cất trong tủ Ảnh: Nguyễn Phúc
Ông Đồng đề nghị UBND H.Đakrông thành lập 1 lực lượng liên ngành theo dạng “vô thời hiệu” chứ không làm theo đợt để phụ trách việc đẩy đuổi vàng tặc. “Lực lượng này khi có sự cố là lập tức lên đường, họ có quyền, có trách nhiệm và chế độ. Trước mắt huyện lo trích kinh phí, nếu thiếu sẽ trình tỉnh. Lực lượng này thậm chí còn tận dụng cả các anh dân quân tự vệ”, ông Đông nói.
Ông Đồng cũng nhắc nhở cần có sự liên kết thống nhất giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng “chủ lực” công an và biên phòng.
“Làm gì thì cũng phải xây dựng kế hoạch cụ thể để lường trước các tình huống. Nhưng xây dựng kế hoạch đẩy đuổi vàng tặc là phải thực hiện chứ không phải để...trong tủ”, ông Đồng nhấn mạnh.
Dân địa phương mót vàng của vàng tặc
Trước khi cuộc họp “dã chiến” được diễn ra, đoàn cán bộ liên ngành đã tiến hành khảo sát thực địa tại một khu vực khai thác vàng trái phép tại thôn Tân Đi 2 (xã A Vao). Việc tiếp cận bãi vàng này hết sức khó khăn, khi đoàn liên ngành phải cuốc bộ hơn 1 giờ đồng hồ theo con đường mòn để vượt qua 2 ngọn núi dựng đứng.
Một số dụng cụ do người dân địa phương “mót” vàng để lại Ảnh: Nguyễn Phúc
Khi vào tới hiện trường, đoàn không ghi nhận sự có mặt nào của “vàng tặc” tuy nhiên vẫn phát hiện một số lán trại do các nhóm tìm vàng trái phép dựng lên.
Một số hầm vàng không có dấu hiện được đào trở lại do từng bị lực lượng biên phòng dùng thuốc nổ đánh sập. Tuy nhiên, quanh khu vực, đất đai vẫn bị đào xới tan nát do người dân địa phương vẫn lén lút vào “mót” vàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.